T2, 06/07/2020 12:16

Nghiên cứu quy trình sinh sản nhân tạo giống hàu cửa sông và hàu Thái Bình Dương

Chưa có đánh giá về bài viết

Việc hoàn thiện quy trình sản xuất giống để đáp ứng nuôi thương phẩm, đồng thời tiếp tục phát triển giống hàu địa phương và tìm kiếm đối tượng sản xuất mới nhằm đa dạng hóa đối tượng sản xuất giống tại Ninh Thuận là vấn đề cấp thiết được đặt ra.

1. Mở đầu      

Tại Ninh Thuận, trong những năm qua một số hộ dân khu vực đầm Nại cũng đã nuôi thương phẩm hàu và đạt một số kết quả đáng kể. Nghề nuôi hàu phát triển không những góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi theo chủ trương định hướng chung của ngành mà còn góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ổn định hệ sinh thái, giúp cho nghề nuôi trồng thủy sản phát triển theo hướng bền vững, góp phần chuyển đổi đối tượng sản xuất tại các khu vực nuôi tôm khó khăn, tạo việc làm và tăng thu nhập cho bà con nuôi thủy sản ven đầm Nại.

Tuy nhiên, một trong những khó khăn lớn của nghề nuôi hàu hiện nay tại Ninh Thuận là chưa có quy trình kỹ thuật nuôi hoàn chỉnh, con giống từ sinh sản nhân tạo chưa nhiều; bởi, quy trình sinh sản giống hàu nhân tạo chưa được ổn định, nên giống nuôi thương phẩm chủ yếu phụ thuộc vào nguồn khai thác tự nhiên. Vì vậy, việc hoàn thiện quy trình sản xuất giống để đáp ứng nuôi thương phẩm, đồng thời tiếp tục phát triển giống hàu địa phương và tìm kiếm đối tượng sản xuất mới nhằm đa dạng hóa đối tượng sản xuất giống tại Ninh Thuận là vấn đề cấp thiết được đặt ra. 

nghiên cứu quy trình sinh sản nhân tạo giống hàu cửa sông và hàu thái bình dương

 

2. Phương pháp nghiên cứu

2.1. Đối tượng

 Hàu cửa sông (Crassostrea rivularis) và hàu Thái Bình Dương (Crassostrea gigas)

2.2.Phương pháp bố trí thử nghiệm

Triển khai 2 đợt sinh sản thử nghiệm và đợt sinh sản thứ 3 để hoàn thiện quy trình.    

– Quy mô sinh sản thử nghiệm cho mỗi đợt/đối tượng: 100 con hàu mẹ, số lượng ấu trùng đưa vào bố trí thí nghiệm là 30 triệu con. Mật độ ương ấu trùng chữ D là 10 con/ml; ương ấu trùng bám là 5 con/ml và ương lên giống cấp 1 là 1 con/ml.

– Xác định một số chỉ tiêu môi trường pH, nhiệt độ, ôxy hòa tan, độ mặn và xác định các chỉ tiêu tỷ lệ sống, thời gian chuyển giai đoạn ấu trùng. So sánh kết quả ương nuôi của 2 đối tượng qua mỗi đợt thử nghiệm, đánh giá kết quả ứng dụng quy trình trong mỗi đợt thử nghiệm và đề xuất quy trình hoàn thiện.

 

3. Kết quả

3.1. Kết quả thử nghiệm

3.1.1. Kết quả nuôi vỗ và ấp nở

Trong mỗi đợt sản xuất thử nghiệm, chọn mua 100 con hàu mẹ mỗi loại. Qua quá trình chọn lựa để nuôi vỗ, cho đẻ và ấp nở nhận thấy: hàu mẹ Thái Bình Dương chọn mua có trọng lượng trung bình 80 – 100 g/con và hàu cửa sông có trọng lượng 100 – 120 g/con. Để thuận lợi cho việc bố trí thử nghiệm, trong mỗi đợt thử nghiệm chỉ chọn mỗi loài hàu là 20 con để cho đẻ.

3.1.2. Thức ăn, chế độ cho ăn và chăm sóc quản lý ấu trùng

Thức ăn cho ấu trùng là hỗn hợp các loài vi tảo: Nanochloropsis occulata, Chatoceros mullerri, Isochrysis galbana. Cho ăn 4 lần/ngày, vào lúc 7h, 11h, 15h và 18h.

Giai đoạn ấu trùng chữ D chủ yếu ăn tảo Nanochloropsis occulata. Giai đoạn ấu trùng đỉnh vỏ kết hợp 2 loài tảo, Nanochloropsis occulataChatoceros mullerri. Giai đoạn ấu trùng bám kết hợp 2 loài tảo Chatoceros mullerriIsochrysis galbana. Lượng tảo được duy trì trong nước với mật độ 150.000 – 300.000 tế bào/ml.

Qua 3 đợt nghiên cứu sản xuất thử nghiệm và hoàn thiện quy trình sinh sản nhân tạo giống hàu cửa sông và hàu Thái Bình Dương, số lượng hàu giống cấp 1 đạt được là: 450.000 con, vượt chỉ tiêu đề tài là 12,5%. Trong đó, hàu cửa sông là 201.000 con và hàu Thái Bình Dương 249.000 con.

kết quả theo dõi các yếu tố môi trường sinh sản nhân tạo giống hàu cửa sông

 

Kết luận và đề xuất

Trong sinh sản nhân tạo giống hàu cửa sông và hàu Thái Bình Dương, với cùng một chế độ quản lý, chăm sóc, sử dụng thức ăn và chế độ cho ăn thì thời gian chuyển giai đoạn của ấu trùng hàu Thái Bình Dương ngắn hơn hàu cửa sông; Tỷ lệ sống của ấu trùng đỉnh vỏ so với ấu trùng chữ D, của ấu trùng bám so với ấu trùng đỉnh vỏ và của giống cấp 1 ở hàu Thái Bình Dương cao hơn hàu cửa sông.

tỷ lệ sống của ấu trùng và giống hàu cấp 1

Để hoàn thành, cần được đào tạo chuyển giao quy trình công nghệ đã nghiên cứu cho người nuôi trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, cần nghiên cứu về mật độ ương nuôi các giai đoạn ấu trùng của hàu Thái Bình Dương, nhằm nâng cao hơn nữa tỷ lệ sống của giống hàu cấp 1.

ThS. Dương Ngọc Tân - Trung tâm Giống hải sản cấp 1 Ninh Thuận

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!