T2, 06/07/2020 10:23

Ngư dân bỗng dưng bị cắt nguồn hỗ trợ xăng dầu: Dích dắc khó hiểu

Chưa có đánh giá về bài viết

Mỗi năm đi 12 chuyến biển Hoàng Sa với đôi tàu khủng, có xác nhận của các trạm biên phòng, thường xuyên nhắn tin chứng thực về máy chủ của Chi cục Thủy sản nhưng nhiều tháng qua đôi tàu của ông Hồ Văn Tình (Xuân Hà, Thanh Khê, TP Đà Nẵng) chưa nhận được tiền hỗ trợ xăng dầu theo quy định.

Anh Hồ Văn Trường chỉ ICOM trên tàu ĐNa 90082: Chúng tôi có nhắn tin khi ở Hoàng Sa nhưng bên Chi cục nói không nhận được  

Anh Hồ Văn Trường chỉ ICOM trên tàu ĐNa 90082: Chúng tôi có nhắn tin khi ở Hoàng Sa nhưng bên Chi cục nói không nhận được .

Ông Hồ Văn Tình có 2 tàu công suất lớn trên 400CV, gồm ĐNa 90082 (lưới cản) và ĐNa 90051 (câu mực xa bờ) do 2 người em làm thuyền trưởng. Hai năm 2010- 2011, đôi tàu nhận được đầy đủ tiền hỗ trợ xăng dầu của nhà nước (theo QĐ 48/2010 của Thủ tướng).

Nhưng qua năm 2012, kể từ khi Chi cục thủy sản Đà Nẵng (thuộc Sở NN&PTNT) lắp máy định vị từ xa ở trên bờ lẫn trên tàu thì rắc rối xảy ra.

Theo anh Hồ Văn Trường (thuyền trưởng tàu ĐNa 90051), kể từ tháng 5/2012, tàu anh được lắp máy định vị, khi tàu đã kịp đi một chuyến Hoàng Sa. Sau khi lắp máy, tàu tiếp tục đi 2 chuyến nữa. Tương tự, tàu ĐNa 90082 do anh Hồ Văn Mai (em trai của ông Tình và Trường) làm thuyền trưởng năm 2012 đi tổng cộng 9 chuyến biển Hoàng Sa từ tháng 1 đến tháng 11/2012.

Cả hai thuyền trưởng khẳng định, ngoài việc xác nhận của các trạm biên phòng mỗi khi xuất, nhập bến, mỗi khi ra tới ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa đều nhắn tin thông báo tọa độ về máy chủ ở Chi cục. Ngoài ra còn thỉnh thoảng nhắn tin về cho các máy chủ ở đồn biên phòng, đặc biệt là đồn 248. Thế nhưng đầu năm 2013, Chi cục phát giấy thông báo cả đôi tàu của ông không thể nhận tiền hỗ trợ xăng dầu, bởi máy chủ ở Chi cục không hề nhận được tin nhắn nào.

“Máy ICOM trên tàu là do họ lắp, ra ngoài khơi thỉnh thoảng tôi còn bật ICOM lên nói chuyện với người cán bộ thủy sản tên Minh (phụ trách máy) rất vui vẻ. Vậy tại sao không nhận được tin nhắn họ vẫn im lặng. Hóa ra lắp cái máy ICOM ra chỉ để tán gẫu cho vui à?”, anh Trường nói.

Theo ông Tình, ở Thanh Khê và Sơn Trà còn nhiều trường hợp trong năm 2012 không có tiền hỗ trợ vì máy chủ ở Chi cục thủy sản không hiển thị tin nhắn.

Tin nhắn “ma” ?!

Ông Hồ Văn Tình với 2 cuốn sổ nhật trình năm 2012 của đôi tàu có xác nhận của các trạm biên phòng ảnh: Nam Cường 

Ông Hồ Văn Tình với 2 cuốn sổ nhật trình năm 2012 của đôi tàu có xác nhận của các trạm biên phòng.  ảnh: Nam Cường. 

 Ông Nguyễn Đỗ Tám – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Đà Nẵng tỏ ra bất ngờ vì lá đơn khiếu nại của ngư dân gửi báo Tiền Phong. “Chi cục chưa nhận được đơn của ông Tình, bản thân tôi có biết sơ qua việc này, chúng tôi sẽ kiểm tra sớm và báo cáo kết quả xác minh”.

Trước đó, ông Tình đã nhiều lần gọi điện và trực tiếp đến nhờ cán bộ Chi cục đến kiểm tra máy nhưng đều nhận được sự thờ ơ. Sau khi có cuộc làm việc của phóng viên, ngay lập tức ngày 6/5, ông Tình được Chi cục mời đến làm việc.

Kết quả ngoài dự đoán: trong năm 2012, hai tàu ĐNa 90051 và 90082, mỗi tàu có nhắn gần 40 tin vào máy chủ của Chi cục. Tuy nhiên, chỉ có một tin nhắn của tàu ĐNa 90051 là xa bờ, còn lại tất cả đều là tin nhắn thông báo tọa độ gần bờ, và có cả 3 tin nhắn khi tàu đang nằm ở trên đà (nơi sửa chữa) ?! Coi như không đủ điều kiện nhận hỗ trợ.

Ông Tình cho hay toàn bộ tin nhắn trong năm 2012 của hai tàu hiển thị trên máy chủ của Chi cục đều là tin nhắn “ma”, bởi cả quận Thanh Khê đều biết đôi tàu của ông đánh bắt xa bờ từ xưa tới nay.

“Không ai nhắn tin khi tọa độ gần bờ cả, chỉ có vài cuộc để thử nghiệm. Còn lại thuyền trưởng đều nhắn khi đã ở xa bờ, ở ngư trường Hoàng Sa. Lúc đầu Chi cục nói không có tin, bây giờ lại nói có mấy chục tin nhắn nhưng là gần bờ. Không thể hiểu nổi”.

Năm 2012, tôi đổ hết 70 ngàn lít dầu, làm ăn nộp thuế cho nhà nước, không thể để tiền nhà nước hỗ trợ mất oan được

Ông Tình cho hay sẽ tiếp tục khiếu nại lên cấp trên để đòi quyền lợi

Nam Cường

Tiền Phong

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!