Người nuôi cá tra liên tục gặp khó

Chưa có đánh giá về bài viết

Tình trạng giá cá tra thương phẩm liên tục sụt giảm, hợp đồng xuất khẩu cá tra với các nước trên thế giới không được thuận lợi tạo sức ép lớn cho người nuôi cá tra ở ĐBSCL.

Giá cá tra ở ĐBSCL đang giảm, người nuôi khó có lãi

Giá cá tra ở ĐBSCL đang giảm, người nuôi khó có lãi

Trong 6 tháng đầu năm 2017, giá cá tra trong nước biến động đáng kể. Theo số liệu mới nhất của Tổng cục thủy sản, diện tích cá tra hiện có của các tỉnh ĐBSCL đạt 3.076 ha, giảm 16% so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, do phần lớn diện tích nuôi là cá tra công nghiệp nên sản lượng thu hoạch không giảm so với cùng kỳ năm trước, ước đạt hơn 580.000 tấn, tương đương cùng kỳ năm trước và bằng 50,7% kế hoạch năm.

Tại Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, giá cá tra thịt trắng nguyên liệu dao động 21.500 – 23.000 đồng/kg, giảm 3.000 – 4.000 đồng/kg so với tháng trước. Thị trường cá giống tiếp tục giảm, đơn cử tại Cần Thơ, cá tra giống cỡ 1,5 cm (chiều cao thân) có giá 24.000 – 25.000 đồng/kg; cá tra giống cỡ 2 cm (chiều cao thân) 19.000 – 20.000 đồng/kg.

Tuy vậy, 6 tháng đã trôi qua nhưng tình hình xuất khẩu cá tra vẫn không có nhiều khởi sắc, người nuôi cá tra bắt đầu không còn “mặn mà” với loài thủy sản này. Tại Đồng Tháp, cá tra được xếp vào một trong 5 mặt hàng chủ lực trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xem đây là ngành hàng quan trọng đóng góp cho nền kinh tế, xã hội của địa phương. Tuy nhiên, trong thời gian qua, việc sản xuất manh mún, thiếu khoa học, chạy theo lợi nhuận, không nắm bắt thị trường, chăn nuôi còn sử dụng kháng sinh dẫn đến chất lượng chưa cao. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho cá tra sụt giảm, người nuôi thua lỗ.

Ông Thái An Lai, chủ tịch Hiệp hội thủy sản Đồng Tháp, cho rằng: Nghề nuôi cá tra ở Đồng Tháp vẫn còn gặp vô lường trở ngại, tỷ lệ hộ treo ao khá cao, từ 30 – 40% trên tổng số diện tích toàn tỉnh 1.685 ha, giảm 10 – 15% diện tích so với năm 2015. Để giải quyết bài toán này, tỉnh cần tập trung rà soát vấn đề quy hoạch đối với vùng nuôi không có điều kiện. Khuyến khích nâng cao chất lượng nuôi theo các tiêu chuẩn của thế giới yêu cầu. Gắn kết vấn đề tiêu thụ, đồng thời quy hoạch vùng sản xuất giống, nâng cao chất lượng con giống. Khó khăn lớn nhất hiện nay của người nuôi cũng như các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra là thiếu vốn.

Ông Lai nhận định, hiện nay giá cá giảm do thị trường cạnh tranh ở các nước trên thế giới, trong khi đó thị trường cá tra xuất khẩu truyền thống bị thu hẹp dần. Hiện các doanh nghiệp xuất khẩu đang đẩy mạnh mở rộng thị trường mới khó tính đòi hỏi cá tra nuôi theo chất lượng cao khi bán sang các thị trường này bị ép giá nên giá bán không cao, buộc lòng hạ giá thu mua cá nguyên liệu trong nước.

Đặc biệt, thời gian qua tại ĐBSCL xuất hiện thương lái Trung Quốc đến tận ao người dân để thu mua cá giá cao theo kích cỡ, nhưng chỉ mua một thời gian ngắn rồi không thu mua nữa dẫn đến bất ổn về thị trường khiến người nuôi phải lao đao, lận đận, sống dở chết dở vì chạy theo lợi nhuận không nắm bắt thị trường cung cầu.

Ông Phan Thanh Xuân, phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Tân Hồng (Đồng Tháp) cho biết: Để khắc phục những khó khăn và tránh tình trạng cung vượt cầu dẫn đến mất giá, nông dân thua lỗ, hiện huyện khuyến khích người dân chuyển sang nuôi đối tượng khác, nếu duy trì nghề cá tra nên đẩy mạnh phương thức nuôi gia công cho các doanh nghiệp được xem là giải pháp hữu hiệu hiện nay nhằm giảm bớt áp lực cho người nuôi cá tra, nông dân có thể thu lợi nhuận, các doanh nghiệp cũng chủ động được nguồn nguyên liệu xuất khẩu, đảm bảo được chất lượng sản phẩm.

Theo ông Xuân, định hướng sắp tới và triển khai phương thức nuôi cá tra thương phẩm trên địa bàn huyện theo hướng VietGAP, GlobalGAP….Đồng thời, đẩy mạnh phương thức liên kết với các doanh nghiệp thủy sản để giúp các hộ dân có thể giảm các yếu tố thua lỗ, đảm bảo đầu ra và nâng cao chất lượng sản phẩm cá tra.

Gia Phú - Hồng Ngự

Báo KHPT

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!