T2, 06/07/2020 11:47

“Người nuôi cá tương lai”

Chưa có đánh giá về bài viết

Bạn bè và giới chuyên môn gọi Brian O’Hanlon (ảnh) – chủ trang trại nuôi cá Cobia ngoài khơi lớn nhất thế giới – như vậy. Với cách nuôi cá kiểu mới, biển gần gũi con người hơn; loài cá Cobia của trại O’Hanlon trở thành loài thịt trắng chất lượng và tiềm năng tương lai.

Thu hẹp khoảng cách biển khơi

Chúng tôi tới thăm trang trại nuôi cá Cobia của Brian một ngày đẹp trời. Để tiết kiệm thời gian, Brian đưa chúng tôi ra thăm trại nuôi bằng máy bay trực thăng. Chỉ mất vài phút, máy bay đã đưa chúng tôi ra trại nuôi. Brian đề nghị phi công hạ máy bay xuống gần mé rừng nhiệt đới Panama ngoài khơi. Ở trên không trung, Brian cũng có thể biết chính xác đường tới trại nuôi cá mà anh đã gây dựng từ hai bàn tay trắng.

Cách Panama 8 dặm ngoài khơi vùng biển Caribean, chúng tôi bắt đầu nhìn thấy những vòm của bè nuôi cá khổng lồ lấp ló trên mặt biển. Nhìn từ xa, bè nuôi cá giống những tảng băng nửa chìm nửa nổi. Những lồng nuôi cá được thiết kế dạng mái vòm, sức chứa 600.000 con.

Brian ngồi cạnh tôi, chỉ tay xuống lồng cá, mỉm cười. Phía dưới chúng tôi là trại nuôi cá ngoài khơi lớn nhất thế giới. Nuôi trồng thủy sản đã được người Trung Quốc cổ xưa tiến hành cách đây 4.000 năm, để bù đắp lại sự thiếu hụt nguồn lợi tự nhiên, với ý tưởng ban đầu chỉ nuôi cá trong bể hoặc ao đất. Trại nuôi ngoài khơi của mình, thuộc Công ty Open Blue, Brian đúc kết kinh nghiệm nuôi cá của người Trung Quốc cổ, đồng thời kết hợp những tiến bộ khoa học kỹ thuật thời nay, tạo ra trại nuôi cá lớn nhất và hiện đại nhất. Ông nói, việc nuôi một loài vật nào đó trong môi trường tự nhiên đồng nghĩa vật nuôi đó sẽ khỏe mạnh và có hương vị ngon hơn. Dĩ nhiên, để có được điều đó, người nuôi phải biết kết hợp kỹ thuật tốt để đẩy nhanh quá trình tăng trưởng.

Mỗi lồng nổi có sức chứa trung bình 35.000 con cá giống –  Ảnh: Spencer Millsap

Trại Open Blue của Brian vẫn đều đặn vận chuyển 250 tấn cá cho các đầu mối thu mua mỗi tháng. Hằng ngày, máy bay ra tận lồng lấy hàng, đưa đi tiêu thụ ở châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ. Brian bắt đầu nuôi cá ngoài khơi Panama từ năm 2009. Năm 2014, lần đầu tiên nhu cầu tiêu thụ tăng vượt cung, báo hiệu thời cực thịnh của cá Cobia đã tới.

 

Tầm nhìn xa

Brian O’Hanlon hiểu rõ Panama là nơi xa lạ để hiện thực hóa các ý tưởng. Đất nước này nhỏ hơn bang New Jersey và vẫn phụ thuộc Chính phủ Mỹ để duy trì sự ổn định. Nhưng nhờ điều kiện địa lý độc nhất vô nhị, đây lại là nơi lý tưởng để tiếp cận đại dương bao la; với chi phí rẻ, di chuyển thuận tiện, việc đưa thức ăn ra khơi nuôi cá và vận chuyển cá đi tiêu thụ trở nên dễ dàng.

Bể nuôi cá giống ở Cobia

Chính phủ Panama từng chào đón Brian nhưng Mỹ thì không. Luật lệ quá khắt khe do lo ngại ảnh hưởng đến môi trường; việc nuôi cá ngoài khơi không được Chính phủ Mỹ khuyến khích. Brian chia sẻ, khó khăn trước mắt không làm anh thay đổi ý định nuôi cá ngoài khơi, hãy nhìn xa hơn về tương lai, chỉ 20 năm sau, chắc chắn nước Mỹ sẽ có cái nhìn khác về hệ thống mà Brian dày công xây dựng. Bởi nó là cách đảm bảo nguồn lương thực cho loài người trước thực trạng nguồn lợi tự nhiên đang bị tận diệt. Gia đình Brian 3 đời làm nghề bán cá tại Long Island. Chợ cá Fulton, New York, Mỹ là sân chơi thời thơ ấu của anh. Đầu những năm 1990, cùng với sự sụp đổ của ngành công nghiệp cá tuyết Bắc Alantic, cá hồi Na Uy bị đánh thuế nhập khẩu đã đẩy việc kinh doanh của gia đình Brian đến bờ vực phá sản. Cha và chú của Brian đã nhận ra thực tế tương lai của ngành thủy sản chính là cá nuôi, nhưng quan trọng là nuôi cá nào. Dễ hiểu vì sao Brian theo đuổi ngành nuôi trồng thủy sản và luôn nỗ lực tìm ra loài cá nuôi tiềm năng cho tương lai.

Nhìn xuyên qua làn nước xanh ngắt, chúng tôi nhận ra các con Cobia dài 2 feet, đủ để bán buôn với giá 50 USD/pound; nhưng những kỹ thuật viên của Brian muốn cá lớn hơn chút nữa, với thời gian nuôi vỗ vài tháng. Brian cho biết, khi cá bị stress sẽ sản sinh ra axit lactic, làm cá biến mùi và thịt rất cứng. Do đó, khâu bảo quản, giữ cá được tươi lâu tại trại Open Blue là yếu tố quan trọng hàng đầu, giúp người tiêu dùng ưa chuộng cá Cobia hơn. Các trại nuôi của Brian chưa bao giờ sử dụng thuốc kháng sinh. Các nghiên cứu viên từ Đại học Miami không phát hiện thấy chất thải của cá bên ngoài hệ thống lồng bè, bởi chất thải đã bị sóng làm loãng và được sinh vật phù du xử lý hết.

>> Brian gọi Cobia là loài cá huyền thoại, thích hợp vùng nước ngoài khơi Panama. Ông biết tới loài cá này qua cuốn sách của Schonwald, “Cá của tương lai”. Schonwald đã dành vài năm khảo sát các loài cá nuôi tiềm năng. Cá hồi, cá vược Chile dường như không còn là đối tượng nuôi thích hợp nữa; Brian tin rằng người tiêu dùng sẽ thay đổi khẩu vị và đón nhận cá Cobia.

Vũ Đức

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!