Nghệ An: Nuôi tôm không kháng sinh, hóa chất

Chưa có đánh giá về bài viết

Nuôi tôm an toàn sinh học theo hình thức hạn chế hóa chất, kháng sinh là xu hướng tất yếu trong nuôi trồng thủy sản nước ta hiện nay. Mô hình này đã cho thấy hiệu quả và mang lại giá trị kinh tế cao cho các hộ nuôi tại thị xã Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu.

chương trình có sự phối hợp của trung tâm khuyến nông quốc gia

Xu hướng tất yếu

Theo thống kê, Nghệ An có 90% số hộ nuôi tôm theo hướng thâm canh, đây là hướng phát triển tốt nếu có sự đầu tư đồng bộ và đảm bảo kỹ thuật. Tuy nhiên, nuôi tôm ngày nay gặp vô vàn khó khăn đòi hỏi địa phương phải có chính sách, phương pháp để giúp người dân nuôi tôm có thể hạn chế rủi ro và đạt hiệu quả sản xuất.

Nuôi tôm theo hướng an toàn sinh học và vệ sinh an toàn thực phẩm được xem là hướng đi tất yếu, nhằm hạn chế tối đa những tác động tiêu cực trên, giúp nghề nuôi tôm phát triển bền vững, đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm, hỗ trợ các hoạt động xuất khẩu. Từ năm 2015 đến nay, được sự hỗ trợ của Dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững, Nghệ An đã triển khai xây dựng được 7 vùng nuôi tôm an toàn sinh học với diện tích 240 ha và 2 vùng nuôi tôm đa dạng hóa 67 ha. Nhiều vùng nuôi tôm đã đi đầu trong việc quản lý sử dụng chất cấm và kháng sinh như xã Quỳnh Dị, Quỳnh Xuân (thị xã Hoàng Mai), xã Quỳnh Bảng, Quỳnh Thanh (huyện Quỳnh Lưu); Diễn Trung, Diễn Vạn (huyện Diễn Châu)… Tại các vùng nuôi này, hầu hết các hộ dân không sử dụng chất cấm, kháng sinh trong phòng trị bệnh cho tôm.

nuôi tôm không kháng sinh hóa chất

Nuôi tôm an toàn sinh học mang lại hiệu quả bền vững – Ảnh: Ngọc Diệp

 

Hiệu quả bền vững

Với việc áp dụng công nghệ nuôi sử dụng 100% chế phẩm sinh học trong cải tạo, xử lý ao nuôi và cả quá trình nuôi, theo quy trình: Phải có ao lắng để xử lý nước trước khi đưa vào ao nuôi; sau khi tháo cạn nước, vét bùn đáy ra khỏi ao thì tiến hành dùng một số chế phẩm sinh học có tác dụng phân hủy chất thải hữu cơ như nhóm Bacillus, Bacillus subtilus…; tôm giống được lấy từ các cơ sở uy tín, chất lượng, được kiểm dịch và thả theo lịch thời vụ của huyện, tỉnh; tôm nuôi giai đoạn đầu được khuyến khích ăn nhiều thực vật phù du và tảo; làm giàn che mát cho tôm trong quá trình nuôi; định kỳ sử dụng các chế phẩm làm sạch môi trường và phòng bệnh cho tôm; ngoài ra, còn tiến hành bổ sung một số loại chế phẩm trộn vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho tôm…

Đây là những yếu tố giúp mô hình đảm bảo an toàn và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với các mô hình thông thường. Mô hình đã mang lại kết quả khả quan ở nhiều địa phương của tỉnh; điển hình như tại xã Quỳnh Dị (thị xã Hoàng Mai), hiện toàn xã có 55 ha diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng, với 74 ao của 19 hộ nuôi. Qua vụ nuôi vừa rồi, toàn bộ các hộ dân đã thực hiện nuôi theo mô hình an toàn sinh học, hạn chế hóa chất kháng sinh, toàn xã đã thu hoạch được 227 tấn tôm. Trong đó, có những hộ nuôi đạt kết quả cao như: hộ ông Trần Phúc Tin thuộc vùng GAP7 của xã, với quy mô 2 ao nuôi và 2 ao lắng; ao 1 có diện tích 3.000 m2, sau 3 tháng nuôi ông thu hoạch được 4 tấn tôm; ao 2 với diện tích 3.500 m2, thu được 4,3 tấn tôm; tôm thu hoạch đạt size 50 con/kg, giá bán bình quân là 155.000 đồng/kg, tổng thu đạt gần 1,3 tỷ đồng; hay ông Nguyễn Văn Trí cũng thuộc vùng GAP7 của xã, với hình thức nuôi “1 ao lắng – 1 ao nuôi”, diện tích ao 4.000 m2, sau hơn 3 tháng nuôi, ông thu được 8 tấn tôm, đạt size 50 con/kg; với giá bán bình quân 155.000 đồng/kg, tổng thu đạt 1,2 tỷ đồng…

Như vậy, nuôi tôm an toàn sinh học đã cho thấy những kết quả rõ rệt, và có thể khẳng định đây là mô hình mang lại hiệu quả bền vững cho người dân nơi đây cũng như cho các hộ nuôi tôm trên cả nước. Thời gian tới, huyện Quỳnh Lưu sẽ quy hoạch diện tích nuôi trồng thủy sản an toàn sinh học tăng 30% so năm trước; phấn đấu tới năm 2020 toàn hoàn hiện đạt 100% nuôi tôm an toàn sinh học. Tuy nhiên, để mô hình có thể phát huy tối đa các thế mạnh và phát triển đồng bộ, cần có sự quyết tâm và các chính sách đồng bộ của lãnh đạo ngành và của cả người dân.

>> Ông Nguyễn Anh Hùng, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Quỳnh Lưu cho biết, nuôi tôm theo quy trình an toàn sinh học đã giúp cho nhiều người dân của huyện vươn lên làm giàu một cách chính đáng. Mô hình cũng cho thấy những ưu điểm như hạn chế được dịch bệnh, ít rủi ro trong sản xuất và năng suất nuôi ổn định hơn.

Châu An

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!