T2, 06/07/2020 12:19

Nghiên cứu hiện trạng và giải pháp phát triển bền vững thị trường xuất khẩu tôm nuôi – yếu tố đặc biệt quan trọng trong liên kết chuỗi của nghề nuôi tôm ở Việt Nam

Chưa có đánh giá về bài viết

Nghề chế biến và xuất khẩu thủy sản có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao giá trị sản phẩm thủy sản, trực tiếp quảng bá mặt hàng thủy sản Việt Nam trên thị trường quốc tế; góp phần trực tiếp vào kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, mà trong đó ngành chế biến và xuất khẩu tôm Việt Nam đóng vai trò chủ đạo.

1. MỞ ĐẦU

Trong những năm gần đây, ngành nuôi trồng thủy sản đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam (Lê Văn Thành, 2010); Trong đó, nghề nuôi tôm đem lại thành tựu lớn nhất, chiếm 44% trong cơ cấu mặt hàng thủy sản xuất khẩu năm 2015 (hình 1), với kim ngạch xuất khẩu tôm 11 tháng đầu năm 2015 trên 2,684 tỷ USD.

Nghề chế biến và xuất khẩu thủy sản có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao giá trị sản phẩm thủy sản, trực tiếp quảng bá mặt hàng thủy sản Việt Nam trên thị trường quốc tế; góp phần trực tiếp vào kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, mà trong đó ngành chế biến và xuất khẩu tôm Việt Nam đóng vai trò chủ đạo.

tỷ lệ tôm xuất khẩu trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản 11 tháng năm 2015

 

2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Nghiên cứu này dựa trên cơ sở thu thập số liệu thống kê tình hình xuất nhập khẩu tôm hàng năm tại Tổng cục Hải quan Việt Nam, Tổng cục Thống kê, các báo cáo tổng kết về tình hình nuôi trồng và xuất khẩu thủy sản hàng năm của Tổng cục Thủy sản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt nam (VASEP). Ngoài ra, tư liệu nghiên cứu còn được thu thập, trích dẫn từ các nguồn tài liệu đã được công bố của Trung tâm Thông tin phát triển Nông nghiệp nông thôn (AGROINFO) – Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông thôn (IPSARD), Bộ NN&PTNT; Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thủy sản, VASEP, Tạp chí Thủy sản Việt Nam, Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…

 

3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

3.1. Hiện trạng thị trường xuất khẩu tôm của Việt Nam

Xuất khẩu tôm Việt Nam năm 2015, ước gần 3 tỷ USD, giảm mạnh 25% so năm 2014; tuy nhiên, vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất 44% trong tổng xuất khẩu thủy sản. Năm 2015, tôm Việt Nam được xuất khẩu sang 92 thị trường, giảm so 150 thị trường của năm 2014.

– Top 10 thị trường chính gồm: Mỹ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Australia, Canada, ASEAN và Thụy Sĩ, chiếm gần 95% tổng giá trị xuất khẩu tôm.

Số liệu cụ thể được thể hiện qua bảng 1 và hình 2 như sau:

hiện trạng thị trường xuất khẩu tôm Việt Nam

 

3.2. Những lợi thế, khó khăn và dự báo triển vọng của thị trường xuất khẩu tôm Việt Nam năm 2016

3.2.1. Khó khăn

– Sự cạnh tranh trong xuất nhập khẩu thủy sản trên thị trường thế giới ngày càng khốc liệt, đặc biệt về yêu cầu chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái, thương hiệu sản phẩm đòi hỏi ngày càng cao và chặt chẽ hơn.

– Giá cả nguyên, nhiên, vật liệu chính dùng trong sản xuất giống, nuôi tôm và chế biến thủy sản đang có xu hướng gia tăng sẽ gây khó khăn không nhỏ cho phát triển nuôi tôm theo hướng bền vững.

– Năm 2015, kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước 6,7 tỷ USD, giảm 16,5% so  năm 2014. Trong đó, mặt hàng bị giảm sâu nhất là tôm. Mặc dù, chiếm tỷ trọng 44% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản nhưng tôm chỉ thu được gần 3 tỷ USD, bằng 75% kết quả của năm 2014, thị trường bị thu hẹp gần 1/3.

– Nguyên nhân là do kinh tế thế giới suy thoái, đặc biệt tại các thị trường chính, nhu cầu tiêu thụ giảm tạo ra vòng xoáy giảm giá cho hầu hết các mặt hàng nông thủy sản, nhất là các loài thủy sản cao cấp như tôm.

– Yếu tố tác động lớn thứ hai là giá tôm thế giới giảm mạnh. Giá tôm Việt Nam cao nhất trên các thị trường chính do giá thành sản xuất cao hơn so với các nước cạnh tranh.       

– Theo các chuyên gia, năm 2016, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam sẽ tiếp tục phải đối mặt với những thách thức không nhỏ do nhiều yếu tố: giá giảm, biến động tiền tệ, các rào cản phi thuế quan, thuế chống bán phá giá…

– Những rào cản dưới dạng quy định kỹ thuật, vệ sinh dịch tễ hay lao động rất có thể sẽ vô hiệu hóa lợi ích từ việc cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa Việt Nam trong các Hiệp định Thương mại tự do (FTA)…

 

3.2.2. Những thuận lợi và dự báo triển vọng thị trường xuất khẩu tôm Việt Nam năm 2016

– Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), bỏ qua hàng rào thuế quan sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho những bước phát triển của mặt hàng xuất khẩu thủy sản.

– Ngày 6/12/2013, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 29/2013/TT-NHNN (TT29) về việc cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay là người cư trú, gia hạn cho vay; nhằm giúp doanh nghiệp xuất khẩu được vay ngoại tệ với lãi suất hợp lý, giúp giảm giá thành, tăng khả năng cạnh trên thị trường quốc tế.

– Ngày 7/9/2015, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố kết quả cuối cùng rà soát hành chính lần thứ 9 (POR9) thuế chống bán phá giá tôm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam giai đoạn từ 1/2/2013 đến 31/1/2014. Theo đó, mức thuế trung bình 0,91% đã giảm so kết quả sơ bộ 0,93% công bố hồi tháng 3/2015 và giảm mạnh so với mức thuế 6,37% của kỳ xem xét lần trước POR8.

– Theo đó, nhu cầu tôm từ thị trường Mỹ năm 2016 cũng được dự báo sẽ nhích lên do USD tăng giá, giá tôm giảm so 2 năm trước đây và tăng trưởng kinh tế được cải thiện.

– Năm 2016, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) sẽ tác động tích cực đến xuất khẩu tôm Việt Nam. Theo đó, mặt hàng tôm có lợi thế rõ rệt sau khi ký kết các FTA song phương với Hàn Quốc, EU, Liên minh Kinh tế Á – Âu và TPP. Thuế nhập khẩu hầu hết các sản phẩm tôm nguyên liệu được giảm về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực.

– Kể từ tháng 11/2015, Trung Quốc đã chính thức dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu tôm sú của Việt Nam. Đây là tín hiệu đáng mừng và có triển vọng lớn cho thị trường xuất khẩu tôm của Việt Nam ra thị trường Trung Quốc đại lục.

– Kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường Hàn Quốc trong năm 2016 được VASEP dự báo, sẽ được cải thiện và sức cạnh tranh của tôm Việt Nam trên thị trường này cũng tăng nhờ tận dụng lợi thế từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (Vietnam – Korea Free trade agreement: VKFTA).

– Lũy kế 2 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu tôm cả nước đạt 378 triệu USD, tăng 8,5% so cùng kỳ.

– Tiếp nối đà tăng trưởng của quý I/2016, xuất khẩu tôm Việt Nam trong tháng 4/2016 đạt 239,6 triệu USD; tăng 7,6% so cùng kỳ năm 2015. Lũy kế 4 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu tôm đạt 858,8 triệu USD; tăng 7,8% so cùng kỳ năm 2015. (Phùng Thị Kim Thu, 2016 [5])

Dự báo năm 2016, xuất khẩu tôm sẽ khởi sắc với kim ngạch khoảng 3,3 tỷ USD, tăng 12% so năm 2015; Thị trường xuất khẩu tôm của Việt Nam sẽ có nhiều thuận lợi và rất có triển vọng tăng lên trên thị trường quốc tế.

biến động xuất khẩu tôm việt nam

 

3.3. Xuất khẩu tôm là yếu tố đặc biệt quan trọng trong liên kết chuỗi của nghề nuôi tôm ở Việt Nam

Hoạt động kinh doanh nuôi trồng thủy sản nói chung, nuôi tôm riêng, chế biến, đóng gói và xuất khẩu thủy sản là một liên kết chuỗi giá trị ngành hàng. Trong đó, hoạt động chế biến, đóng gói và xuất khẩu thủy sản là khâu trung tâm, then chốt làm nâng cao giá trị sản phẩm và gia tăng lợi nhuận cho người nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi tôm nói riêng.

Với nhu cầu phát triển, chất lượng sản phẩm, đặc biệt với sự yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm xuất khẩu thủy sản sang các thị trường khó tính thì hoạt động của nghề nuôi tôm cần có sự tham gia của một số tổ chức tài chính và các cơ quan kiểm định chất lượng thủy sản, điều này đã làm mối quan hệ giữa các chủ thể trong liên kết chuỗi của nghề nuôi tôm Việt Nam ngày càng chặt chẽ hơn.

nghiên cứu hiện trạng và giải pháp phát triển bền vững thị trường xuất khẩu tôm nuôi

Chế biến tôm tại Công ty TNHH Kinh doanh Chế biến thủy sản và XNK Quốc Việt – Ảnh: Minh Triết

 

3.4. Giải pháp phát triển bền vững thị trường xuất khẩu tôm Việt Nam

– Để phát triển bền vững thị trường xuất khẩu tôm Việt Nam thì chúng ta phải thực hiện tốt và đồng bộ các giải pháp tổng hợp từ khâu quy hoạch vùng nuôi, con giống, đào tạo trình độ khoa học kỹ thuật cho người nuôi trồng và kinh doanh thủy sản, công nghệ nuôi, thuốc thú y – thủy sản, công tác quản lý, kiểm dịch thủy sản, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, công tác khuyến ngư, cơ chế chính sách và quản lý, giải pháp về vốn đầu tư, giải pháp về thị trường xuất khẩu và quảng bá sản phẩm tôm Việt Nam, giải pháp về quản lý và tính pháp lý quốc tế đối với xuất khẩu bền vững.

– Nghề nuôi tôm và xuất khẩu thủy sản của chúng ta đã phát triển hơn 10 năm, gặt hái được nhiều thành quả rất đáng khích lệ, cũng đã có nhiều nghiên cứu đưa ra các giải pháp tổng thể để phát triển nghề nuôi tôm cũng như giải pháp phát triển thị trường tiêu thụ tôm nuôi. Vì vậy, trong khuôn khổ nghiên cứu này, tôi đưa ra một số giải pháp trọng tâm cần thực hiện như sau:

3.4.1. Giải pháp về vốn đầu tư

– Cần có cơ chế chính sách tín dụng ưu đãi về lãi suất vay, thời hạn vay và bảo đảm mức vay đủ cho các doanh nghiệp, các tập đoàn đầu tư kinh doanh thủy sản trong các lĩnh vực nuôi trồng, chế biến, đặc biệt là lĩnh vực xuất khẩu tôm…

– Tăng cường hợp tác với các nước và các tổ chức quốc tế để phát triển thủy sản, thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và ODA cho đầu tư xây dựng các khu nuôi, các nhà máy chế biến và hoạt động xuất khẩu thủy sản.

– Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư trực tiếp nước ngoài nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa ngành thủy sản. Tăng cường tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại về thủy sản đặc biệt là hoạt động xuất khẩu tôm tại các thị trường nước ngoài.

 

3.4.2. Giải pháp về thị trường xuất khẩu và quảng bá sản phẩm tôm Việt Nam

– Ưu tiên xây dựng và thực hiện chương trình phát triển các thị trường trọng điểm, xây dựng và quảng bá thương hiệu cho các nhóm sản phẩm chủ lực, trước mắt là: tôm sú, tôm thẻ chân trắng.

– Từng bước tổ chức các văn phòng đại diện và xây dựng mạng lưới phân phối sản phẩm thủy sản Việt Nam, đặc biệt là sản phẩm tôm suất khẩu tại nước ngoài. Tập trung nguồn lực xúc tiến thương mại vào các thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản… và các thị trường mới nổi như Trung Quốc, Hồng Kông, Đông Âu, Trung Đông, Bắc Phi và Nam Mỹ.

– Đa dạng hóa hình thức, mở rộng xúc tiến thương mại và giới thiệu sản phẩm. Tăng cường liên kết với các tổ chức cá nhân và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài để làm cầu nối giới thiệu quảng bá sản phẩm thủy sản Việt Nam, đặc biệt là tôm.

– Tiếp tục xây dựng và phát triển năng lực dự báo về thị trường thủy sản thế giới trên các mặt: giá cả và chủng loại sản phẩm, nhu cầu và xu hướng tiêu thụ, biến động thị trường và nhu cầu chất lượng sản phẩm (đặc biệt là sẩn phẩm tôm xuất khẩu) để kịp thời cung cấp cho doanh nghiệp và người sản xuất.

 

3.4.3. Giải pháp về quản lý và tính pháp lý quốc tế đối với xuất khẩu bền vững

Giải pháp này cơ bản dựa trên cơ sở về tính pháp lý và đấu tranh quyền lợi hợp pháp cho sản phẩm thủy sản Việt Nam:

– Tăng cường thành lập các hội nuôi trồng và hội chế biến xuất khẩu thủy sản tại các địa phương, quy hoạch tạo các làng nghề, cụm dân cư chuyên nuôi tôm và một số các đối tượng thủy sản chủ lực, quản lý bằng phương pháp cộng đồng. Hoạt động của các hội này dưới sự chỉ đạo kiểm soát của Hội Nghề cá Việt Nam, VASEP, các cơ quan ban ngành từ cấp địa phương đến trung ương.

– Chủ động đối phó và đấu tranh với những luật lệ và rào cản thương mại do chính sách bảo hộ của các nước nhập khẩu gây ra bằng chính cách sản xuất ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế và nâng cao trình độ hiểu biết về luật pháp quốc tế cho các nhà quản lý và doanh nghiệp, nâng cao nhận thức và áp dụng quy chuẩn bắt buộc về vệ sinh an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản; đặc biệt là đối với sản phẩm xuất khẩu, để tránh hiện tượng sản phẩm không đảm bảo chất lượng, không hợp vệ sinh an toàn thực phẩm, dư lượng kháng sinh, dẫn tới sản phẩm bị trả về khi xuất khẩu.

– Khuyến khích các mô hình tổ chức, liên kết, liên doanh sản xuất, thương mại giữa các lĩnh vực sản xuất thủy sản (đặc biệt là lĩnh vực nuôi tôm), giữa các nhà sản xuất nguyên liệu, các nhà chế biến, các nhà thương mại, xuất khẩu thủy sản, các nhà đầu tư tín dụng… theo chuỗi giá trị ngành hàng với sự tham gia quản lý, tổ chức của các hội, hiệp hội ngành hàng.

– Cách doanh nghiệp, Hiệp hội Thủy sản cần tranh thủ sự giúp đỡ và phát huy vai trò chủ lực của Hội Nghề cá Việt Nam, Hiệp hội Nuôi trồng thủy sản, VASEP trong việc đàm phán, thỏa thuận hợp tác quốc tế để đảm bảo quyền lợi và tính pháp lý của lĩnh vực thủy sản, sản phẩm xuất khẩu thủy sản để nâng cao giá trị sản phẩm nuôi trồng và xuất khẩu.

– Tận dụng lợi thế của việc Việt Nam gia nhập WTO, TPP, FTA, VKFTA. Tranh thủ và tận dụng lợi thế các thỏa thuận thương mại quốc tế với các nước trên thế giới, xóa bỏ cấm vận, hàng rào thuế quan và rào cản trong xuất khẩu thủy sản để đưa ngành xuất khẩu thủy sản và đặc biệt là xuất khẩu tôm Việt Nam phát triển bền vững và vươn lên chiếm lĩnh thị trường quốc tế.

 

4. KẾT LUẬN VÀ ĐỀ XUẤT Ý KIẾN

4.1. Kết luận

– Ngành nuôi tôm và xuất khẩu tôm Việt Nam có vai trò rất to lớn trong nền kinh tế – xã hội của đất nước. Kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam đã thành tựu rất lớn chiếm 44% trong tổng số đóng góp GDP của ngành thủy sản, chiếm 1,76 – 2,2% GDP toàn quốc (GDP ngành thủy sản chiếm 4 – 5% GDP toàn quốc).

– Năm 2015, do ảnh hưởng kinh tế thế giới suy thoái, ảnh hưởng của biến động tiền tệ, nhu cầu tiêu thụ tôm giảm tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, sự cạnh tranh khốc liệt về giá và chất lượng sản phẩm tôm suất khẩu của các nước đối thủ xuất khẩu tôm Việt Nam, nên kim ngạch xuất khẩu tôm của nước ta giảm, chỉ đạt gần 3 tỷ USD, bằng 75% kết quả của năm 2014.

– Năm 2016, nghề nuôi trồng và chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam tuy đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng vẫn có nhiều thuận lợi và được dự báo xuất khẩu tôm Việt Nam có triển vọng tốt, khoảng 3,3 tỷ USD, tăng 12% so năm 2015.

– Hoạt động chế biến và xuất khẩu thủy sản, đặc biệt là xuất khẩu tôm Việt Nam là một khâu then chốt đặc biệt quan trọng trong chuỗi giá trị ngành hàng và là mối liên hệ dọc giữa các chủ thể trong ngành thủy sản, có vai trò quan trọng trong việc nâng cao giá trị sản phẩm và gia tăng lợi nhuận cho người nuôi trồng, kinh doanh thủy sản.

 

4.2. Đề xuất ý kiến

Cần tiếp tục có những nghiên cứu chuyên sâu về dự báo nhu cầu và thị trường tiêu thụ sản phẩm tôm, đặc biệt là thị trường xuất khẩu, luật pháp quốc tế về xuất khẩu, quy chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm và yêu cầu chất lượng của thị trường nhập khẩu nước ngoài, để từ đó đưa ra các chiến lược, hoạch định chính xác giúp ngành nuôi tôm nói chung và ngành xuất khẩu tôm Việt Nam phát triển thịnh vượng và bền vững.

Lê Văn Thành - Lecturer at Hong Duc University in Viet Nam, Ph.D. from Sichuan University in China

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!