Ngành tôm 2014: Các doanh nghiệp góp công lớn

Chưa có đánh giá về bài viết

2014 là năm thắng lợi lớn của ngành tôm Việt Nam, khi mang về trị giá gần 4 tỷ USD, đóng góp 50% giá trị xuất khẩu toàn ngành thủy sản. Kết quả này có được nhờ công lớn của các đơn vị sản xuất, chế biến, xuất khẩu tôm, cũng như cung ứng con giống, thuốc, thức ăn…cho tôm.

Từ chế biến đến xuất khẩu

Lĩnh vực sản xuất, chế biến, xuất khẩu tôm năm qua thực sự bứt phá, ghi nhận nhiều thắng lợi khi vượt qua rất nhiều khó khăn. Xuất khẩu tôm năm 2014 đạt giá trị gần 4 tỷ USD, tăng 26,9% so cùng kỳ năm 2013 (Giá trị xuất khẩu tôm thẻ chân trắng 2,3 tỷ USD, tăng 46,3%; tôm sú 1,8 tỷ USD, tăng 4,2% so cùng kỳ năm trước).

Trong số tên tuổi hàng đầu chế biến xuất khẩu tôm, phải kể các công ty: Thủy sản Minh Phú; Chế biến Thủy sản và XNK Quốc Việt (Quoc Viet Co.,Ltd); Thủy sản Sóc Trăng (Stapimex)… Năm 2014, Minh Phú tiếp tục dẫn đầu ngành tôm với kim ngạch xuất khẩu 730,366 triệu USD, sản lượng 47,713 tấn tôm, tăng gần 23% lượng và hơn 40% giá trị so năm 2013. Tạp chí Undercurrentnew chuyên ngành thủy sản tại Anh bình chọn Minh Phú vào top 100 doanh nghiệp thủy sản lớn nhất toàn cầu năm 2014.

Quoc Viet Co.,Ltdđã sản xuất gần 20.000 tấn trong năm 2014, dự kiến năm 2015 đạt 25.000 tấn. Năm 2014, Quoc Viet Co.,Ltd là công ty tôm đầu tiên tại châu Á và thứ hai trên thế giới được Hội đồng Quản lý Nuôi trồng thủy sản (ASC) chứng nhận. Quoc Viet Co.,Ltd hiện có 2 nhà máy chế biến tôm, một vào hoạt động từ năm 2014 chuyên sản xuất sản phẩm tôm giá trị gia tăng, một vừa được nâng cấp với tổng vốn đầu tư hơn 7 triệu USD. Tổng công suất chế biến tôm của 2 nhà máy 30.000 tấn tôm thành phẩm/năm.

Năm 2014, ngành tôm thắng lợi – Ảnh: Phan Thanh Cường

 

Con giống, thức ăn

Trong lĩnh vực sản xuất con giống, thức ăn cho tôm, các đơn vị đã cung cấp đủ con giống chất lượng, hiệu quả cao; cùng với những dòng sản phẩm thuốc, thức ăn được sản xuất trên dây chuyền tiên tiến, công nghệ hiện đại, ứng dụng những nghiên cứu mới nhất.

Công ty Thủy sản Việt – Úc là một trong những tên tuổi hàng đầu trong sản xuất tôm giống tại Việt Nam, luôn tập trung đầu tư theo chiều sâu vào khoa học công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng; đã cung cấp hơn 15 tỷ con giống cho thị trường, tương đương 22% tổng nhu cầu tôm giống trong năm 2014. Việt-Úc tiếp tục đầu tư xây dựng thêm 3 cơ sở sản xuất tôm giống mới tại Cà Mau, Bến Tre, Nghệ An. Các cơ sở sản xuất tôm giống mới sẵn sàng hoạt động từ quý II/2015, nâng tổng công suất của Việt – Úc lên 40 tỷ con giống. Việt-Úc cũng đang tích cực triển khai nghiên cứu, sản xuất tôm thẻ chân trắng bố mẹ, với kỳ vọng tạo con tôm giống Made in Viet Nam từ năm 2016.

DNTN Tôm giống Dương Hùng vẫn giữ vững phong độ, với con giống chất lượng tốt nhất, hiệu quả cao nhất. Dương Hùng luôn trăn trở và nỗ lực thực hiện bằng mọi cách đem lại lợi nhuận cao cho người nuôi, doanh nghiệp không ngừng đầu tư kỹ thuật phục vụ sản xuất, đặc biệt là việc lo nhà ở cho toàn bộ vợ con công nhân. Từ ngày thành lập cho đến nay, không chỉ được biết đến với việc cung cấp nguồn tôm giống chất lượng, hoạt động kinh doanh hiệu quả, Dương Hùng còn tích cực làm từ thiện, giúp xã hội và nhiều người nuôi bằng nhiều hình thức: xây dựng cầu đường, nhà ở cho hộ nghèo; ủng hộ gạo, tiền…

Trong lĩnh vực sản xuất thức ăn, Công ty TNHH Uni-President Việt Nam vẫn giữ vị trí hàng đầu, luôn duy trì chất lượng sản phẩm ổn định, chú trọng chăm sóc khách hàng, nhằm mang lại những dịch vụ ưu đãi nhất. Ngoài nhà máy sản xuất thức ăn tại Bình Dương, Công ty đã mở rộng và hiện đã tăng thêm nhà máy thức ăn tại Tiền Giang, Quảng Nam; dự án sản xuất tại Ninh Thuận, Quảng Trị; trại gièo tôm tại Bạc Liêu.

Skretting tại Việt Nam có nhiều nghiên cứu sử dụng những thành phần, nguyên liệu giúp tôm tiêu hóa thức ăn tốt nhất. Skretting cũng nhận thức được những mong đợi của các thị trường xuất khẩu tại châu Âu về an toàn trong việc tiêu thụ tôm và truy xuất nguồn gốc; cùng đó là bền vững nguồn nguyên liệu và thành phần mà Công ty đang sử dụng…

 

Cần nhiều nỗ lực tiếp theo

Để ngành tôm thực sự phát triển ổn định, còn nhiều việc phải làm. Như chia sẻ của ông Yuttana Thongphur, Phó tổng giám đốc Cấp cao Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam, hiện nay bệnh EMS đã phần nào được khắc phục nhưng chúng ta không nên chủ quan, vì sau EMS đã xuất hiện những bệnh mới trên tôm, đặc biệt bệnh vi bào tử trùng. Theo đó, Công ty sẽ áp dụng công nghệ tiên tiến nhất hiện nay trong lĩnh vực sản xuất thức ăn, nhằm đưa ra thị trường thức ăn có chất lượng tốt nhất. Với phương châm nuôi tôm bền vững không dùng kháng sinh và hóa chất cấm dùng trong nuôi trồng thủy sản, năm 2015 Công ty tiếp tục cung cấp ra thị trường các loại chế phẩm sinh học chất lượng như Super VS, Ph Fixer, C.P. Bioplus, C.P. Zymetin… giúp sản xuất tôm sạch phục vụ xuất khẩu.

Mặt khác, theo ông Lê Minh Quang, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Minh Phú, người nuôi tôm hãy thông thái hơn, hãy nuôi những gì thị trường cần và có nhu cầu cao, cũng như hãy nuôi tôm và bán tôm ở size tôm nào thị trường cần và có nhu cầu cao. Cùng đó, hãy nuôi tôm chất lượng cao, có màu sắc khi luộc lên đỏ đẹp để bán được giá hơn. Muốn vậy, hãy nuôi tôm với công nghệ vi sinh và nuôi tôm không dùng kháng sinh.

>> Các doanh nghiệp tôm đóng góp nhiều nhất vào giá trị xuất khẩu của ngành thủy sản. Điều này được lý giải là do Việt Nam đã quy hoạch được vùng nuôi, kiểm soát tốt con giống, truy xuất nguồn gốc con giống, thường xuyên rà soát vùng nuôi tôm. Bên cạnh đó, Thái Lan – nước xuất khẩu tôm chính trong khu vực – bị dịch bệnh tràn lan, giảm sản lượng.

Ngọc Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!