T2, 06/07/2020 02:10

Nghệ An: Tăng cường kiểm tra, giám sát khai thác thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

Để triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), nhằm thúc đẩy phát triển nghề cá bền vững và sớm khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” của EC, tỉnh Nghệ An đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt.

Gia tăng kiểm tra, giám sát

Ngay sau thời điểm EC rút “thẻ vàng” cảnh cáo đối với sản phẩm hải sản khai thác của Việt Nam nói chung, Nghệ An càng sự quyết tâm để mọi thứ sớm đi vào quy củ. Theo Chi cục Thủy sản Nghệ An, quản lý tốt hành trình tàu cá đồng nghĩa với giám sát được quá trình khai thác có phù hợp không, có đúng vùng biển hay không, qua đó giúp nguồn lợi được đảm bảo và phát triển bền vững hơn, đó là lợi ích lâu dài, bền vững.

Bên cạnh đó, ngày 23/4, UBND tỉnh Nghệ An có Công văn số 2485/UBND-NC yêu cầu các sở, ngành và UBND các huyện, thị báo cáo số liệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; sau đó là thành lập đoàn kiểm tra đánh bắt thủy sản và hậu cần nghề cá trên biển. Theo kế hoạch từ tháng 5 – 10/2020, đoàn liên ngành của Nghệ An sẽ kiểm tra chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động khai thác, dịch vụ hậu cần nghề cá trên vùng biển ven bờ, vùng lộng khu vực biển Nghệ An. Thông qua hoạt động kiểm tra, đoàn sẽ tuyên truyền, phổ biến các quy định về chống khai thác, đánh bắt trái phép và Luật Thủy sản cho bà con ngư dân; tình hình chấp hành của bà con sau khi cấp phép để tổng hợp, báo cáo về UBND tỉnh.

Ảnh minh họa

Ngày 23/5, đoàn công tác liên ngành tỉnh đã phát hiện và lập biên bản xử phạt hành chính số tiền gần 30 triệu đồng với 4 tàu cá vi phạm trên vùng biển ven bờ giáp ranh giữa huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) và thị xã Hoàng Mai. Ngoài mức phạt chính bằng tiền, các tang vật, phương tiện vi phạm trên thuyền đều bị tịch thu theo quy định.

Ngoài ra, các đơn vị khác tại Nghệ An cũng tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát việc khai thác thủy sản trên biển. Cụ thể: ngày 12/5, tại Trạm kiểm soát Lạch Thơi, đồn Biên phòng Quỳnh Thuận đã phát hiện, xử lý phương tiện NA 95138 TS do anh Nguyễn Văn Long (xóm 13, xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu) làm thuyền trưởng vi phạm không viết sổ đăng ký tàu cá theo quy định, đơn vị đã xử phạt vi phạm hành chính 2 triệu đồng. Tiếp đó, ngày 12/5, tổ tuần tra liên ngành phát hiện, xử lý phương tiện NA 90598 TS do anh Lê Văn Danh (xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu), có hành vi sử dụng dụng cụ làm cản trở cá nhân đang khai thác thủy sản hợp pháp, xử phạt hành chính số tiền 7,5 triệu đồng. Cũng trong ngày 12/5, tổ tuần tra liên ngành phát hiện phát hiện, xử lý phương tiện TH 91221TS (xã Hải Bình, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa) do có hành vi không đánh dấu nhận biết tàu cá, thuyền trưởng không có chứng chỉ thuyền viên, đơn vị đã xử phạt hành chính số tiền 11,5 triệu đồng.

 

Thực hiện hiệu quả ghi nhật ký khai thác

Luật Thủy sản đã quy định rõ nếu không ghi chép hoặc ghi không đúng, không đầy đủ thông tin sẽ bị phạt, thậm chí áp dụng nhiều mức phạt rất nặng; tuy nhiên, xét các yếu tố nếu áp dụng chế tài ngay tức thì sẽ không thuận, vì thế trước mắt cần tăng cường tuyên truyền và hướng dẫn đầy đủ, chi tiết hơn.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc chưa chủ động ghi chép nhật ký có thể do thói quen, hoặc do chế tài, nhưng mấu chốt là người dân chưa nhận thấy lợi ích thiết thực của công tác IUU hướng đến mục đích cuối cùng là bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản dành cho nhân dân.

Trên tinh thần đó, quá trình tiếp cận phía cơ quan chức năng Nghệ An đã nhiều lần “mổ xẻ” để ngư dân thấu hiểu bản chất của vấn đề, qua đó hướng bà con chủ động hợp tác thay vì thái độ gượng ép như bấy lâu. Cụ thể, trong năm 2019, Chi cục Thủy sản đã chủ trì thực hiện tuần tra, kiểm soát trên biển 228 chuyến, kiểm tra 3.409 phương tiện. Kết quả, phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 90 phương tiện với tổng số tiền hơn 630 triệu đồng. Ngoài ra, Bộ đội Biên phòng Nghệ An cũng tiến hành kiểm tra, kiểm soát đăng ký, làm thủ tục xuất, nhập tại các cửa sông, cửa lạch cho 52.135 lượt phương tiện/292.652 lượt người, qua đó xử lý vi phạm về lĩnh vực thủy sản 128 vụ/193 đối tượng/178 phương tiện, phạt 750 triệu đồng; thu giữ 18 bộ kích điện, 25 m dây điện, 160 bộ lưới bát quái là tang vật liên quan.

>> Đến năm 2019, Nghệ An có 3.490 tàu đánh bắt, tổng công suất là 660.058 CV, công suất bình quân 189,13 CV/tàu. Trong khoảng 2.000 tàu đánh bắt xa bờ hàng năm (bao gồm các tàu chiều dài từ 12 m trở lên), có 540 tàu chiều dài từ 12 m đến dưới 15 m; 799 tàu có chiều dài từ 15 m đến dưới 20 m; 248 tàu có chiều dài từ 20 m đến 24 m; 228 tàu có chiều dài từ 24 đến 30 m và 7 tàu có chiều dài trên 30 m.   

Vân Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!