T2, 06/07/2020 10:36

Nghề lưới chấp đang phát triển ở BR-VT

Chưa có đánh giá về bài viết

Nghề lưới chấp (lưới xù, lưới quét) xuất hiện đầu tiên ở tỉnh Nam Định. Về nguyên lý khai thác giống như lưới rê truyền thống của tỉnh BR – VT, tuy nhiên lưới chấp có nhiều tầng khai thác với kích thước mắt lưới khác nhau. Nghề này du nhập vào tỉnh BR – VT từ năm 2006, chỉ hơn 6 năm qua số lượng ghe làm nghề lưới chấp của tỉnh BR – VT đã là vài chục chiếc.

Ông Nguyễn Văn Thuyết ở ấp Phước Thọ, xã Phước Hưng, huyện Long Điền cho biết, cuối năm 2006 ông là một trong những người đầu tiên ứng dụng nghề này ở tỉnh BR-VT. Lúc đó đóng ghe nhỏ, sử dụng vàng lưới chỉ có 3 hải lý. Từ  chiếc ghe duy nhất ngày đó, gia đình ông đã có thêm 3 chiếc nữa. Những chiếc ghe sau này có công suất đến 400CV, chiều dài đến 22m, vàng lưới dài gấp 3 lần so với trước, được trang bị đầy đủ các thiết bị để khai thác các vùng biển xa bờ, giá trị mỗi chiếc gần 5 tỉ đồng.

Ông Thuyết bên vàng lưới chấp. 

Ông Thuyết bên vàng lưới chấp.

Sở dĩ số lượng ghe của gia đình ông tăng lên nhanh chóng là nghề lưới chấp hiện nay đang chứng tỏ ưu thế rõ rệt. Theo ông Thuyết, nghề này hiện nay đánh bắt 90% là cá thu còn lại là cá ngừ và cá cờ nên giá trị rất cao, trong khi đó phí tổn lại thấp hơn một số nghề khác. Đánh bắt bằng lưới chấp, bình quân mỗi chuyến biển (15 – 20 ngày) sử dụng khoảng 400 cây đá, 2000 lít dầu cộng với các chi phí khác phí tổn khoảng 50-60 triệu đồng. “Trong khi đó sản lượng khai thác bình quân khoảng 3 tấn/chuyến. Với giá bán khoảng 80.000 đồng/kg, mỗi chuyến biển doanh thu lên đến hơn 240 triệu đồng. Có chuyến biển trúng khai thác cũng được 4-6 tấn cá thu”, ông Thuyết cho biết.

Hiện nay riêng xã Phước Hưng và phường 6 thành phố Vũng Tàu số lượng ghe làm nghề lưới chấp đã phát triển đến vài chục chiếc và đang có xu hướng tăng dần.

So với nghề lưới chấp của tỉnh Nam Định trước kia cấu tạo đến 3 tầng, sợi lưới bùng nhùng (không xoắn) thì nghề  lưới chấp của tỉnh BR-VT đã có những cải tiến đáng kể để khai thác cho phù hợp. Cụ thể, lưới chấp của tỉnh BR-VT hiện nay chỉ cấu tạo 2 tầng. Tầng trên kích thước mắt lưới từ 12-15cm, tầng dưới kích thước lên đến 16cm. Các sợi lưới có độ xoắn vừa phải. Theo ông Thuyết cấu tạo lưới như trên để giảm bớt độ phức tạp trong quá trình đan sửa lưới và dễ dàng vận hành trong khai thác, hơn nữa độ xoắn chỉ lưới vừa phải để vừa bảo đảm cá dễ đóng lưới nhưng không bị trầy xước. Một lý do quan trọng khác là khi chỉ lưới để bùng nhùng, tuổi thọ của lưới rất thấp, chi phí khấu hao rất nặng bởi mỗi vàng lưới hiện nay giá đến gần 2 tỉ đồng.

Về kỹ thuật khai thác, nghề lưới chấp không đòi hỏi nhân lực đi biển nhiều, mỗi chuyến biển chỉ cần 7 người là đủ. Mỗi tháng chỉ khai thác khoảng từ 15 đến 20 ngày, bởi vào những ngày từ mồng 10-16 âm lịch khi trăng sáng tỏ việc khai thác không có hiệu quả. Mỗi ngày bình quân thả 1 giác lưới, thời gian thu lưới của nghề này rất lâu, nếu vàng lưới dài 8 hải lý thì thời gian thu lưới từ 6-7 tiếng. Thông thường các thuyền trưởng chọn đầu hôm thả lưới và bắt đầu thu lưới từ lúc 2 giờ sáng đến nửa buổi ngày hôm sau.

Lưới chấp có kích thước mắt lưới lớn nên chỉ đánh bắt những con cá từ 3kg trở lên và hoàn toàn không gây tổn hại đến nguồn lợi thủy sản như các kiểu đánh bắt khác. Tuy nhiên do vàng lưới dài  9-10 hải lý (gần 20km) do đó nghề này thường bị đe dọa bởi các ghe khai thác làm nghề dã cào (lưới kéo). Ông Thuyết cho biết, hầu hết chuyến biển nào các ghe làm nghề lưới kéo của ông cũng bị hư hỏng từ 1 đến 2 cheo lưới, thiệt hại ít nhất cũng 8 triệu đồng. “Mặc dù đã trang bị dèn tín hiệu gắn trên các vàng lưới nhưng một số thuyền trưởng vẫn bất chấp cho ghe đi qua”, ông Thuyết cho biết.

Khó khăn thứ nữa đó là vốn đầu tư. Theo ông Thuyết để trang bị một chiếc ghe hoàn chỉnh làm nghề lưới chấp hiện nay chi phí cũng lên đến 5 tỉ đồng. Hầu hết những ngư dân đều rất khó tiếp cận được với nguồn vốn vay từ các hệ thống ngân hàng. “Những chiếc ghe của chúng tôi đóng mới hiện nay chủ yếu huy động từ anh em và một số vay nóng từ bên ngoài, nếu ai đó được may mắn vay được các nguồn vốn ưu đãi thì số lượng không thấm vào đâu, chúng tôi rất mong các chương trình vay vốn ưu đãi được đến với người làm biển, để hỗ trợ ngư dân đóng tàu lớn đánh bắt xa bờ”, ông Thuyết nói.

Trần Ân Phong

Báo Bà Rịa - Vũng Tàu điện tử

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!