Ngành tôm: Tiền đề bứt phá 2018

Chưa có đánh giá về bài viết

Với một năm không quá nhiều chuyển biến ngoạn mục nhưng lại ổn định như 2017 sẽ là bước đệm tốt để ngành tôm bứt phá vào năm 2018 và vươn lên mức sản lượng 4,88 triệu tấn vào năm 2019.


Chặng đường thăng trầm

Thường lệ cuối năm, Liên minh NTTS toàn cầu (GAA) lại công bố đánh giá kèm theo dự báo về ngành tôm thế giới. Kết quả khảo sát năm nay dựa trên phản hồi từ 43 trại nuôi tôm ở châu Á/Thái Bình Dương; 38 trại ở Mỹ Latinh; 2 trại ở châu Phi và được công bố tại hội nghị GOAL 2017.

Nhiều năm qua, con đường phát triển của ngành tôm vẫn còn nhiều gập ghềnh. Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia và Mexico bắt đầu dấu hiệu lao dốc từ năm 2013 mà nguyên nhân là do bùng phát dịch bệnh tôm chết sớm (EMS) xuất hiện lần đầu tiên tại Trung Quốc vào năm 2009.  Cùng đó, giá tôm trên thị trường quốc tế tăng vọt suốt năm 2013 trong khi sản lượng tụt giảm liên tục.

Theo GOAL, sản lượng tôm toàn cầu năm 2012 đạt 3,87 triệu tấn và giảm 10% vào năm 2013 còn 3,49 triệu tấn. Năm 2014, sản lượng ngành tôm phục hồi về mức 4,30 triệu tấn (tăng 23%) nhờ Trung Quốc, Việt Nam và Indonesia trúng đậm vụ khai thác tôm nuôi; cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành tôm Ấn Độ, Ecuador. Tuy nhiên, tới năm 2015, ngành tôm thế giới lại đi xuống với sản lượng sụt giảm còn 3,99 triệu tấn (giảm 7%) do dịch bệnh bùng phát ở các nước nuôi tôm chính tại châu Á.

Những tín hiệu phục hồi của ngành tôm trong năm 2016 quá mờ nhạt khiến ngành tôm năm 2017 không có đà đi lên. Tuy nhiên, các chuyên gia của GOAL vẫn lạc quan tin tưởng sự ổn định của ngành tôm 2017 sẽ là tiền đề tốt để tạo sự bứt phát mạnh mẽ vào những năm sau.

“Điểm sáng” châu Á và Mỹ Latinh


Sản lượng tôm của các nước đông châu Á ổn định với mức tăng trưởng kép 5% giai đoạn 2008 – 2011. Trước đó, sản lượng giảm từ 3,35 triệu tấn xuống 3,33 triệu tấn (6%) trong  năm 2012 và 2,49 triệu tấn năm 2013 do EMS bùng phát ở Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia. Thách thức dịch bệnh cũng dẫn đến sự bất ổn của ngành tôm tại Việt Nam và Indonesia những năm qua. Năm 2014, ngành tôm châu Á dần phục hồi nhờ sự tăng trưởng vượt bậc của tôm Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam và Indonesia.

Tuy nhiên, phải đến năm 2016, ngành tôm châu Á mới thực sự hồi phục; dẫn đầu là Ấn Độ, Việt Nam và Indonesia. Sản lượng tôm Trung quốc khi đó chỉ đạt 1,35 triệu tấn và được dự báo là khó vượt được mức này đến hết năm 2019. Trong khi đó, mặc dù Thái Lan được kỳ vọng mức tăng trưởng kép 10% giai đoạn 2015 – 2019  nhưng sản lượng cũng chỉ đạt 355.000 triệu tấn vào năm 2019, bằng 60% tổng sản lượng tôm của nước này trước khi bị EMS tàn phá và sẽ tụt phía sau ngành tôm Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia và Ấn Độ.

Tuy nhiên, nhìn chung ngành tôm châu Á đang trên đà phục hồi sau thời gian lao dốc suốt giai đoạn 2012 – 2015 do dịch bệnh bùng phát. Sản lượng tôm năm 2017 được kỳ vọng sẽ phục hồi về mức trước đại dịch EMS nhờ sự tăng trưởng của Việt Nam, Indonesia và Ấn Độ. Trung Quốc vẫn là quốc gia sản xuất tôm lớn nhất nhưng sự đóng góp của ngành tôm nước này vào sự tăng trưởng chung của toàn vùng lại rất mờ nhạt. Sản lượng tôm toàn châu Á ước đạt trên 3,8 triệu tấn nếu không bị bùng phát dịch bệnh mới trong vài năm tới.

Tại Mỹ Latinh, Mexico cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh EMS vào năm 2013. Tuy nhiên, ngành tôm nước này vẫn có khả năng phục hồi về mức trước EMS với tăng trưởng kép 5,2% tới 2019 và sản lượng vượt 120.000 tấn. Tuy nhiên, Ecuador mới là tâm điểm của ngành tôm Mỹ Latinh về tốc độ tăng trưởng. Tận dụng sự suy yếu của ngành tôm châu Á trong khủng hoảng dịch bệnh, Ecuador đã đẩy mạnh xuất khẩu tôm sang châu Âu và châu Á. Sản lượng tôm toàn vùng được kỳ vọng gần 480.000 tấn tới năm 2019 với tăng trưởng kép 6,7% giai đoạn 2015 – 2019. Ecuador tiếp tục chiễm giữ hơn một nửa nguồn cung tôm nuôi phía tây bán cầu. Ngoài Ecuador và Mexico, ngành tôm Brazil, Venezuela, Honduras và Panama cũng được kỳ vọng đạt tăng trưởng tích cực tới năm 2019, nâng sản lượng tôm toàn vùng từ 678.000 tấn năm 2015 lên 868.000 tấn năm 2019.

Còn nhiều thách thức

Theo những người nuôi tôm tại châu Á, dịch bệnh vẫn là nỗi ám ảnh lớn nhất của ngành tôm. Những vấn đề liên quan đến dịch bệnh như nguồn cung và chất lượng tôm giống, tôm bố mẹ sạch bệnh lần lượt được xếp ở vị trí quan trọng thứ 2 và thứ 3 sau dịch bệnh. Một vấn đề cuối cùng, dù không có liên quan tới dịch bệnh nhưng cũng là yếu tố then chốt trong sự phát triển của ngành tôm châu Á là chi phí thức ăn. Tại Mỹ Latinh, con giống tốt hay tôm bố mẹ sạch bệnh không phải là mối bận tâm mà chi phí thức ăn cùng dịch bệnh lại là 2 thách thức lớn nhất của ngành tôm; tiếp đến là giá thị trường.

Sự nhận thức về hiểm họa dịch bệnh đã thay đổi đáng kể suốt 10 năm qua trong ngành tôm nuôi. Nhưng tại khảo sát 2017, dịch bệnh không còn nằm trong 3 trở ngại lớn nhất với nông dân nuôi tôm trên toàn thế giới. Thay vào đó, họ lại lo lắng nhiều hơn tới chi phí thức ăn, giá thị trường và rào cản thương mại đang biến đổi liên tục. Sau cú sốc đại dịch EMS, nông dân dường như đã nâng cao ý thức bảo vệ mùa vụ, phòng và tránh các loại dịch bệnh trong nuôi tôm bằng nhiều giải pháp khoa học, tiên tiến. Ngành tôm châu Á và Mỹ Latinh vì thế mà vẫn luôn kỳ vọng vào sự ổn định, thậm chí phát triển mạnh mẽ vào năm 2018.

Đan Linh (Tổng hợp)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!