T2, 06/07/2020 10:35

Nghề đan lưới: Giải quyết việc làm cho lao động nông thôn

Chưa có đánh giá về bài viết

Dọc theo tuyến Quốc lộ 80 thuộc địa bàn 2 huyện Lai Vung, Lấp Vò, Đồng Tháp có rất nhiều hộ theo nghề đan lưới. Đây là nghề truyền thống góp phần tạo thêm thu nhập và giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi.

Mùa đan lưới thường bắt đầu từ tháng 3 âm lịch. Thời điểm này, các cơ sở tại làng nghề khởi động công việc làm lưới nhằm chủ động nguồn hàng cho mùa nước nổi kéo dài đến tháng 11 âm lịch khi nước đã ráo chân ruộng và Tết cận kề. Thoạt đầu, các sản phẩm lưới làm ra chỉ bán cho người dân tại địa phương và các chợ trong tỉnh Đồng Tháp, nhưng trên 10 năm qua, các sản phẩm lưới đã có mặt ở nhiều chợ trong vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Nghề đan lưới tạo thêm nguồn thu nhập ổn định cho lao động nông thôn

Theo nhận xét của các bạn hàng trong nghề thì làng nghề đan lưới dọc theo quốc lộ 80 đa số là các cơ sở sản xuất những sản phẩm chất lượng với độ bền cao, dễ giăng bắt cá, giá lại thấp hơn lưới những nơi khác từ 10% – 15% nên phù hợp với túi tiền của người nghèo. Hiện nay, toàn làng nghề có khoảng 15 cơ sở đan lưới, thu hút gần 300 lao động.

Sinh ra và lớn lên theo nghề làm lưới từ năm 9 tuổi, cô Mai Thị Hồng – chủ cơ sở đan lưới Dũng Hồng thuộc địa bàn khóm 4, thị trấn Lai Vung, huyện Lai Vung cho biết: “Cơ sở đan lưới của tôi đã hoạt động được hơn 20 năm. Lúc đầu, chỉ có vợ chồng tôi làm lưới đi bỏ mối để kiếm đồng lời. Tuy nhiên, càng về sau công việc thuận lợi nên tôi mướn thêm người. Những lúc cao điểm, nhân công có khoảng hơn 20 người.

Công việc đan lưới có nhiều khâu, nam nữ đều có công việc phù hợp. Trung bình, một lao động nam có thể kiếm khoảng 100 – 120.000 đồng/ngày, phụ nữ có thể kiếm khoảng 80.000 đồng/ngày. Thuận lợi là khi làm công việc này nhân công nữ có thể nhận hàng về nhà, vừa làm vừa quán xuyến việc nhà, chăm sóc con cháu.

Anh Nguyễn Quang Trường – thợ đạp chì tại cơ sở Dũng Hồng cho biết: “Trước đây, vợ chồng tôi cùng đi làm thuê kiếm sống nhưng cuộc sống vẫn gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Gần 8 năm nay, tôi có thêm nghề đan lưới, thu nhập khoảng 2 – 2,5 triệu đồng/tháng”. Nhờ có nguồn thu ổn định, gần 5 năm nay, gia đình anh Trường đã giảm bớt khó khăn trong cuộc sống, nâng cao thu nhập, quan trọng hơn là việc làm lưới rất nhẹ nhàng nhưng lại cho thu nhập ổn định.

Chị Nguyễn Thị Liên, thợ vô phao – ngụ ấp Hưng Nhơn, xã Long Hưng B, huyện Lấp Vò chia sẻ, gia đình tôi lâu nay chủ yếu sống bằng nghề làm ruộng. Khoảng thời gian sau khi thu hoạch, để cải thiện thêm nguồn thu nhập nên tôi đến cơ sở nhận lưới về vô phao. Tuy thu nhập không nhiều, nhưng làm rất thoải mái, mỗi tháng kiếm được 1 – 1,5 triệu đồng”.

Nghề làm lưới đã tạo việc làm cho lao động ở nhiều lứa tuổi, thu hút nhất là các thanh thiếu niên. Em Nguyễn Văn Phúc (14 tuổi) ngụ ấp An Nhơn, xã Long Hưng B, huyện Lấp Vò cho biết: “Gia đình nghèo nên em nghỉ học sớm, mỗi ngày em kiếm được 40 – 50.000 đồng để giúp gia đình. Công việc ở đây khá nhẹ nhàng, rất phù hợp với em và các bạn cùng trang lứa”.

Em Đặng Quốc Việt (17 tuổi) ngụ ấp An Nhơn, xã Long Hưng B chia sẻ, gia đình có 3 anh em, em là anh cả nên nghỉ học sớm đi làm kiếm tiền lo cho các em ăn học. Mỗi ngày, đạp chì lưới cũng được khoảng 50 – 70.000 đồng, Việt nói: “Nghề này nói dễ cũng không dễ, nhưng chỉ cần mình kiên trì, lúc mới làm 1 ngày em đạp được 4 – 5 tay lưới, dần quen nên làm rất nhanh”.

Nhật Khánh

Báo Đồng Tháp Online

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!