T2, 06/07/2020 01:46

Ngư dân kêu trời vì tàu Trung Quốc “cày ủi” ở Trường Sa

Chưa có đánh giá về bài viết

Tàu Hải Dương 8 và hàng nhìn tàu cá vỏ thép giả dạng của Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam đã gây ra rất nhiều khó khăn cho ngư dân Việt Nam. Bà con kêu trời vì không khai thác được và quá nguy hiểm.


Tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc

Đi đâu cũng đụng

Báo chí đưa tin về việc nhóm tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc như những “con trâu đi hoang”, “cày ủi” khắp bãi Tư Chính nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Những ngư dân đánh bắt xa bờ, nhất là ở khu vực quần đảo Trường Sa thì kêu trời vì đi khắp nơi thì đều đụng đầu tàu vỏ thép của Trung Quốc. Trong những ngày qua, trên máy Icom ngư dân làm nghề lưới chuồn từ quần đảo Trường Sa gọi về thôn Tân Thạnh, Tân Mỹ, Quảng Ngãi đều thốt lên “tàu Trung Quốc đông quá, họ quấy phá không cho làm ăn”.

Theo ngư dân mô tả thì có thể hình dung ra được, ngoài 80 tàu Cảnh sát Biển, Hải giám đi hộ tống cho nhóm tàu Hải Dương 8 thì hàng nghìn tàu cá vỏ thép của Trung Quốc giả dạng hành nghề, nhưng biến thành một hàng rào vòng ngoài. Thuyền trưởng Lê Tấn Tuấn trở thành nạn nhân đầu tiên trước sự quấy phá của đội tàu đánh cá giả dạng của Trung Quốc. Anh Tuấn cầm lái con tàu QNg 92884 TS ra đánh bắt tại Trường Sa. Những ngày đầu tiên đánh bắt thuận lợi, nhưng khi nhóm tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc bắt đầu đi vào bãi Tư Chính thì các ngư dân trên tàu cứ mở mắt ra là thấy tàu cá Trung Quốc, tối chong đèn cũng thấy tàu Trung  Quốc xuất hiện khắp mọi phía.

Xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi có 220 tàu cá làm nghề lưới chuồn khơi. Đây là nghề mỗi năm sống ở quần đảo Trường Sa khoảng 9 tháng. Vì vậy, khi tình hình ở quần đảo Trường Sa nóng lên thì ngay lập tức tác động đến đời sống của bà con ngư dân. Anh Tuấn trở về đất liền cho biết, “mình kéo lưới, họ cũng kéo, tàu Trung Quốc xông vô cản phá, dọa đâm tàu cá của ngư dân, sau đó dày xéo lên lưới làm lưới đứt tung ra thành nhiều mảnh, mất gần 100 tấm lưới”.

Thông tin về việc tàu cá Trung Quốc dày xéo lưới được đưa lên mang Icom và càng khiến đội tàu đánh bắt lưới chuồn lâm vào cảnh vừa đánh lưới vừa canh chừng. Cứ 2 giờ trưa ngư dân đánh khoảng 400 tấm lưới, sau đó kéo lưới xong và nghỉ ngơi vào lúc 20 giờ. Trong màn đêm, khi những tấm lưới cuối cùng được kéo lên tàu thì tàu cá Trung Quốc đến soi đèn pha, mũi tàu lao về phía tàu cá của ngư dân để đe dọa. Ngư dân trên tàu của anh Tuấn có lúc hoảng hốt đã bỏ lưới kéo dở và chui vào ca bin quan sát con tàu vỏ thép hung hãn của Trung Quốc.

Đi dọc các tỉnh Bình Định, Quảng Nam để nắm tình hình thời điểm Trung Quốc kéo nhóm tàu Hải Dương 8 vào bãi Tư Chính, bà con ngư dân đều phàn nàn tàu cá Trung Quốc trôi nổi khắp biển, từ đảo Lý Sơn, từ Đà Nẵng ra khoảng 30 – 40 hải lý là chạm mặt tàu Trung Quốc tràn ngập khắp Biển Đông.

Luôn phải canh chừng

Nhiều ngư dân phản ảnh, do tàu cá Trung Quốc tràn ngập khắp nơi, nên có những lúc giữa ban ngày họ đã tới neo hoặc thả trôi ngay gần các đảo của Việt Nam như một bầy cào cào. Nỗi lo lắng tàu Trung Quốc nên khi đánh lưới, ngư dân luôn phải canh chừng để kịp thời kéo lưới lên, ngăn Trung Quốc đưa tàu đến chạy dọc theo triền lưới, rút phao lưới để ngư dân mất tín hiệu, làm trôi dạt lưới. Bà con ngư dân chia sẻ, đánh lưới xuống nhưng cứ phập phồng lo lắng, nên nhiều khi phải kéo lưới sớm, giống như cơm chưa chín đã phải mở ra ăn.

Khi bị tàu Trung Quốc vây ép, ngư dân mới nghĩ ra được chuyện “nếu bà con mình cũng đóng tàu vỏ thép thì không đến nỗi”. Nhưng đó cũng chỉ là câu chuyện ngoài lề. Theo các ngư dân làm nghề lưới chuồn, có 2 nguyên nhân khiến ngư dân ngại tàu vỏ thép, thứ nhất là do quen với phương pháp đánh bắt truyền thống, thứ hai là chứng kiến bà con ở tỉnh Bình Định được Công ty Nam Triệu, Đại Nguyên Dương đóng tàu, nhưng sau đó nhiều tàu hỏng máy, có tàu mất lái bị chìm, nhiều tàu mục nát như cám nên không ai dám hạ bút ký xin đóng tàu vỏ thép.

Ông Trần Văn Sinh, phụ trách thủy sản xã Nghĩa An cho biết, có tàu cá của bà con bị Trung Quốc làm hư hỏng và mất lưới ở quần đảo Trường Sa và địa phương đang thống kê. Ông Huỳnh Văn Minh, cán bộ Nghiệp đoàn nghề cá địa phương cho biết, vụ việc tàu cá QNg 92884 TS bị Trung Quốc kéo 92 tấm lưới, mỗi tấm trị giá 890 nghìn đồng, bị tàu Trung Quốc cuốn 7 phao tín hiệu điện tử, mỗi phao trị giá 5,5 triệu đồng.

Ông Lê Tấn Tề và Lê Văn Xướng đều giao cho con trai cầm lái làm thuyền trưởng. Nhưng trong những ngày này, cả 2 ông đều như người ngồi trên đống lửa, nhấp nhổm không yên. Ngư dân ở làng chài luôn dõi theo tình hình trên biển, nắm bắt tin tức về tàu thăm dò nhóm Hải Dương 8 của Trung Quốc, hỏi thăm các tàu cá trên biển về đàn tàu cào cào (tàu cá giả dạng của Trung Quốc) đang di chuyển về hướng nào. Bà con ngư dân đều cho rằng, Cảnh sát Biển, Kiểm ngư Việt Nam nên xuất hiện ở vùng biển này để hỗ trợ và bảo vệ cho tàu cá của bà con ngư dân.

>> Tàu cá Trung Quốc giả dạng đi đánh bắt để hỗ trợ cho nhóm tàu Hải Dương 8 thường chỉ thả trôi chứ không đánh lưới trong nhiều ngày. Thỉnh thoảng nhóm tàu đánh cá của Trung Quốc đi khoảng 30 – 40 chiếc và có một tàu Hải giám đi theo hỗ trợ.

Lê Văn Chương

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!