Nguy cơ ngoại lai

Chưa có đánh giá về bài viết

Có nguồn gốc từ Nam Mỹ, cá lau kính du nhập vào Việt Nam qua những người nuôi cá cảnh lồng kính. Tuy nhiên, một vài năm trở lại đây loài cá này xuất hiện và sinh sôi phát triển rất nhanh khắp kênh, rạch, ao hồ, ruộng lúa, đang là mối nguy hại cho nhiều nhà nông.

Người dân ở huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu cho biết, thời gian gần đây họ phát hiện có rất nhiều cá lau kính xuất hiện bất thường ở dưới các tuyến kênh thủy lợi, ao hồ nuôi cá nước ngọt. Đáng lưu ý là kể từ lúc cá lau kiếng xuất hiện, cũng là lúc lượng cá đồng bản địa ở đây ngày càng giảm đi rõ rệt. Nhiều người dân vốn trước đây sinh sống bằng nghề chài lưới trên kênh thì nay cũng giải nghệ vì khi thả lưới chỉ mắc toàn cá lau kính, làm rách nát cả chài lưới.

Không những thế, người trồng lúa cũng hoang mang lo sợ, bởi một khi cá lau kính xâm nhập vào đồng ruộng thì chúng “tấn công” cây lúa mà khó có biện pháp phòng ngừa. Cá lau kính còn lấn át sự phát triển của các loài cá nước ngọt bản địa, nhất là các ao nuôi cá, gây ra thiệt hại kinh tế không nhỏ cho người dân.

Anh Mã Hoàng Vũ, ở ấp Béc Hen Lớn, xã Long Thạnh, huyện Vĩnh Lợi, cho biết, gần một năm trước, anh mua nhiều giống cá như cá phi, cá chép, cá tra về thả nuôi trong ao. Vài tháng sau khi thả nuôi, thấy cá phát triển tốt, rồi sau đó lại mất dần, đến khi thu hoạch thì toàn cá lau kính.

Theo anh Vũ, gia đình anh không ai thả cá lau kính xuống ao, trước khi thả cá nuôi anh đã cải tạo ao rất kỹ, phơi nắng ao thời gian dài nhưng không biết từ đâu mà cá lau kính sinh sôi nảy nở khủng khiếp rồi “làm chủ” cả ao cá rộng lớn.  

Còn theo nhiều người dân trong khu vực, cá lau kính ăn hết rong tảo trong ao, lại sinh sản nhanh lấn át nên cá đồng bản địa không thể sống và phát triển được. Không chỉ phát hiện cá lau kính có trong ao cá nuôi mà ở dưới các tuyến kênh thủy lợi người dân cũng phát hiện thấy loài cá này.

Bạc Liêu có diện tích sản xuất lúa hơn 77.000 ha, là vùng nước ngọt ổn định, có vai trò quan trọng tạo ra nguồn lương thực phục vụ nội địa và xuất khẩu. Nếu như những năm qua, nông dân tỉnh này tốn nhiều công sức, tiền của phòng trừ ốc bươu vàng, rùa tai đỏ, thì nay họ lại đang đối mặt với cá lau kính. Đây là loài cá thể ngoại lai nguy hại, có khả năng tấn công gây hại mùa màng ngoài tầm kiểm soát. Vì vậy, việc chúng xâm nhập, lan trộng ra môi trường, đồng ruộng là vấn đề lo ngại.

Việc loài cá lau kính hầu như không có giá trị kinh tế, xuất hiện với mật độ ngày càng nhiều tại nhiều nơi, làm cho người dân hết sức lo lắng cho sự phát triển và tồn tại của các loài cá đồng bản địa.

Tuy nhiên, đến nay ngành chức năng vẫn chưa có kế hoạch khảo sát cụ thể, đánh giá mức độ gây hại, để có thể đưa ra khuyến cáo người dân ngăn chặn cá lau kính phát triển ra diện rộng. Nhiều người dân đã đưa ra nghi vấn rằng liệu cá lau kính có thể gây hại như loài rùa tai đỏ cũng có nguồn gốc từ Nam Mỹ hay không?

>> “Theo Trung tâm sinh vật ngoại lai, Đại học Stellenbosch của Nam Phi: Các loài ngoại lai có ảnh hưởng lớn trên toàn thế giới. Ước tính sinh vật ngoại lai gây thiệt hại 1.400 tỷ USD mỗi năm, tương đương 5% GDP toàn cầu.”

>> Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, PGS. TS Lê Xuân Cảnh khẳng định: Hiện nay, sinh vật ngoại lai là một nhóm đối tượng trong Luật Đa dạng sinh học có hiệu lực từ năm 2009. Tuy nhiên, nhiều vấn đề cần nghị định hướng dẫn thi hành luật này vẫn chưa được ban hành. Cần phải xây dựng các thông tư, nghị định và sau này phải luật hóa để việc quản lý hữu hiệu hơn.

Bên cạnh đó, cần tăng cường sự phối hợp và thống nhất giữa cơ quan quản lý (Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT) và các cơ quan khoa học để xem xét quyết định xem mức độ ảnh hưởng, sự lợi hại các loài ngoại lai để đưa loài nào vào danh sách quản lý. Nếu không xin ý kiến của các nhà khoa học về các loài ngoại lai thì đó là một sơ suất. Và việc này đã từng xảy ra như trường hợp rùa tai đỏ, đến khi sự đã rồi mới hỏi nhà khoa học cách xử lý. Với những loài đang có nguy cơ thì phải theo dõi để tránh những hậu quả sau này.

Minh Sử

thanhtra.com.vn

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!