T2, 06/07/2020 01:14

Ngược xuôi vùng biển giáp ranh bằng lợi thế ‘tàu 67’

Chưa có đánh giá về bài viết

Sản lượng khai thác đánh bắt sụt giảm và ngư trường truyền thống bị thu hẹp là nguyên nhân tàu bỏ nhà sang đất bạn. Chỉ tính riêng trong năm 2017, Bộ đội biên phòng Quảng Ngãi đã ngăn chặn 42 tàu cá định ra nước ngoài đánh bắt, tước giấy phép, cấm hành nghề và xử phạt nhiều tàu.

Tàu lưới thưa thường đánh được nhiều cá cờ xuất khẩu

Biện pháp mang tính căn cơ lâu dài không phải chỉ là chế tài pháp luật, mà phải tính tới việc bảo vệ nguồn thủy sản bền vững.  

Tàu 67 – hiệu quả thấy rõ

Sau một ngày đánh bắt, tàu 67 mang tên Thành Công 01 rẽ sóng từ khu vực ngoài đảo Lý Sơn chạy tìm tọa độ mới. Dọc đường đi, Ngô Thanh Phong (xã Bình Chánh, Bình Sơn, Quảng Ngãi) liên tục quan sát những chiếc tàu cá đang hành trình cùng tọa độ. Sau này tôi mới hiểu, thuyền trưởng Phong luôn cầu mong tàu giã cào càng ít càng tốt. Vì giàn lưới có chiều dài lên đến 14km, nếu tàu giã cào liên tục băng ngang thì giàn lưới sẽ bị phá tan tành. Câu chuyện này cho thấy, chủ trương của nhà nước đang từng bước hạn chế và chấm dứt nghề giã cào là rất cần thiết. Vì ra khơi, lúc nào cũng nghe tiếng ngư dân than thở trên máy Icom “cấm sao không cấm luôn đi mà để thêm vài năm nữa, tới đâu cũng bị giã cào rách lưới, làm ăn khó quá ngư dân dạt sang vùng biển bên kia!”.

Tàu vỏ thép 67 làm nghề lưới rê rất dễ phân biệt qua đặc điểm, trên mũi tàu chở theo rất nhiều cọc cờ đỏ sao vàng, là cờ lưới để thả xuống biển như những cột mốc. Tàu làm nghề lưới rê mắt thưa được thiết kế một khoang chứa giàn lưới nặng vài tấn, chiếm diện tích 1/3 boong tàu. Khoang chứa lưới chiếm diện tích quá lớn, vậy ngư dân đánh bắt cá chỉ còn 2 hầm chứa thì có bất lợi? Anh Phong cho biết, tàu làm lưới rê chỉ đánh cá xuất khẩu. Vì vậy sản lượng đánh được ít, nhưng giá trị thì cao hơn nhiều so với nghề cá lưới mắt dày.

Tôi cảm thấy hứng thú và tò mò, vì đi trên tàu vỏ thép 67, được chứng kiến cách đánh bắt theo công nghệ hiện đại nhất Việt Nam, quy trình đánh lưới thì ngược hẳn với tàu cá truyền thống. Đúng 5h chiều, lưới bắt đầu tuôn xuống biển. Ngư dân không cần phải nhúng tay nhiều, chỉ cần gỡ lưới cho suôn, tàu lao về phía trước, lưới từ dưới hầm chạy dọc theo boong tàu và đổ xuống phía sau đuôi tàu, kéo thành một vệt dài. Đối với tàu cá vỏ gỗ truyền thống, thả lưới phía sau đuôi tàu là điều cấm kỵ, vì sợ bị quấn vào chân quạt. Nhưng tàu 67 thì chứng minh điều này là khả thi và rất thuận lợi.

Các ngư dân trên tàu 67 cho biết, nếu tàu giã cào băng ngang qua thì vét sạch cá, khiến các tàu phải bỏ đi nơi khác. Còn tàu lưới rê chỉ đánh cá lớn, nên các tàu làm nghề lưới khác vẫn có thể cùng chung sống hòa bình.  

Quanh quẩn vùng giáp ranh

Con tàu 67 mang tên Quyết Tiến rời cửa biển Kỳ Hà (Quảng Nam) ra khơi. Hai ngày ròng rã hành trình, nhưng đích đến nằm tận giữa biển Đông nên phải đi thêm gần một ngày nữa. Thời gian rảnh rỗi, các ngư dân trèo lên nóc tàu ngắm hoàng hôn và ngắm cá. Ngắm cá là thuật ngữ của dân biển để chỉ việc quan sát và phát hiện đàn cá bằng mắt thường. Những ngư dân ngắm cá giỏi nhất là người có thâm niên làm nghề câu kiều. Đối với họ, chỉ cần một vệt cá nhỏ thì lập tức ước đoán được bầy cá lớn.

Sau gần 3 ngày đêm hành trình, con tàu Quyết Tiến đã ra tới tận tọa độ 15 độ 30 phút vĩ độ bắc – 113 độ 56 phút kinh độ đông. Mở định vị trên điện thoại ra có thể hình dung rõ vị trí của con tàu nằm trên một bãi ngầm giữa biển Đông và hơi chếch về mạn đông, thuộc vùng biển quốc tế và tàu bè các nước được thực hiện quyền tự do hàng hải. Nhiều tàu vỏ gỗ của ngư dân Bình Định ra khu vực này câu cá ngừ đại dương và thả trôi dần ra mạn đông, mỗi khi có gió thì chạy dạt về khu vực gần Philippines, khi bão tan chạy ngược trở lại, có một số tàu vừa đi vừa dừng lại đánh bắt. Riêng tàu vỏ thép thì chỉ cần chạy né bão, lùi vào Hoàng Sa.

Biển Đông rộng 3,5 triệu km2. Việt Nam có diện tích biển hơn 1 triệu km2. Nếu ngư dân đánh bắt bằng tàu gỗ có kích thước dưới 20m thì mọi người trên tàu có cảm giác biển Đông là vô bờ bến. Nhưng khi lên đời tàu vỏ thép 67 thì có thể khám phá mọi ngõ nghách trên biển Đông. Tàu 67 đang đánh bắt ở quần đảo Trường Sa, nghe tin ở quần đảo Hoàng Sa có luồng cá thì con tàu này nhổ neo chạy sang vây luồng cá. Khi ngư dân đánh bắt ở Hoàng Sa, nếu nghe tin ở giữa biển Đông có luồng cá thì lên đường ngay. Người đọc có thể hình dung biển Đông như chiếc đĩa hình bán nguyệt và tàu vỏ thép 67 có thể đi giáp cả chiếc đĩa đó.

Suốt những ngày lênh đênh giữa biển Đông, thỉnh thoảng cả đoàn tàu lại gặp những cơn giông bất thần và không thể dự báo trước. Tàu 67 chỉ rung lắc nhẹ và rất vững vàng trên sóng, tàu vỏ gỗ thì lắc rất mạnh. Các ngư dân cho biết, tàu 67 đi rất xa, nhưng không đánh lấn qua vùng biển các nước, vì giá trị của tàu 67 quá lớn và ngư dân không thể đánh đổi. Bên cạnh đó là tàu 67 cơ động đường dài rất tốt, vì vậy ngư dân chỉ tính tới việc chạy xuôi ngược trong vùng biển của Việt Nam và ra vùng hàng hải tự do trên biển Đông.  

Vệt hành trình

Giữa đêm khuya, con tàu Quyết Tiến bị dòng chảy đẩy xuôi về hướng đông nam. Tiếng gió vi vút ngoài boong tàu. Bên trong ca bin, màn hình định vị liên tục nhảy những con số SOG 2.2, 3.2, đó là tín hiệu báo hiệu con tàu thả trôi nhưng vẫn bị sóng đẩy đi với tốc độ từ 2 đến 3 hải lý/giờ. Những người trong đất liền không thể hình dung được, khi tàu ra biển đánh cá và thả trôi tại chỗ, nếu gặp luồng nước chảy mạnh thì sau một đêm có thể trôi vài chục hải lý, tương đương hàng trăm km. Chính vì vậy, khi ngư dân ra đánh bắt ở các vùng biển giáp ranh với các nước thì chỉ cần một đêm ngủ ngon thì sáng ra có thể đã ở “nhà của người khác”.

Liên minh Châu Âu rút thẻ vàng đối với ngành thủy sản Việt Nam vì cho rằng, một số lượng cá của ngư dân có nguồn gốc từ nước khác. Nếu nhìn cá thì cá nơi nào cũng giống nhau và không thể phân biệt. Đối với các tàu cá vỏ thép 67, ngư dân có thể chứng minh bằng vệt hành trình. Phần lớn những chiếc tàu vỏ thép đều gắn hệ thống định vị đôi, có nghĩa là gắn song song máy chính và máy dự phòng Furono, Hayang. Ngư dân căn cứ vào chỉ số trên 2 máy để phát hiện ra những sai số nhất định trong hệ thống định vị toàn cầu của 2 hãng, từ đó có sự lựa chọn rất chính xác. Hệ thống máy này còn lưu lại vệt hành trình rất chi tiết, từ tốc độ, thời gian… về đường đi của con tàu. Đây chính là nhật ký điện tử để chứng minh ngư trường đánh bắt.

Hà Anh - Kim Sơ

Báo Nông Nghiệp

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!