Người nuôi chịu nhiều thiệt hại

Chưa có đánh giá về bài viết

Đó là chia sẻ của ông Dương Nghĩa Quốc (ảnh), Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam với Tạp chí Thủy sản Việt Nam về tình hình vượt rào nuôi cá tra hiện nay tại các địa phương, trước diễn biến giá cá tăng kỷ lục.

Người dân đang mở rộng diện tích nuôi cá tra   Ảnh: Việt Anh

Người dân đang mở rộng diện tích nuôi cá tra Ảnh: Việt Anh

Thưa ông, hiện nay nhiều địa phương đang vượt rào quy hoạch để nuôi cá tra, điều này đã gây ảnh hưởng như thế nào tới quy hoạch phát triển cá tra?

Hiện nay nhiều địa phương vùng ĐBSCL như: Long An, Đồng Tháp, An Giang… tăng diện tích nuôi cá tra thương phẩm và đặc biệt diện tích nuôi cá giống tăng ồ ạt do giá cá nguyên liệu và cá giống tăng cao nhất trong vòng 5 năm qua. Điều này nếu không được kiểm soát, ngăn chặn, khuyến cáo kịp thời thì hậu quả sẽ là mất cân đối cung cầu, dịch bệnh phát sinh, gây ô nhiễm môi trường. Theo đó, người nuôi sẽ bị thiệt hại trước tiên; đồng thời ảnh hưởng đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm cá tra và sự phát triển bền vững của ngành hàng này tại vùng ĐBSCL nói riêng và kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước nói chung.

Khâu giống vẫn là điểm yếu của ngành cá tra, nhận định của ông về điều này?

Để nâng cao chất lượng sản phẩm cá tra đáp ứng yêu cầu xuất khẩu cũng như tiêu dùng trong nước thì chất lượng con giống vô cùng quan trọng trong liên kết chuỗi sản xuất cá tra. Điều đó, nghĩa là con giống phải có chất lượng tốt, sạch bệnh, tăng trưởng nhanh vừa đảm bảo hiệu quả cao cho người nuôi vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắc khe của nhà nhập khẩu.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong sản xuất giống cá tra hiện nay là chất lượng con giống bố mẹ và dịch bệnh xảy ra thường xuyên đối với đàn cá giống.

Để khắc phục những khó khăn trên, cần có những giải pháp như:

– Các cơ quan nghiên cứu thuộc Bộ NN&PTNT và các địa phương triển khai nhanh Đề án sản xuất giống cá tra 3 cấp mà Bộ đã phê duyệt.

– Các tỉnh cần có quy hoạch vùng sản xuất giống, đầu tư hạ tầng đồng bộ, quản lý tốt về vệ sinh môi trường (nguồn nước cấp và thoát riêng biệt).

– Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II chuyển giao đàn cá bố mẹ đủ cho các tỉnh (đặc biệt có gen kháng bệnh cao…) để sản xuất hàng năm từ 2 – 2,5 tỷ cá giống đạt tiêu chuẩn chất lượng.

– Về chính sách: Cần có chính sách khuyến khích cho các doanh nghiệp, trang trại, các hộ nuôi ương từ cá bột, cá hương lên cá giống.

– Các cơ quan nghiên cứu Trung ương và địa phương tiếp tục chuyển giao công nghệ và quy trình phòng chống dịch bệnh cho các cơ cở sản xuất giống.

– Về lâu dài cần hợp tác quốc tế để nghiên cứu lai tạo đàn cá bố mẹ có tính kháng bệnh, tăng trưởng nhanh, tỷ lệ đậu trứng cao, tỷ lệ tiêu tốn thức ăn thấp…; nhằm phát triển ổn định, bền vững của ngành công nghiệp cá tra.

Với tình hình cá tra nhiều biến động như hiện nay, ông có kiến nghị gì, thưa ông?

Hiện nay, có một số địa phương phát triển nóng diện tích nuôi cá thương phẩm và sản xuất cá giống, Hiệp hội Cá tra Việt Nam đề xuất các tỉnh cần kiểm tra, rà soát lại quy hoạch sản xuất, chỉ cho phép sản xuất trong vùng quy hoạch và đặc biệt phải đảm bảo vệ sinh môi trường theo quy định; những diện tích ngoài không đáp ứng các điều kiện trên thì hướng dẫn bà con khôi phục lại hiện trạng ban đầu hoặc chuyển nuôi các đối tượng thủy sản khác.

Về vấn đề quy hoạch, thị trường thì sao, thưa ông?

Để ngành hàng cá tra phát triển ổn định và bền vững, Hiệp hội xin có một số kiến nghị như sau:

– Về quy hoạch: Chính phủ cần có quy hoạch vùng sản xuất cá tra cho ĐBSCL, trong đó giao chỉ tiêu cho từng tỉnh, quản lý chặt chẽ việc liên kết vùng trong việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cá tra.

– Về thi trường: Ngoài việc tiếp tục xúc tiến thương mại tìm kiếm thị trường mới nổi, cần duy trì xúc tiến thị trường truyền thống và tiềm năng như thị trường như: Mỹ, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN…; đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại cho thị trường trong nước.

– Về truyền thông: Chính phủ xem xét cho phép các doanh nghiệp được trích lập quỹ truyền thông dựa trên kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp, đẩy mạnh công tác truyền thông cho sản phẩm cá tra trên thị trường thế giới; nhằm chống lại thông tin xấu của một số nước ảnh hưởng đến hình ảnh và thương hiệu sản phẩm thủy sản của Việt Nam.

Trân trọng cảm ơn ông!

>> Năm 2018 có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện kế hoạch 5 năm (2016 – 2020) của ngành thủy sản, Hiệp hội Cá tra Việt Nam dự kiến phát triển diện tích thả nuôi cá tra thương phẩm 5.000 – 5.500 ha, sản lượng trên 1,3 triệu tấn và kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt 1,82 – 2 tỷ USD.


Dương Thảo (Thực hiện)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!