T2, 06/07/2020 11:39

Người tiến sĩ trẻ thần tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Chưa có đánh giá về bài viết

Những thành công của tiến sĩ Trần Hữu Lộc đã và đang khiến nhiều nhà khoa học trẻ, những người làm việc trong ngành thủy sản và các sinh viên quan tâm. Trần Hữu Lộc đã làm gì để nhanh chóng lọt vào Top những nhà nghiên cứu thủy sản nổi tiếng thế giới? Những nghiên cứu của Trần Hữu Lộc tác động thế nào đến ngành thủy sản?

Nghị lực thép, lao động không ngừng nghỉ

Trần Hữu Lộc sinh ra tại TP. HCM, ở một vùng ngoại thành, vốn không nổi tiếng với các trường chuyên lớp chọn, có thể nói anh chịu nhiều thiệt thòi nếu so với các bạn ở vùng trung tâm thành phố. Bẩm sinh thì Lộc cũng không phải là một thần đồng. Anh tốt nghiệp cấp 2 chỉ loại trung bình, tốt nghiệp cấp 3 cũng chỉ loại khá, nhưng tốt nghiệp đại học loại giỏi, đặc biệt thành tích thủ khoa và tốt nghiệp tiến sĩ với điểm số tuyệt đối trong suốt chương trình cho thấy nỗ lực vượt lên không ngừng của nhà trí thức trẻ.

Điều độc đáo của tiến sĩ Lộc là tuy sinh trưởng ở thành phố, nơi rất nhiều người thích những ngành gọi là “ngồi mát ăn bát vàng” thì anh lại đam mê với ngành nông nghiệp, mặc dù diện tích đất nông nghiệp của thành phố ngày càng giảm sút nghiêm trọng và đầu tư cho nông nghiệp cũng như lợi nhuận, lương bổng trong ngành này rất thấp. Đó là do Trần Hữu Lộc nhận thấy trách nhiệm của mình với đất nước nói chung, đất nước rất nhiều nông dân, rất nhiều ruộng đồng.

Năm 2010 Lộc tốt nghiệp đại học và nhận được một suất học bổng du học toàn phần tại Trường Đại học Arizona (Mỹ) về chuyên ngành vi sinh và bệnh học trên tôm. Có thể nói đây là bước ngoặt, giống như con sông hòa vào biển lớn. Không chỉ lao vào học hành mà nghiên cứu sinh này còn thực hiện tham vọng khoa học của mình bằng việc tìm kiếm các nhà tài trợ, các chương trình dự án, kết nối với các nhà khoa học tiếng tăm. Cùng với việc nghiên cứu, nghiên cứu sinh đã viết đề cương xin tài trợ của World Bank, Global Aquaculture Alliance, FAO, các tập đoàn thủy sản trong và ngoài nước…

Tiến sĩ Trần Hữu Lộc – Tranh: Văn Thành

 

Thần tượng Đại tướng

Tiến sĩ Trần Hữu Lộc cho biết thần tượng của anh không phải là một vĩ nhân ở Mỹ, nơi mà anh theo học tiến sĩ mà lại chính là Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Anh tâm sự: “Có khi 5 giờ sáng tôi đã phải đi làm, đến các trại thực nghiệm hoàn thành công việc nghiên cứu một cách chuẩn xác rồi lại về trường học khi quần áo vẫn còn ướt. Học xong, tôi lại vào phòng thí nghiệm nghiên cứu tiếp, chiều đến hai trại thực nghiệm rồi lại quay lại trường làm việc tới khuya. Có ngày tôi làm việc đến 18 tiếng hoặc hơn là bình thường”.

Vậy anh tìm được động lực và niềm tin vào thành quả công việc từ đâu? Đó chính là từ hình tượng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Anh tiết lộ bí quyết thành công của mình với báo giới như sau: “Tôi rất ngưỡng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp và luôn rất tự hào vì đất nước mình có một vị tướng như ông. Theo tôi, lòng tự tôn dân tộc sẽ khiến người ta dám đặt ra cho mình những mục tiêu lớn với tầm nhìn dài hạn”. Phải chăng, tiến sĩ Lộc mơ ước Việt Nam sẽ làm nên một Điện Biên Phủ trong mặt trận kinh tế trong thế kỷ 21? Muốn làm được việc đó thì trước hết người trí thức phải khẳng định được vị trí của mình bằng những đóng góp có ích cho xã hội chứ không phải những bằng cấp để kiếm cơm.

 

Tính quốc tế trong tư duy

Thần tượng Đại tướng, song không phải vì thế mà tiến sĩ Lộc rơi vào tình trạng tự tôn, xây tháp ngà và hài lòng với những gì đã đạt được. Trần Hữu Lộc luôn đặt mình trong dòng chảy của thế giới hiện đại. Người tiến sĩ này tích cực tham gia các khóa huấn luyện và tổ chức các hội thảo chuyên môn tại Mỹ, Mexico, Đức, Thái Lan, Ấn Độ, Malaysia, Ecuador, Panama, Áo, Pháp, Nhật… ngoài ra còn thường xuyên viết các bài báo khoa học đăng trên các tạp chí quốc, tham gia phát biểu tại các hội nghị, hội thảo chuyên môn tiêu biểu trên thế giới…, đồng thời làm cố vấn quốc tế của các tổ chức như: FAO, NACA, GAA.

Khi dịch bệnh tôm hoành hành, tiến sĩ Lộc đã trở về Việt Nam thực hiện một số nghiên cứu quan trọng. Anh tự bỏ kinh phí đi nhiều nơi trong nước để làm các xét nghiệm, nghiên cứu mà không chờ đợi đòi hỏi nhà nước hay các doanh nghiệp, đúng như anh nói: “Nhiều đêm quên ngủ, nhiều ngày quên ăn”.

Sau 3 năm nghiên cứu, tiến sĩ Lộc xác định được tên bệnh là EMS/AHPNS, do một loài vi khuẩn rất phổ biến trong môi trường nước lợ/mặn có tên Vibrio parahaemolyticus gây ra. Nhiều tạp chí khoa học hàng đầu thế giới về bệnh thủy sản đã đăng tải nghiên cứu này. Đại học Arizona chọn nghiên cứu của Trần Hữu Lộc là một trong 20 sự kiện của trường đại học danh tiếng này cho năm 2013.

 

Trăn trở về ngành

Tiến sĩ Lộc nổi tiếng đối với bà con nông dân qua câu nói: “Tôi mong bà con nông dân nuôi thủy sản sẽ giữ được cái sổ đất và nhà của mình”. Đây là lời nói chân thực, trách nhiệm mà không phải ai cũng thốt ra được trong bối cảnh ngành thủy sản giúp nhiều người đổi đời nhanh đến chóng mặt, như người ta thường nói khi mùa được giá – ngủ một đêm dậy thành tỷ phú, nhưng nghề thủy sản cũng đẩy nhiều bà con vào cảnh bần cùng hóa sau những mùa vụ thất bát làm con nợ của ngân hàng và tín dụng đen.

Tiến sĩ Lộc cũng chủ trương chống lại những “Tiến sĩ giấy” không gắn bó với ruộng đồng, không có khả năng tiếp nhận cái mới, chỉ hài lòng với học vị, bằng câu nói: “Khi trình độ phát triển kinh tế, khoa học kỹ thuật ở Việt Nam còn bước chậm và chập chững, mong mọi người đừng nghĩ tiến sĩ nghĩa là “biết tất cả”. Ở một góc độ nào đó trong giới khoa học, có bằng tiến sĩ chỉ là  “xóa mù chữ thôi”. Chỉ riêng trong năm 2014, tiến sĩ này đã tổ chức hàng loạt hội nghị hội thảo về bệnh tôm cho nông dân nhiều tỉnh, thường xuyên tự bỏ tiền túi mời các chuyên gia nước ngoài về phát biểu, hướng dẫn bà con. 

Anh thường đề cập đến vấn đề sự phát triển quá nóng của ngành khiến công tác quy hoạch và quản lý nhà nước gặp nhiều lúng túng. Tình hình nuôi tôm vượt tầm kiểm soát, dẫn đến nguy cơ dịch bệnh bùng phát. Về thị trường, tiến sĩ cũng kêu gọi các doanh nghiệp vì lợi ích chung, không nên tự tiện hạ giá, cạnh tranh xấu với chính cộng đồng của mình.

Được biết, Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM đã và đang có kế hoạch đầu tư mở mang trang thiết bị, đội ngũ và sinh viên để giúp những tiến sĩ trẻ như Trần Hữu Lộc giữ lửa đam mê và đào tạo nhiều thế hệ học trò giỏi, tiếp tục chinh phục những đỉnh cao khoa học.

>> Những nghiên cứu của TS Trần Hữu Lộc không chỉ được ứng dụng tại Việt Nam, TS Trần Hữu Lộc còn đến hỗ trợ kỹ thuật cho nhiều nước như Indonesia, Thái Lan, Malaysia, các nước Ả Rập, Nam Á, các nước Mỹ Latinh, theo yêu cầu của FAO.

Nguyễn Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!