Người nuôi cá tầm ở Kon Tum khốn đốn vì cá siêu rẻ từ Trung Quốc

Chưa có đánh giá về bài viết

Cá tầm xứ lạnh ở Kon Tum có tiếng một thời nay phải “dẹp tiệm” vì cạnh tranh không nổi với cá tầm siêu rẻ của Trung Quốc đang tràn vào.

“Vỡ mộng” nuôi cá tầm

Theo phản ánh trên báo Thanh Niên, cách đây khoảng 4 năm, hồ nuôi cá tầm của ông Trần Nhi Kha ở xã Măng Cành, H.Kon Plông (Kon Tum) có thời điểm nuôi 7.000 – 10.000 con/năm, xuất bán mỗi năm chừng 10 – 15 tấn cá tầm thương phẩm nhưng vẫn không đủ cung cấp cho thị trường.

Ông Kha vốn là Việt kiều, đầu tư vốn, kỹ thuật nuôi cá tầm rất bài bản. Ông đổ tiền tỉ ngăn con suối nước lạnh, làm thủy điện nhỏ để đưa nước về hồ nuôi có tổng diện tích khoảng 1 ha. Vài năm đầu, khi nuôi cá tầm thành công, bán ra thị trường với giá 450.000 – 600.000 đồng/kg, ông Kha còn tính toán xây dựng thác nước đẹp ở gần cơ sở và hồ nuôi cá thành điểm tham quan du lịch. Ngày đó, ông còn nhập 20.000 trứng cá tầm về ấp để nuôi và bán.

Giờ đây, hồ nuôi cá tầm của ông Kha đìu hiu không một bóng người. Bên ngoài cỏ mọc hoang dại, còn bên trong thì nước ở đập ngăn từ suối nước lạnh chảy lênh láng trên đường vào hồ nuôi cá. Căn nhà ngày trước ông Kha ở, bây giờ là những khung gỗ trơ trọi. Nhà ấp trứng cá tầm cũng lạnh tanh…

Hồ nuôi cá tầm bỏ hoang (Ảnh: Thanh Niên)

Hồ nuôi cá tầm bỏ hoang (Ảnh: Thanh Niên)

Một cán bộ Phòng NN-PTNT H.Kon Plông cho biết, năm 2016 khi cá tầm nuôi không có đầu ra, ông Kha đã xuống Đà Nẵng mở nhà hàng, còn cơ sở nuôi cá thuê hai vợ chồng người bản địa trông giữ. Ai đến mua cá tầm thì người trông cơ sở bán lẻ, giá 250.000 đồng/kg. Hồ của ông Kha là nơi duy nhất còn nuôi cá tầm. Các cơ sở khác đã bỏ nuôi và chuyển mục đích nuôi trồng khác.

Đưa cá tầm về nuôi tại H.Kon Plông và làm nên thương hiệu “Cá tầm Măng Đen” đầu tiên là Công ty cổ phần thủy sản Măng Đen. Đơn vị này nuôi cá tầm ở xã Hiếu, H.Kon Plông, trên diện tích 3 ha, vốn đầu tư 15 tỉ đồng, thời hạn nuôi 20 năm.

Thời gian đầu có cả sự trợ giúp của các chuyên gia đến từ Viện Hàn lâm khoa học Ukraine. Khi đó, giống cá tầm lấy từ nước Nga xa xôi về nuôi, ban đầu cho kết quả rất mỹ mãn: nuôi 8 – 9 tháng, cá đạt 1 kg, với giá bán ra từ 400.000 – 450.000 đồng/kg. Sau thành công của doanh nghiệp này, đến năm 2012, trên địa bàn có Công ty cổ phần Hoàng Ngư thành lập và 4 hợp tác xã nuôi cá tầm, với tổng số lao động 58 người, nuôi tại các xã: Pờ Ê, Hiếu, Đăk Long, Măng Cành.

Khoảng 3 năm đầu, các doanh nghiệp nói trên làm ăn có lãi, thị trường không chỉ ở tỉnh Kon Tum mà rộng ra các tỉnh miền Trung, Tây nguyên. Hồi đó, Tổ chức Kỷ lục VN và Hội Kỷ lục gia VN xác lập kỷ lục đặc sản món ăn nổi tiếng cho cá tầm Măng Đen. Tỉnh ủy Kon Tum tháng 7.2011 cũng ban hành nghị quyết về xây dựng, phát triển ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực, trong đó xác định cá tầm, cá hồi đến năm 2015 đạt 500 tấn; đến năm 2020 đạt 1.000 tấn (chủ yếu là cá tầm).

“Bí” đầu ra

Sau thời “hoàng kim” đó thì đến năm 2015, cá tầm xứ lạnh Măng Đen lao đao và tụt dốc. Không biết từ đâu cá tầm sản xuất từ Trung Quốc đổ vào “thủ phủ” cá tầm Măng Đen với giá chỉ dưới 100.000 đồng/kg.

Chia sẻ với Thanh Niên, ông Trịnh Xuân Quý cho biết, cạnh tranh không lại cá tầm Trung Quốc, nhiều cơ sở nuôi cá tầm Măng Đen cuối năm 2014 đã lui bước và nuôi “cầm chừng”; đến năm 2016 thì chuyển sang ngành nghề khác. Đến nay chỉ còn Công ty cổ phần Hoàng Ngư nuôi cá tầm số lượng ít để bán lẻ.

Ông Nguyễn Văn Lân, Bí thư Huyện ủy Kon Plông, cho hay hiện các doanh nghiệp đầu tư vào nuôi cá tầm bị lỗ nặng. “Địa phương luôn luôn ủng hộ doanh nghiệp nuôi và phát triển mạnh thương hiệu cá tầm. Nhưng để phát triển loại cá này, các doanh nghiệp phải liên kết lại, tìm đầu ra sản phẩm bền vững mới cạnh tranh nổi”, ông Lân trao đổi.

Các cơ sở nuôi cá tầm bị bỏ trống vì sản phẩm không tiêu thụ được. (Ảnh: An ninh Thủ đô)

Các cơ sở nuôi cá tầm bị bỏ trống vì sản phẩm không tiêu thụ được. (Ảnh: An ninh Thủ đô)

Tương tự, tại HTX nuôi cá tầm, cá hồi ở xã Đắk Long (huyện Kon Plông), sau thời gian đầu tư rầm rộ để nuôi cá tầm, nay hệ thống hồ nuôi cá cũng đang bị bỏ hoang.

Trao đổi với An ninh Thủ đô, bà Đào Thị Hương, Chủ nhiệm HTX Đắk Long, HTX được thành lập để nuôi cá tầm vào năm 2011 với 12 thành viên tham gia. Khoảng 3 năm đầu, cá tầm nuôi ra chừng nào là bán hết chừng đó. Thị trường tiêu thụ gồm Đà Nẵng, Gia Lai, Kon Tum. Tuy nhiên kể từ năm 2014, việc nuôi cá tầm không đạt hiệu quả, HTX phải tạm dừng nuôi cá tầm từ đó đến nay.

Theo ngành chức năng huyện Kon Plông, trong số 4 HTX và 2 doanh nghiệp từng nuôi cá tầm trên địa bàn, hiện chỉ còn 1 doanh nghiệp đang tiếp tục nuôi.

Cá tầm siêu rẻ Trung Quốc chiếm thị trường

Theo 2 chủ nhiệm HTX cá tầm Măng Cành và Đắk Long, lý do kể từ năm 2014 việc nuôi cá tầm của những đơn vị này phải dừng lại bởi sự xuất hiện của cá tầm siêu rẻ từ Trung Quốc ồ ạt nhập về.

Cá tầm xứ lạnh ở Kon Tum có tiếng một thời. (Ảnh: An ninh Thủ đô)

Cá tầm xứ lạnh ở Kon Tum có tiếng một thời. (Ảnh: An ninh Thủ đô)

Chủ nhiệm HTX Cá tầm Đắk Long, cho biết thực tế 2 năm đầu, HTX có lãi lớn, nhưng từ năm 2014, cá tầm Trung Quốc nhập về bán với giá quá thấp, dân không biết cứ thắc mắc, sao có chỗ bán 80.000 đồng/kg, trong khi HTX bán với giá gấp 3, gấp 4 lần. Dù giải thích, nhưng cuối cùng cũng không thể thuyết phục khách hàng, dần dần buộc phải tạm đóng cửa hồ nuôi.

Ông Lê Tấn Hiển, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, cho biết, điều kiện tự nhiên trên địa bàn rất thích hợp với nuôi cá tầm. Định hướng phát triển của huyện trong thời gian tới là tiếp tục tìm cách duy trì, ổn định phát triển cá tầm.

“Ngành chức năng sẽ đầu tư mạnh về cơ sở hạ tầng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh, phát triển; kêu gọi thu hút đầu tư các doanh nghiệp về nuôi cá tầm. Ngành chức năng sẽ tìm kiếm đầu ra để các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư”, ông Hiển cho biết.

PV/VOV.VN (Tổng hợp)

Thanh Niên, An ninh Thủ đô

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!