Ngày Dân số Thế giới 11/7: Hướng tới những người dễ bị tổn thương trong thiên tai

Chưa có đánh giá về bài viết

Với chủ đề “Hỗ trợ chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho người dân dễ bị tổn thương trong thiên tai” nhân dịp ngày Dân số Thế giới năm nay, cả thế giới đều quan tâm và hướng tới những người dân chịu nhiều thiệt thòi. Việt Nam cũng có nhiều hoạt động hướng đến những đối tượng này.

Khẩn cấp

Theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc, hàng năm trên thế giới, những đối tượng như phụ nữ, trẻ em và thanh, thiếu niên… chiếm hơn 3/4 trong tổng số hơn 50 triệu người phải di chuyển khỏi nơi mình đang cư trú do những nguyên nhân như xung đột vũ trang và thiên tai. Cụ thể, ước tính có 2 triệu phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ bị ảnh hưởng do thiên tai, 126.000 phụ nữ mang thai có nhu cầu cấp thiết trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế. Tuy nhiên, tình trạng cơ sở y tế bị quá tải, nhiều nơi bị hư hỏng hoặc bị phá hủy hoàn toàn, thiếu thốn các thiết bị y tế vẫn xảy ra. Điển hình như trận động đất kinh hoàng xảy ra gần thủ đô Kathumandu, Nepal ngày 25/4/2015 đã cướp đi sinh mạng của hơn 8.000 người… đã dấy lên yêu cầu chăm sóc sức khỏe cho mọi đối tượng này, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái.

Việt Nam là một trong số những quốc gia dễ bị ảnh hưởng trước tác động của biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Theo các chuyên gia, những ảnh hưởng nặng nề như lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, mực nước biển dâng, thay đổi lượng mưa… sẽ tác động tới Việt Nam. Việt Nam đã có những sáng kiến ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai bằng các dự án, trong đó có chương trình hợp tác giữa Cơ quan Phát triển Quốc tế Australia và các tổ chức phi Chính phủ tài trợ, đó là “Nâng cao năng lực cho các nhóm dân tộc thiểu số tiếp cận thông tin và bảo đảm an ninh lương thực tại các tỉnh Hòa Bình, Điện Biên, Hà Tĩnh (2011 – 2017)” và “Thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng tại khu vực ven biển của Việt Nam tại huyện Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng (2009 – 2017)”.

 

5 giải pháp

Ngành dân số đã nỗ lực vào cuộc, thông qua những chương trình hành động cụ thể, thiết thực nhằm mục tiêu giảm thiểu gánh nặng thiên tai cho những đối tượng dễ bị tổn thương. Cùng với đó là những hoạt động thiết thực, chuẩn bị ứng phó khi thiên tai xảy ra như việc giải quyết các vấn đề liên quan tới chăm sóc SKSS và sức khỏe tình dục. Ngành cũng khuyến khích sự tham gia của thanh niên, thiếu niên vào quá trình chuẩn bị sẵn sàng ứng phó; rà soát các chính sách và luật pháp quốc gia liên quan tới việc giải quyết các nhu cầu về chăm sóc SKSS, của mọi đối tượng…

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, ngành dân số gặp không ít khó khăn, thách thức. Do kinh phí bị cắt giảm (có năm nguồn lực cắt giảm tới hơn 50% dự toán kế hoạch), khiến việc ổn định tổ chức bộ máy và duy trì chất lượng hoạt động khó triển khai. Hơn nữa, nguồn lực đáp ứng cho việc ứng phó khi có thiên tai xảy ra còn hạn chế…

Để giải quyết vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Dân số cho biết, ngành dân số sẽ chú trọng nhiều hơn đối với việc tăng cường đảm bảo dịch vụ SKSS/KHHGĐ cho người dân ở khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Đảm bảo việc cung cấp một cách kịp thời, hiệu quả dịch vụ SKSS/KHHGĐ trước, trong và sau thiên tai nhằm giảm rủi ro về bệnh tật và các hệ lụy không mong muốn khác do các nguyên nhân liên quan đến thiên tai. Ngành sẽ tập trung vào 5 giải pháp: Tăng cường năng lực hệ thống tổ chức, điều hành, quản lý công tác chuẩn bị, đáp ứng và tham gia khắc phục hậu quả thiên tai của ngành từ trung ương đến địa phương. Xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách trong chuẩn bị, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Tăng cường năng lực của đội ngũ cán bộ, cộng tác viên dân số. Thiết lập cơ chế thông tin trong ngành để đánh giá tác động thiên tai và làm cơ sở cho việc chủ động chuẩn bị, ứng phó. Triển khai nghiên cứu bổ sung các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, kỹ năng ứng phó với thiên tai của cán bộ trong ngành…

>> Theo ước tính, giai đoạn 2011 – 2020, Việt Nam cần khoảng 3.132 tỷ đồng (khoảng 150 triệu USD) để mua phương tiện tránh thai. Trong 3 năm (2012 – 2014), tổng ngân sách phân bổ cho việc mua sắm phương tiện tránh thai chỉ có 254 tỷ đồng, chưa đáp ứng được 1/10 nhu cầu. Do đó, những phương tiện tránh thai Việt Nam chưa sản xuất được cần được bố trí kinh phí để mua. Những phương tiện tránh thai có thể sản xuất được ở Việt Nam, ngành dân số đã đề xuất với Bộ Y tế, Chính phủ cho phép việc kết nối giữa nhà sản xuất và người dân…

Mai Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!