Ngành tôm sú Malaysia hồi sinh

Chưa có đánh giá về bài viết

Đối mặt nhiều thách thức dịch bệnh, cộng với giá tôm toàn cầu năm 2018 gần chạm đáy, nhiều hộ nuôi tôm tại Malaysia đã không còn mặn mà với TTCT. Họ bắt đầu quay lại con tôm sú với hy vọng lợi nhuận ổn định và cao hơn.

Ảnh minh họa

Malaysia bắt đầu ngành công nghiệp nuôi tôm vào những năm 1980 với đối tượng khởi đầu là con tôm sú; sau đó, cũng nhờ tôm sú mà đặt được nền móng vững chắc cho ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu. Nhưng khi dịch bệnh WSSV lây lan khắp các trại nuôi vào năm 2005, TTCT xuất hiện và mang lại cho người nuôi những tia hy vọng mới. Ngành tôm Malaysia vẫn “yên ổn” với TTCT, cho đến năm 2016, nhiều dịch bệnh cố hữu xuất hiện, cộng với đồng ringgit của Malaysia mất giá trong khi giá tôm sú vẫn cao ngang TTCT, thậm chí được giá hơn. Giá tôm tại thị trường nội địa luôn ở mức cao. Năm 2017, giá tôm của Malaysia đã vọt lên 29 MYR/kg (7,25 USD/kg) với TTCT cỡ 14 g; nhưng giá tôm sú còn cao hơn, 36 MYR/kg (9 USD/kg).

Sau tháng 3/2018, sự chênh lệch giá giữa TTCT và tôm sú lớn hơn, các nhà chế biến cũng nhận thấy tiềm năng xuất khẩu tôm sú sống cấp đông, hoặc tôm sú thịt chất lượng cao. Thậm chí, những vuông tôm sú luôn được trả trước với giá rất cao nếu nông dân thu hoạch được nhiều tôm còn sống.

Phong trào nuôi tôm sú bắt đầu nhen nhóm tại Malaysia từ năm 2017. Tại thời điểm này, nguyên nhân được các chuyên gia đưa ra để giải thích sự thờ ơ của người nông dân với TTCT chính là những vụ nuôi thất bại khiến họ muốn “thử vận may” với tôm sú. Đầu năm 2018, thêm một biến cố nữa với người nuôi TTCT trên toàn cầu là giá tôm gần chạm đáy, nhiều hãng chế biến từ chối mua TTCT; trong khi giá xuất khẩu tôm sú vẫn ổn định; điều này là một động lực lớn thúc đẩy người nông dân quay lại với tôm sú.

Các chuyên gia trong ngành đã thực hiện so sánh chi phí nuôi TTCT và tôm sú tại 17 ao ở Perak, thuộc Malaysia. Với TTCT, mật độ thả 100 – 120 PL/m2, sản lượng thu hoạch 5 – 6 tấn/ha. Thị trường nội địa chỉ tiêu thụ tôm đạt cỡ thương phẩm 14 g, thu hoạch sau 60 ngày nuôi (DOC 60). Giá tôm tại vuông là 19 MYR/kg (4,75 USD/kg). Tôm sú lại khác, đạt cỡ 25 g sau 110 – 120 ngày nuôi và giá tại vuông là 32 MYR/kg (8 USD/kg). Dựa theo chi phí sản xuất 15 MYR/kg với TTCT, người nuôi lãi khoảng 1 USD/kg; nhưng với tôm sú thì lợi nhuận gấp 3 lần (3,5 USD/kg) trong khi chi phí cũng cao hơn 18 MYR/kg (4,5 USD/kg). Doanh thu mỗi ao tôm sú trung bình cao hơn tôm thẻ khoảng 35% nếu vụ nuôi đó thành công.

Tại Malaysia, tôm post được nhập khẩu từ Moana, CPF và Madagasca, Mozambique. Nguồn cung tôm post luôn là trở ngại lớn tại Malaysia, đặc biệt là khi nông dân ở miền Nam Thái Lan cũng rục rịch chuyển sang nuôi tôm sú càng khiến nguồn tôm post eo hẹp hơn. Tuy nhiên, hiện nay, tôm post của hãng Moana được nông dân ưa chuộng vì lớn nhanh, đầu nhỏ – là mặt hàng nguyên liệu được lòng các hãng chế biến tôm đông lạnh. Một số nông dân cũng thích tôm sú của Mozambique do đầu lớn giúp tôm tăng trọng lượng.

Giá xuất khẩu tiếp tục là nhân tố hấp dẫn, trong khi đồng ringgit mất giá, các hãng chế biến sẽ tiếp tục thu mua tôm sú, tạo thế đòn bẩy cho ngành nuôi tôm sú tại Malaysia. Với nhà chế biến, tôm sú vẫn là mặt hàng có sức hút lớn, đặc biệt vào thời điểm cuối năm. 

>> Trước đây, sản lượng tôm sú của Malaysia chỉ đạt 6.000 tấn/năm nhưng cũng đã tăng lên 9.000 – 10.000 tấn vào năm 2017, tương đương 27% tổng sản lượng tôm biển tại nước này. Trước năm 2017, nguồn tôm sú PL chủ yếu từ Moana Technologies và Madagasca. Gần đây, Malaysia đã tự sản xuất tôm sú PL từ tôm bố mẹ sạch bệnh SFP của CP, Thái Lan hoặc Moana.

Tuấn Anh (Theo AsiaAquaculture)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!