Nghề cá do cộng đồng góp vốn

Chưa có đánh giá về bài viết

Mô hình nghề cá do cộng đồng góp vốn (CSFs) được coi là cánh cửa mở ra thị trường đối với nhiều ngư dân đánh bắt quy mô nhỏ lẻ. Mô hình này đang ngày càng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Vật lộn với khó khăn

Downeast -khu vực duyên hải Bắc Carolina thuộc bang Maine là nơi sinh sống của 13 cộng đồng nhỏ thuộc hạt Carteret, vùng Đồng bằng Ven biển Mỹ. Suốt 400 năm qua, ngư dân địa phương đã dựa vào biển để sinh tồn. Họ đóng tàu, đan lưới và bán cá dọc bờ biển. Nhiều gia đình có tới 4-5 thế hệ làm nghề khai thác bằng những ngư cụ sơ khai như đăng, lưới kéo.

Tuy nhiên, những chiếc tàu cá lênh đênh trên biển đang có nguy cơ bị xóa sổ. Từ 1999 đến 2006, số ngư dân chuyên nghiệp đã giảm tới phân nửa, kéo theo sự sụt giảm nghiêm trọng giá trị và sản lượng khai thác và nguy cơ tan vỡ của ngành khai thác vùng Downeast. Những năm 1990, nghề đánh bắt cá dư sức nuôi sống ngư dân và gia đình nhưng khi thủy sản nhập khẩu giá rẻ đổ bộ vào thị trường Mỹ, nhiều ngư dân buộc phải bỏ nghề tìm sinh kế khác. Hiện nay, 90% tôm tại thị trường Mỹ có xuất xứ từ nước ngoài. Giá tôm bán lẻ trong nước giảm gần 40% trong giai đoạn 1999 – 2002 khiến nghề khai thác nội địa gần như tê liệt.

 

Cánh cửa thị trường

Trong bối cảnh nghề cá đang chết dần chết mòn, những ngư dân muốn bám trụ với nghề buộc phải tìm đầu ra mới tiềm năng nhất cho sản phẩm. Khi người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến sự bền vững và sản phẩm địa phương, ngư dân vùng Downeast đã áp dụng mô hình nghề cá do cộng đồng góp vốn (CSFs) – có chức năng tương tự như CSA – mô hình nông nghiệp do cộng đồng góp vốn khởi nguồn ở Nhật Bản, Đức, Thụy Sĩ. Trong CSFs, cổ đông đầu tư cho ngư dân, đổi lại họ được cung cấp thủy sản theo mùa, còn ngư dân bán được sản phẩm với mức giá ổn nhất. Hiện tại, CSFs không chỉ dành riêng cho các khách hàng cá nhân, mà mở rộng sang nhà hàng, trường đại học, bệnh viện.

Sean Barrett, người đứng đầu Dock to Dish, một CSFs ở Montauk, New York đã tiên phong mở rộng mô hình CSFs sang hệ thống nhà hàng, dịch vụ thực phẩm. Quy trình hoạt động cũng giống CSFs thông thường, nhà hàng sẽ đóng phí thành viên để được chia nguồn lợi thủy sản do ngư dân đánh bắt. Cái lợi to lớn mà Dock to Dish thu được là tận dụng sự hỗ trợ của nhà hàng trong khâu marketing- điều này quyết định sự sống còn của Dock to Dish.

 

Kết nối cộng đồng

CSFs đã gắn kết cộng đồng ngư dân và người tiêu dùng nội địa. Qua bản tin tuần của CSFs, người tiêu dùng có thể hiểu rõ hơn tầm quan trọng của việc mua sản phẩm địa phương, quá trình khai thác, vận chuyển và tiêu thụ còn ngư dân nắm được mùa vụ khai thác, diễn biến thời tiết…

Ngoài ra, CSFs có nhiều loại cá mà các cửa hàng thực phẩm địa phương không có, như cá hồng Mỹ, cá bò, cá đù…. Điều này giúp người tiêu dùng có sự lựa chọn đa dạng, giảm sức ép lên một số loài bị lạm thác như cá ngừ, cá mú. Bên cạnh đó, CSFs còn cung cấp thêm nhiều công thức chế biến món ăn từ hải sản.Tuy nhiên, những thách thức lớn đối với hầu hết các mô hình CSFs là chi phí hoạt động, đặc biệt trong khâu chế biến, đóng gói… Thêm vào đó, nguồn lực lao động cũng là một trong những hạn chế của CSFs do chi phí lao động rất lớn. Đó cũng là lý do CSFs bắt đầu để ý tới hệ thống nhà hàng tiêu thụ thủy sản, thu hút họ tham gia mô hình này vì các nhà hàng thường thu mua nguyên liệu tươi sống, nên CSFs sẽ tiết kiệm được khoản phí chế biến. Thời gian tới, CSFs sẽ mở rộng sang các nước đang phát triển. Tuy nhiên, việc cần làm trước tiên là đào tạo, hướng dẫn để ngư dân hiểu rõ các tiêu chẩn chứng nhận và đáp ứng được các tiêu chuẩn đó.

>> Tại Bắc Mỹ có khoảng 40 CSFs đang hoạt động. Năm 2013,một vài CSFs như CatchBox và Soleshare xuất hiện ở London, sau đó mở rộng sang Australia, Mexico, Tây Ban Nha và nhiều quốc gia khác, chủ yếu là mô hình nghề cá do nhà hàng góp vốn.

Tuấn Minh

Seafoodinternational

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!