T2, 06/07/2020 10:36

Nghệ An: Ngư dân vui đón “lộc” biển

Chưa có đánh giá về bài viết

Bão ập đến cuốn đi nhiều tài sản, công sức của người dân, nhưng sau khi bão tan, những người dân làng biển đang được tận hưởng nguồn “lộc” do biển cả trao tặng. Sự vui mừng, phấn khởi thể hiện rõ trên những khuôn mặt ngư dân rạm nắng, gió đang từng ngày vật lộn với biển cả để mưu sinh.

Với kinh nghiệm của những người sống với biển, sau những ngày mưa bão, biển động thì luồng hải sản trên biển nhiều hơn. Vì thế, ngay khi cơn bão số 10 vừa tan, biển lặng, nắng mới hửng lên, nhiều ngư dân đã hối hả cho tàu vươn khơi. Chiều 7/10, chúng tôi có mặt tại Cảng cá Lạch Quèn (Quỳnh Lưu), tàu thuyền của ngư dân nặng trĩu, ì ạch đang rẽ sóng hướng vào cảng sau những ngày ra khơi vất vả. Là một trong những phương tiện đầu tiên cập Cảng Lạch Quèn, ông Nguyễn Văn Minh, xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu), chủ tàu có công suất 350CV vội cười giòn và khoe: Sau khi nghe tin bão tan là anh em chúng tôi tức tốc chuẩn bị lương thực, đá lạnh, dầu để bắt đầu ra khơi. Ra được 2 ngày thì tôi và anh em bạn tàu ai cũng mừng rỡ vì đánh mẻ lưới nào trúng mẻ đó nên không mấy chốc mà khoang thuyền sớm đầy cá. Vì thế, chúng tôi quyết định về sớm hơn dự định. Anh Minh cho biết, bình thường thì chuyến nào đánh nhiều nhất cũng chỉ được khoảng hơn 20 tấn nhưng chuyến này đánh được hơn 32 tấn. Với giá cá cao, thuyền của anh thu về 320 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi hơn 150 triệu đồng.

Ngư dân Diễn Châu khẩn trương chuyển cá lên bờ đi tiêu thụ. 

Ngư dân Diễn Châu khẩn trương chuyển cá lên bờ đi tiêu thụ.

Cùng niềm vui chung với thuyền của anh Minh thì còn rất nhiều thuyền của ngư dân trong huyện Quỳnh Lưu đang hào hứng không kém vì chuyến ra khơi đầu tiên sau bão trúng đậm. Vừa bán xong số hải sản cho thương lái, anh Phạm Văn Đức, xóm 3, xã Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu) đang cùng các lao động rửa dọn thuyền. Quệt ngang bàn tay còn tanh mùi cá lên trán, anh nói: Khi mưa bão về thì tàu thuyền của ngư dân phải nằm bờ nhưng bão tan, cá sẽ nhiều hơn nên hầu hết thuyền nào cũng khai thác tốt. Tàu tôi ra khơi 5 ngày và đánh được hơn 18 tấn cá, mực và thu về hơn 250 triệu đồng. Các loại cá đánh bắt được là cá cơm, cá đốm, cá hố, cá trích và mực, trong đó, chủ yếu là cá cơm chiếm hơn 70% tổng sản lượng. Tuy vất vả nhưng đánh được nhiều cá nên anh em ai cũng vui mừng, phấn khởi. Tàu của anh Đức có 12 lao động, sau mỗi chuyến ra khơi thì mỗi ngư dân có hơn 2 triệu đồng. 

Không chỉ có ngư dân mới vui mà ngay cả ông Trần Quang Vệ, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Long cũng phấn khởi không kém. Ông Vệ cho biết: Sản lượng vụ cá nam năm nay dự tính sẽ tăng gần gấp 2 lần so với sản lượng cùng kỳ năm 2012. Riêng trong tháng 8, sản lượng khai thác đã đạt khoảng 2.500 tấn, tháng 9 thì có giảm xuống do cơn bão số 8 nhưng bù lại là sau bão thì tàu thuyền lại đánh bắt được nhiều. Các tàu đi khoảng 1 tuần, thu hoạch được khoảng hơn 30 tấn, thu về 250 – 270 triệu đồng là chuyện bình thường. Trong nhiều năm trở lại đây, với việc phát triển công nghệ khai thác và áp dụng các cơ chế quản lý mới nên các nghề truyền thống của địa phương như lưới rê tầng mặt, chụp mực, lưới vây ánh sáng… phát triển mạnh. Với sự hỗ trợ của Nhà nước và tự lực của người dân, các phương tiện có công suất lớn trên 300CV được đóng mới nhiều. Nhiều gia đình đã vay mượn ngân hàng, bạn bè cải tạo tàu công suất nhỏ sang công suất lớn để vươn khơi, bám biển. Sản lượng khai thác 9 tháng đầu năm của xã đạt hơn 7.000 tấn, so với tổng sản lượng cùng kỳ năm 2012 tăng hơn 1.000 tấn.

Ngư dân đánh bắt được nhiều loại cá có giá trị cao . 

Ngư dân đánh bắt được nhiều loại cá có giá trị cao

Dưới cái nắng nhè nhẹ của ngày cuối Thu, tại Cảng cá Lạch Vạn, hàng trăm tàu thuyền của ngư dân các xã Diễn Bích, Diễn Ngọc đang lầm lũi chen chúc nhau để được vào cập cảng sớm. Tiếng máy tàu, tiếng người mua, kẻ bán khiến không khí trên cảng trở nên náo nhiệt. Từ ngày cơn bão số 10 tan đến nay, buổi chiều nào người ta cũng thấy cảng cá đông nghịt người, khác hẳn với những ngày bình thường. Anh Trần Văn Thành, trú ở xóm Đồng Lộc, xã Diễn Ngọc (Diễn Châu), chủ tàu NA4692-TS có công suất 60CV cười tươi cho biết: Tôi đang cho anh em vận chuyển số cá thu hoạch được sau gần 1 ngày đi biển lên bờ, ước đạt hơn 6 tạ. Do mới bão xong nên cá nhiều, dễ đánh bắt nên năng suất khai thác của tàu cũng được nâng lên chứ bình thường thì được khoảng hơn 4 tạ thôi. Từ 2 ngày nay, sau mỗi chuyến ra khơi thu nhập của tàu được khoảng 8 triệu đồng, trừ đi chi phí thì lãi khoảng hơn 2 triệu đồng. “Bão vào nhiều thì tàu thuyền phải nằm bờ nhiều nhưng bù lại, sau khi bão tan biển khi nào cũng nhiều cá. Chúng tôi chỉ mong muốn lúc nào cá cũng nhiều như thế này thì ngư dân chúng tôi yên tâm bám biển để sống chết với nghề”, anh Thành chia sẻ. 

Với những tàu có công suất dưới 100CV, năng suất khai thác của 1 tàu sau 1 ngày ra khơi được khoảng 8 – 10 tạ cá thì không phải là chuyện dễ dàng có được. Nhưng sau cơn bão số 10 vừa qua, tàu của gia đình ông Nguyễn Văn Đệ, xóm Đồng Lộc, xã Diễn Ngọc (Diễn Châu) sau 1 ngày ra khơi đánh bắt được hơn 8 tạ hải sản, trong đó có 2 tạ mực. Với giá mực là 9 triệu đồng/tạ, cộng với 6 triệu đồng tiền cá, tàu của ông thu về hơn 24 triệu đồng. Trên tàu có 7 thuyền viên, sau khi trừ chi phí mỗi thuyền viên thu được hơn 1 triệu đồng. Ông Đệ cho biết: Tàu của ông có công suất gần 200CV, những đợt trước phải đi đánh bắt xa bờ khoảng 30 hải lý nhưng sau mưa bão, cá dạt vào bờ nhiều nên tàu của ông không phải đi xa. Đang đậu kế bên tàu ông Đệ là tàu ông Nguyễn Hữu Hoàn, xóm Ngọc Tân, xã Diễn Ngọc cũng đang phấn khởi vì được mùa cá. Ông Hoàn cho biết, trung bình thì tàu 250CV của ông sau mỗi chuyến ra khơi chỉ được khoảng 15 – 17 tấn hải sản nhưng những chuyến gần đây, trung bình tàu của ông đánh được hơn 20 tấn. Cả chủ tàu và anh em thuyền viên trên tàu ai nấy đều vui mừng, phấn khởi. 

Hiện đang là thời điểm khai khác cuối cùng của vụ cá nam và sắp chuyển sang vụ cá bắc. Theo đánh giá chung của các địa phương thì sản lượng khai thác vụ cá nam năm nay tăng cao rõ rệt. Tuy trong những tháng vừa qua, trên biển Đông xuất hiện nhiều cơn bão, mới đây nhất là 2 cơn bão số 8, số 10 ảnh hưởng trực tiếp đến việc khai thác của các phương tiện khai thác trong tỉnh. Song, sau khi bão tan thì nhiều tàu thuyền của người dân trúng đậm nên đã bù lại những thiệt hại trong khoảng thời gian phải nằm bờ trú bão. Tính chung 9 tháng đầu năm thì sản lượng khai thác của toàn tỉnh đạt trên 69 ngàn tấn. Trong đó, 2 địa phương là Thị xã Hoàng Mai và Quỳnh Lưu đều có sản lượng khai thác tăng cao. 9 tháng đầu năm, sản lượng khai thác của Thị xã Hoàng Mai đạt hơn 20 ngàn tấn cá các loại; huyện Quỳnh Lưu đạt khoảng 34 ngàn tấn. Nhờ sản lượng khai thác tăng cao mà tiếng cười của những người dân làng biển lại rộn ràng và giòn tan hơn. Biển đang chắp cánh cho cuộc sống của ngư dân ngày càng “bay” lên và cũng đang giúp họ yên tâm sống với nghề, quyết tâm bám biển.

Phạm Bằng

Báo Nghệ An Điện tử

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!