Nhân rộng mô hình hiệu quả nhờ nông dân

Chưa có đánh giá về bài viết

“Sau khi mô hình trình diễn đạt hiệu quả cao, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (KNQG) sẽ tổ chức hội thảo đầu bờ để tuyên truyền nhân rộng bằng hình thức “nông dân nói cho nông dân nghe” – một người làm hàng nghìn người biết để làm theo. Nhờ đó, mô hình được nhân rộng rất nhanh”. Ông Kim Văn Tiêu (ảnh), Phó Giám đốc Trung tâm KNQG chia sẻ cùng phóng viên Tạp chí Thủy sản Việt Nam.

trung tâm khuyến nông quốc gia

Đề án tái cơ cấu hoạt động khuyến nông, trong đó có khuyến ngư năm 2015 được triển khai ra sao, thưa ông?

phó giám đốc trung tâm khuyến nông quốc gia kim văn tiêu Thực hiện Quyết định 2760/QĐ-BNN-TCTS 22/11/2013 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT phê duyệt “Đề án tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, các mô hình khuyến ngư triển khai năm 2015 tập trung theo đề án đó.

Trong khai thác, đẩy mạnh đánh bắt xa bờ, nâng cao hiệu quả khai thác và giảm tổn thất sau thu hoạch; gắn khai thác thủy sản với bảo vệ chủ quyền quốc gia và an ninh quốc phòng trên biển, đảo Tổ quốc, đồng thời giảm khai thác gần bờ.

Trong nuôi trồng thủy sản, phát triển theo hướng bền vững, hiệu quả, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm phù hợp yêu cầu của thị trường và đảm bảo an ninh thực phẩm quốc gia, đẩy mạnh áp dụng nuôi trồng thủy sản theo VietGAP, ứng dụng công nghệ cao, tiết kiệm nước, nuôi an toàn sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái. Chuyển đổi mạnh cơ cấu giữa nuôi trồng nội địa với nuôi trồng trên biển. Phát triển khai thác, nuôi trồng, thu mua, chế biến, tiêu thụ thủy sản trong mối liên kết chuỗi; hạn chế sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự phát.

 

Hoạt động khuyến ngư trọng tâm nào được hướng đến, thưa ông?

Khuyến ngư tập trung đổi mới phương thức hoạt động, đầu tiên là chọn những đối tượng nuôi có lợi thế, phù hợp với vùng miền, có thị trường tiêu thụ, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Trong triển khai mô hình, đổi mới việc chọn hộ, theo hình thức thông báo công khai tại UBND xã hoặc đài phát thanh địa phương, về tiêu chí chọn hộ, để các hộ đăng ký rồi tiến hành xét chọn. Khi chọn được hộ rồi, tiến hành tập huấn theo hướng “chỉ việc – cầm tay”, thấy nắm chắc kỹ thuật mới cấp giống. Sau khi mô hình đạt kết quả tốt thì tổ chức hội thảo đầu bờ để tuyên truyền nhân rộng “nông dân nói cho nông dân nghe”, theo hình thức một người làm hàng nghìn người biết để làm theo, nhờ đó mô hình nhân rộng rất nhanh.

Trung tâm KNQG còn kết hợp tổ chức các diễn đàn @ công nghệ. Tại đây các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp, hiệp hội, nông, ngư dân, chính quyền địa phương xây dựng mô hình chia sẻ kinh nghiệm tháo gỡ vướng mắc trong khi làm. Cùng đó, tổ chức phát tờ rơi, xây dựng đĩa hình kỹ thuật cung cấp cho người dân học và làm theo…

nhân rộng mô hình khuyến ngư hiệu quả

Nhiều mô hình khuyến ngư hiệu quả được người dân nhân rộng – Ảnh: QM

 

Ông có thể cho biết một số kết quả cụ thể về công tác khuyến ngư trong năm qua?

Năm 2015, lĩnh vực khuyến ngư đã tập huấn 8 lớp ToT về phương pháp khuyến nông và kỹ thuật chuyên ngành cho 240 cán bộ khuyến nông các cấp và nông dân chủ chốt; triển khai 8 dự án: xây dựng 122 mô hình, tập huấn kỹ thuật 128 lớp với 3.414 học viên, hội thảo tổng kết 40 cuộc cho 2.080 người; tổ chức 3 diễn đàn với gần 1.000 người dự; lợi nhuận mô hình tăng ít nhất 20% so ngoài mô hình; Trung tâm KNQG phối hợp tốt với các Viện Nuôi trồng Thủy sản I, III, Viện Hải sản, Hội Nghề cá Việt Nam, Hội Làm vườn… để xây dựng mô hình, tập huấn và tuyên truyền để nhiều hộ làm theo, thúc đẩy kinh tế phát triển, góp phần xây dựng Nông thôn mới.

Nhờ đó, nhiều mô hình triển khai có hiệu quả, được nhân rộng: Nuôi tôm theo VietGAP; Luân canh tôm sú – rong câu trong ao nước lợ; Sản xuất ngao giống; Nuôi cá tra thâm canh đạt chứng nhận VietGAP; Nuôi cá lồng hồ chứa; Hiện đại hóa đội tàu khai thác xa bờ; Ứng dụng kỹ thuật mới trong bảo quản sản phẩm…

 

Trọng tâm hoạt động khuyến ngư năm 2016 là những gì, thưa ông?

Khuyến ngư tiếp tục đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về hiệu quả các mô hình để nông dân học tập, làm theo bằng nhiều hình thức, tổ chức các diễn đàn, hội thảo khi đầu mùa vụ; đổi mới phương pháp đào tạo theo hướng tăng thực hành, tăng giáo cụ trực quan, giảm lý thuyết. Xây dựng mô hình ưu tiên xã xây dựng Nông thôn mới, chọn hộ mô hình theo chuỗi liên kết, hợp tác xã, doanh nghiệp gắn với đầu ra sản phẩm (đặc biệt sản phẩm sản xuất ra phải đảm bảo an toàn thực phẩm theo Quy phạm VietGAP, có thương hiệu), đẩy mạnh xây dựng mô hình nuôi sinh thái, tạo ra các sản phẩm an toàn thực phẩm như: mô hình tôm – lúa, tôm – rừng, tôm – rong, cá – lúa… Các mô hình đảm bảo đạt hiệu quả cao, bền vững và nhân rộng nhanh.

Trong nuôi trồng: Mô hình hình sản xuất ngao giống sẽ tiếp tục xây dựng. Nhân rộng mô hình tại các tỉnh/thành phố Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Bến Tre, Tiền Giang. Mô hình nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng theo VietGAP triển khai tiếp tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Thừa Thiên – Huế, Ninh Thuận, Long An, Tiền Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng. Dự án cá lồng bè trên hồ chứa kết thúc năm 2015 tiếp tục đề xuất Bộ thực hiện dự án mới theo hướng: xây dựng các mô hình nuôi cá lồng theo tổ hợp tác và HTX, xây dựng thương hiệu cho cá lồng bè, kết hợp sản xuất theo chuỗi giá trị để phát triển bền vững nghề nuôi cá lồng bè tại miền núi phía bắc. Dự án cá nuôi thương phẩm cá tra đạt chứng nhận VietGAP tiếp tục tuyên truyền, đào tạo, tập huấn đánh giá hiệu quả và nhân rộng mô hình nuôi cá tra thương phẩm đạt chứng nhận VietGAP; Dự án xây dựng mô hình liên kết nuôi cá rô phi theo VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và gắn với doanh nghiệp tiêu thụ để mô hình phát triển bền vững; Dự án nuôi tôm sú – rong câu sau khi kết thúc sẽ hoàn thiện quy trình, phổ biến tài liệu để nhân rộng mô hình.

Lĩnh vực khai thác: Tiếp tục ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để chuyển giao công nghệ, nhằm tăng sức cạnh tranh và phát triển bền vững như: Công nghệ bảo quản sản phẩm bằng hầm PU, hầm hạ nhiệt nhanh, công nghệ khai thác, các thiết bị thông tin liên lạc trên tàu khai thác hải sản xa bờ tại các tỉnh ven biển; Đề xuất các dự án mới liên quan mô hình khai thác, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; Mô hình tổ hợp tác, tổ ngư dân đoàn kết trên biển, HTX trên tàu khai thác hải sản xa bờ.

Vũ Mưa (thực hiện)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!