T2, 06/07/2020 01:16

Ngân hàng gặp khó với “tàu 67”

Chưa có đánh giá về bài viết

Sau hơn 4 năm triển khai, Nghị định 67/NĐ-CP (Nghị định 17 sửa đổi, bổ sung) đã gần như đã “xong nhiệm vụ”. Vậy nhưng, tình trạng tồn đọng trong việc hoàn thiện các khoản vay ngân hàng hiện gặp nhiều khó khan.


Agribank đã cho vay trên địa bàn 28 tỉnh, thành phố ven biển

Khó khăn trong thu hồi vốn

Với vai trò chủ đạo trong đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Agribank được coi là một trong những ngân hàng trụ cột trong việc triển khai cho vay theo Nghị định 67. TS Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đánh giá rất tích cực sự vào cuộc của Agribank. Theo ông, không chỉ Agribank mà 3 ngân hàng thương mại Nhà nước còn lại cũng nỗ lực tham gia dù cho vay theo Nghị định 67 các ngân hàng đều xác định là hòa vốn. Chưa kể, lãi suất cấp bù từ Bộ Tài chính có khi cả năm mới được trả.

Đến nay, sau hơn 4 năm thực hiện, Agribank đã cho vay trên địa bàn 28 tỉnh, thành phố ven biển với tổng số 679 tàu, trong đó 622 tàu đóng mới nâng cấp và 57 tàu vay vốn lưu động, tổng dư nợ cấp tín dụng hơn 5.465 tỷ đồng. Số tàu vay đóng mới, nâng cấp do Agribank tài trợ đã chiếm hơn 50% tổng số tàu của chương trình và gần 47% tổng dư nợ toàn ngành về cho vay đóng tàu theo Nghị định 67.

Một số tỉnh có dư nợ lớn như: Bình Thuận, Quảng Nam, Hải Phòng, Ninh Thuận, Thanh Hóa, Quảng Bình, Bà Rịa – Vũng Tàu với hơn 30 tàu đóng mới nâng cấp và dư nợ trên 300 tỷ đồng. Trong đó, Agribank chi nhánh Bình Thuận là đơn vị có dư nợ và số tàu đóng mới nâng cấp lớn nhất trên toàn hệ thống Agribank và là Ngân hàng Thương mại duy nhất triển khai cho vay theo Nghị định số 67 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận với tổng số tàu đã ký kết hợp đồng tín dụng là 121 tàu nâng cấp đóng mới; tổng dư nợ cho vay đóng mới nâng cấp đạt 1.028,6 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 18,9% tổng dư nợ cho vay theo Nghị định 67 của toàn hệ thống.

Tính đến 31/7/2018, trên tổng số 622 khoản vay, có 34 khoản vay đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, 24 khoản vay có dư nợ bị chuyển quá hạn với dư nợ chuyển quá hạn gần 264 tỷ đồng, 11 khoản vay bị chuyển nợ xấu với dư nợ trên 155 tỷ đồng. Việc nhiều khoản vay bị chuyển nợ quá hạn, cơ cấu nợ, chuyển nợ xấu cho thấy khó khăn trong công tác thu hồi, xử lý nợ đối với các khoản vay theo Nghị định 67.

Theo chia sẻ của các đơn vị, nguyên nhân của tình trạng trên là do khó khăn, vướng mắc về chính sách tín dụng, chính sách bảo hiểm, hay những khó khăn do đặc thù ngành khai thác hải sản phụ thuộc nhiều vào yếu tố khách quan như thời tiết, hải lưu, ngư trường… Mặt khác, đại diện Agribank nhiều địa phương cũng phản ánh tình trạng đáng lo ngại hiện nay khi chủ tàu có tư tưởng coi chương trình vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67 là chính sách tài trợ không hoàn lại của Chính phủ, cố tình chây ỳ, không trả nợ, chờ ngân hàng xóa nợ… Như đại diện Agribank Quảng Bình thông tin, một số tàu kinh doanh có hiệu quả, có khả năng trả được nợ vay nhưng đi so sánh với những tàu kinh doanh không hiệu quả, không trả được nợ nên cũng khất lần không trả nợ vay ngân hàng, không hợp tác khi ngân hàng đôn đốc thu hồi nợ. Vì vậy, cán bộ ngân hàng rất khó khăn trong việc tiếp cận, thuyết phục, đòi nợ khi đến hạn trả nợ gốc phân kỳ hàng năm hoặc nợ lãi vay hàng tháng.

Nhanh chóng giải quyết

Ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, Thanh Hóa đã chủ trì và đưa ra nhiều giải pháp để tránh sự trục lợi chính sách. Ngoài việc tổ chức tuyên truyền, đối thoại với các chủ tàu về chủ trương, chính sách của Nhà nước để tránh việc cố tình hiểu sai, tỉnh đã yêu cầu các cơ quan chức năng cùng ngân hàng phân loại hiệu quả của từng con tàu, đánh giá năng lực từng chủ tàu để đưa ra định hướng phát triển. Với những chủ tàu bị đánh giá yếu kém, tỉnh cũng có giải pháp kiên quyết, đồng ý cho chuyển đổi và cam kết cụ thể về hướng xử lý theo đúng các quy định của luật tín dụng. “Mặc dù, chưa có trường hợp nào phải khởi kiện, nhưng tỉnh cũng cương quyết với hướng xử lý này nếu vẫn còn những trường hợp cố tình chây ỳ”, ông Quyền cho biết.

Bên cạnh đó, Thanh Hóa cũng đề nghị Agribank Việt Nam nói riêng và hệ thống các ngân hàng thương mại nói chung, sớm triển khai chính sách vay vốn lưu động cho các chủ tàu cá theo Thông tư số 12 ngày 27/4/2018 của Ngân hàng Nhà nước; đồng thời, có cơ chế linh hoạt cho ngư dân được trả lãi theo quý hoặc 6 tháng 1 lần, do đặc thù khai thác hải sản xa bờ nên việc trả lãi hàng tháng cũng rất khó khăn và bất tiện cho ngư dân.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng chia sẻ, tỷ lệ nợ xấu quá lớn trong thực hiện Nghị định 67 không phải là vấn đề riêng của Agribank mà là thực trạng chung của các ngân hàng khác. Ngân hàng Nhà nước đã có báo cáo Chính phủ thực trạng này. Do đó, để tháo gỡ, không chỉ riêng ngành ngân hàng mà sự vào cuộc giải quyết vấn đề này một cách kịp thời của các địa phương và các bên liên quan là rất cần thiết để một chủ trương, chính sách lớn của Chính phủ được thực hiện hiệu quả.

>> Ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản (Tổng cục Thủy sản) nhấn mạnh, để giải quyết vấn đề nợ xấu, thời gian tới chúng ta cần phải có những xử lý kiên quyết, mạch lạc, thậm chí phải “làm điểm” để ngăn chặn tình trạng lôi kéo làm sai lệch chính sách.

Lê Hợi - Vân Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!