T2, 06/07/2020 12:30

Nghiệp đoàn nghề cá: “Mái nhà chung” của ngư dân

Chưa có đánh giá về bài viết

Không chỉ là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân mỗi khi vươn khơi, bám biển, Nghiệp đoàn nghề cá (NĐNC) còn là nơi để ngư dân chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau trong hải trình mưu sinh trên biển. Đến nay, Phú Yên đã vận động thành lập 5 NĐNC với gần 650 ngư dân tham gia. NĐNC ra đời tạo được nhiều hiệu quả thiết thực, góp phần giữ vững chủ quyền biên giới, hải đảo.

Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh trao tiền hỗ trợ cho ngư dân đóng mới tàu thuyền - Ảnh: NGỌC HÂN

Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh trao tiền hỗ trợ cho ngư dân đóng mới tàu thuyền – Ảnh: NGỌC HÂN

Từ ngày có nghiệp đoàn

Giữa mùa biển động, tại cảng cá Đông Tác (TP Tuy Hòa) nhiều tàu thuyền từ khơi xa về cập bến và cũng có vài chiếc nổ máy xuất bến, bắt đầu một chuyến biển mới. Ông Lương Luận, Chủ tịch NĐNC phường Phú Đông, cho biết: “Bây giờ, ngư dân chúng tôi yên tâm ra khơi bám biển vì đã có nghiệp đoàn và các tổ tàu thuyền an toàn làm trung tâm đoàn kết. Khác với trước đây nhiều ngư dân không mặn mà, tin tưởng lắm vào việc tham gia nghiệp đoàn. Nhưng sau khi vào nghiệp đoàn, ngư dân được công đoàn cấp trên quan tâm hỗ trợ, chia sẻ những lúc khó khăn và được tuyên truyền để nắm rõ những quy định khi đánh bắt trên biển, nhất là việc tránh đánh bắt sang vùng biển nước khác dẫn đến bị bắt, thu tài sản, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng… Từ đó, bà con tin tưởng vào nghiệp đoàn và vững tin vươn khơi bám biển”.

Anh Nguyễn Nghiệp, chủ tàu cá PY96272TS, bày tỏ: “Có nghiệp đoàn làm trung tâm đoàn kết, anh em chúng tôi lập tổ tàu thuyền an toàn, cùng sát cánh khi ra khơi nên mạnh dạn bám biển dài ngày, sản lượng đánh bắt cao hơn. Nếu ngày trước, chúng tôi đi riêng lẻ, thường bị các tàu nước ngoài lấn ngư trường thì nay không còn lo lắng nữa”. Còn anh Trần Ngọc Trường, chủ tàu cá PY 90455TS, thành viên trong tổ, thổ lộ: “Từ khi liên kết làm ăn theo tổ, trước những tình huống xấu, anh em luôn sẵn sàng tư thế hỗ trợ nhau. Ngoài ra, anh em còn giúp nhau góp vốn cho mượn không tính lãi để giúp các thành viên trong tổ có nhu cầu nâng cao công suất máy mà không phải vay chỗ khác. Có tàu to, máy lớn vươn ra ngư trường xa tìm luồng cá, cả tổ đều hy vọng vươn lên làm giàu”.

NĐNC ra đời là một chủ trương đúng đắn và kịp thời của Tổng LĐLĐ Việt Nam, trong đó Phú Yên là một trong bốn tỉnh của cả nước được chọn thực hiện thí điểm. Để NĐNC hoạt động hiệu quả, LĐLĐ tỉnh phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và các đồn biên phòng ven biển thực hiện mô hình gắn kết “NĐNC với tổ, đội tàu thuyền an toàn”. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập 5 NĐNC với 648 đoàn viên, gắn kết 82 tổ tàu thuyền an toàn với 2.098 thuyền viên. “Mô hình này đã tạo được niềm tin trong đoàn viên nghiệp đoàn, có tác động lớn đến nhận thức của ngư dân về tổ chức Công đoàn, về nhiệm vụ của công dân đối với Tổ quốc nên số lượng xin gia nhập vào nghiệp đoàn ngày càng nhiều”, bà Nguyễn Thị Thu Vân, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, cho biết.

Cần có chế độ tương xứng

Bên cạnh những kết quả đạt được thì quá trình hoạt động của NĐNC cũng gặp không ít khó khăn và tồn tại. Ông Lương Công Hạnh, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Tuy Hòa, cho biết: “NĐNC được thành lập tại Phú Yên từ tháng 3/2012 nhưng đến năm 2014, NĐNC Việt Nam mới chính thức ra đời. Đây ví như là “sinh con rồi mới sinh cha” nên gây trở ngại cho hoạt động của NĐNC. Trong khi đó, việc thu tiền đoàn phí từ các ngư dân rất khó khăn và chưa có quy định nào về chế độ phụ cấp cho các ủy viên ban chấp hành NĐNC để có cơ sở thực hiện. Vì vậy cần sớm có chế độ phụ cấp cho các ủy viên ban chấp hành NĐNC để họ có thêm động lực, gắn bó hơn nữa với công việc của nghiệp đoàn”.

Gần 5 năm làm công việc “vác tù và hàng tổng”, ông Phan Thuẩn, Chủ tịch NĐNC phường 6, bộc bạch: “Được bà con tín nhiệm nên các thành viên trong ban chấp hành luôn cố gắng hoàn thành chu toàn công việc như thăm hỏi, tặng quà ngư dân bị nạn, hướng dẫn tàu để tránh mắc cạn khi ra vào cửa biển, hay huy động lực lượng kéo vớt tàu gặp nạn… Thế nhưng lâu nay, chúng tôi không có chế độ phụ cấp nào cả. Vì thế “bị” vợ con kêu ca, đôi lúc cảm thấy mệt mỏi”. Theo ông Đào Hồng Sự, Phó Ban Tổ chức LĐLĐ tỉnh, mỗi LĐLĐ cấp huyện đang được bố trí một chỉ tiêu biên chế chuyên trách theo dõi, quán xuyến hoạt động của NĐNC. Thế nhưng việc triển khai lương, phụ cấp cho các thành viên ban chấp hành NĐNC cơ sở… vẫn bế tắc, dù đã nhiều lần kiến nghị. 

Để NĐNC tạo được niềm tin cho đoàn viên, theo bà Nguyễn Thị Thu Vân, trong thời gian tới cần đẩy mạnh thực hiện các chính sách nói chung và Nghị định 67/2014/NĐ-CP, Nghị định 89/2015/NĐ-CP nói riêng để hiện đại hóa tàu có công suất lớn, đánh bắt xa bờ. Chuyển đổi dần từ tàu cá vỏ gỗ sang vỏ composite, vỏ thép và các vật liệu mới, cơ khí hóa các trang thiết bị khai thác trên tàu cá, ưu tiên trang bị máy định vị và hệ thống trạm bờ máy thông tin liên lạc thông suốt giữa các tàu… Đặc biệt cần có cơ chế tài chính, đảm bảo cho hoạt động của mô hình “NĐNC gắn với tổ, đội tàu thuyền an toàn”, tạo điều kiện để mô hình này ngày càng phát triển.

Theo Chủ tịch NĐNC Việt Nam Trần Văn Quý, cả nước hiện có 72 NĐNC cơ sở tại 15 tỉnh, thành (trong số 28 tỉnh, thành giáp biển), thu hút trên 15.000 đoàn viên. Dấu ấn hiệu quả hoạt động của NĐNC đã được ghi nhận. Thế nhưng, chế độ phụ cấp hiện chỉ mới giải quyết được đối với các thành viên ban chấp hành và ủy ban kiểm tra của NĐNC Trung ương. Riêng đề án phụ cấp cho các ủy viên ban chấp hành NĐNC cơ sở, đang trình Tổng LĐLĐ xem xét. Mong rằng, những anh em cơ sở sớm được hưởng chế độ phụ cấp để toàn tâm toàn ý với công việc…

NGỌC HÂN

Báo Phú Yên

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!