Nghề cân tôm

Chưa có đánh giá về bài viết

Cân tôm là nghề không hề xa lạ đối với Cà Mau, địa phương có lượng tôm xuất khẩu lớn nhất cả nước. Người làm nghề này thường đi thu mua tận các hộ dân để cung cấp lại cho các thương lái lớn, rồi thương lái lớn bán lại cho các doanh nghiệp thủy sản. Thoạt nhìn, ai cũng tưởng nghề này chỉ mua đi bán lại, rất dễ kiếm tiền, nhưng chỉ có người trong cuộc mới biết nó chứa đựng rất nhiều rủi ro và vất vả.

5 giờ sáng chúng tôi bắt đầu xuống vỏ theo chị Lưu Ngọc Thơ đi cân tôm. Từ nhà chị, ấp Cái Nai, xã Hoà Tân, TP Cà Mau, đến điểm chị cân tôm ở xã Tân Ðức, huyện Ðầm Dơi, mất hơn 1 tiếng đồng hồ. “Nói đi cân tôm nhưng thật ra hầu hết đều cân luôn cua, có khi là cá. Tôi làm nghề này cũng hơn 5 năm và nó đến với tôi cũng khá bất ngờ. Lúc đó, người cân tôm ở xứ này ít lắm nên họ thường hay bỏ cữ, mỗi lần như vậy chủ vuông phải muối tôm lại đợi ngày hôm sau mới bán được, do đó dễ hư hao, từ đó giá bán cũng thấp. Vì vậy, tôi bàn với chồng mua chiếc vỏ lãi đi cân tôm, thoạt đầu thì cân cho mấy người bà con, thấy làm ăn có uy tín nên càng ngày có nhiều người bán tôm cho tôi”, chị Thơ chia sẻ.

Làm ăn uy tín, gia đình chị Thơ ngày một khấm khá với nghề cân tôm – Ảnh: Quách Nguyên

Theo tìm hiểu, làm nghề này cũng đơn giản, sáng sớm các lái tôm hỏi giá thu mua của các vựa lớn, sau đó đi thu mua lại của bà con. Thường thì người cân tôm thu mua chênh lệch với giá các vựa tôm lớn đưa ra vài ngàn đồng, còn riêng chị Thơ thì cân đồng giá. Sau khi cân tôm xong, về nhà chị lựa tôm lại, phân các kích cỡ khác nhau, chủ yếu là tính toán sao cho các cỡ tôm đều bán có giá cao và đó chính là tiền lời. Hôm nay chúng tôi theo chị Thơ hình như không được “hên” lắm, ghé nhà chú Út Thấy chỉ cân được 3 kg tôm, mọi bữa cân nhà này lần nào cũng hơn 10 kg. Ði ngang nhà cô Sáu Hoa thì gặp cô đứng cặp mé sông, vừa khoả tay vừa nói: “Hôm nay không có con gì hết con ơi!”.

Do thời gian gần đây bệnh dịch trong tôm nhiều nên bà con thất mùa, từ đó số lượng tôm chị Thơ cân ngày càng ít đi. Lúc trước một ngày đi cân cũng được vài trăm ký tôm, trừ hết chi phí cũng lời cả triệu đồng. Còn bây giờ, một ngày chỉ cân được vài chục đến trăm ký là nhiều rồi, có bữa đi cân chỉ đủ tiền xăng. Ði hết buổi sáng chúng tôi trở về nhà chị Thơ lựa tôm, sau khi phân cỡ, tính toán giá cả được biết hôm nay chị Thơ lời khoảng 250.000 đồng.

Chị Thơ cho biết: “Như vậy là cũng được rồi, thời buổi kinh tế khó khăn, kiếm được tiền còn hơn ở không ngồi rồi. Người bán tôm bây giờ họ đâu có bán cho một mối, hễ ai mua có giá hơn là họ bán cho người đó. Có ngày tôi chạy qua đây chỉ cân vài mối nhưng vẫn phải đi, vì nếu lúc tôm ít mình không đi cân thì lúc tôm nhiều ai cân cho mình”.

Làm nghề này cũng rất dễ phá sản như chơi. Một số người đi cân tôm cho biết, sau khi cân tôm, họ bán lại cho các thương lái lớn hơn và điều họ sợ nhất là các thương lái này thường “dằn mối”, tức là họ nợ lại người cân tôm một khoản tiền coi như đặt cọc để người cân tôm phải bán tôm cho họ.

Ngồi trò chuyện với anh Nguyễn Hoàng Năng, xã Hòa Thành, TP Cà Mau, mới biết anh vừa bỏ nghề. Anh Năng ngán ngẩm: “Trong thời điểm cận Tết năm 2014, tôi có bán tôm, cua cho một vựa ở chợ Phường 7, TP Cà Mau. Ban đầu họ nợ tôi gần 10 triệu đồng, rồi họ đưa tôi giá tôm, cua rất cao, bảo cứ đi cân rồi bán cho họ, bữa sau sẽ trả tiền đầy đủ. Do làm ăn với nhau cũng nhiều lần nên tôi tin tưởng đi cân về bán cho họ, nhưng bữa sau họ nói chưa lấy tiền của doanh nghiệp thuỷ sản, hẹn tôi ngày mai lại lấy. Tôi thấy nghi ngờ nên không bán cho họ nữa, mà ngày nào lại lấy tiền họ cũng hứa cho qua. Tới 24 Tết, tôi lại vựa này lấy tiền thì thấy không chỉ mình tôi mà có hơn chục người cân tôm khác đứng đầy trước cửa vựa thu mua, còn vựa thì đóng cửa. Hỏi thăm thì biết họ đã bán nhà, họ nợ người cân tôm hơn 500 triệu đồng, riêng tôi cũng mất hơn 50 triệu đồng. Từ đó, tôi phải đành bỏ nghề vì bị cụt vốn”.

Anh Nguyễn Văn Ðèo, xã Tạ An Khương Ðông, huyện Ðầm Dơi, cũng bị một phen hú vía. Anh Ðèo cho biết: “Tôi có bán tôm cho điểm thu mua ở xã Tắc Vân, TP Cà Mau, điểm này tôi đã bán nhiều năm nên rất tin tưởng, có lúc họ nợ tôi hơn 50 triệu đồng nhưng sau đó họ cũng trả đầy đủ. Nhưng vào năm ngoái, họ nợ tôi gần 100 triệu đồng, họ nói gần Tết nên các doanh nghiệp không mua nên muối lại qua Tết mới bán được nên chưa có tiền trả cho tôi. Lúc đó, tôi cảm thấy rất hoang mang, nhưng biết làm sao bây giờ, đành đi mượn tiền để ăn Tết. Rất may, vừa qua Tết họ gọi điện cho tôi lên lấy tiền, từ đó đến nay tôi không dám cho họ nợ nhiều nữa”.

Ngoài ra, người đi cân tôm còn gặp không ít nguy hiểm. Vào năm 2013, chị Thơ suýt mất mạng vì lúc đi cân tôm ngang cống, lúc này nước đang chảy xiết, vỏ của chị bị lật úp, rất may chị kịp lội lên bờ, còn chiếc vỏ biến mất dạng. Bữa đó, chị lỗ nặng, cả trăm ký tôm mới mua chỉ kiếm được mấy cái thùng xốp đang trôi lều bều, còn phải mướn người mò vỏ máy hết mấy trăm ngàn đồng. 

Dù lượng tôm ngày càng ít đi, tiền lời chẳng được bao nhiêu, bên cạnh đó người cân tôm ngày càng nhiều nhưng chị Thơ quyết không bỏ nghề, cái nghề đã cho gia đình chị rất nhiều.

“Lúc trước vợ chồng tôi khổ lắm, nhà cửa dột nát, từ khi đi cân tôm, cộng với tiết kiệm trong sinh hoạt gia đình nên cuộc sống khấm khá hơn. Hai vợ chồng vừa cất được ngôi nhà khang trang, trong nhà đầy đủ tiện nghi, còn mua được 10 công đất nuôi tôm nữa. Bây giờ tôm ít, tới con nước tôi đi cân một mình, còn chồng tôi thì đi làm thợ hồ. Thôi thì lời ít một chút nhưng biết tiết kiệm thì lâu ngày cũng dư”, chị Thơ tâm sự.

Quách Nguyên

Báo Cà Mau

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!