Nhân tố tác động đến chất lượng sản phẩm

Chưa có đánh giá về bài viết

Chúng tôi xin đưa ra 4 nhân tố tác động đến chất lượng sản phẩm như sau:

Biến đổi khí hậu

Biến động thất thường của nhiệt độ, lượng mưa và hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lũ lụt, hạn hán, dông, lốc, mưa đá, nước biển dâng, xâm nhập mặn… đã tác động đáng kể tới cơ cấu mùa vụ, loài nuôi và sản lượng các loài. Nguyên nhân của sự biến động này là do tôm, cá có khả năng thích nghi hạn chế, dễ bị sốc do thay đổi nhiệt độ, độ mặn… nên các hộ dân đã chuyển một phần diện tích sang nuôi các loài thủy sản khác. Bão, lũ lớn làm hư hại lồng bè, ngập tràn ao nuôi vào thời vụ sản xuất gây thiệt hại lớn trong sản xuất và ảnh hưởng tới nguồn nguyên liệu.

 

Dịch bệnh

Diễn biến bất thường của thời tiết là điều kiện thuận lợi cho phát sinh của nhiều loại dịch bệnh xảy ra cho các loài thủy sản nuôi. Các bệnh do nhóm vi khuẩn Vibrio và virus (MBV, HPV và BP) thường xảy ra, lây lan rất nhanh và khó chữa nên mức độ rủi ro rất lớn, dịch bệnh phát triển phức tạp và khó kiểm soát, cũng là điều kiện dẫn đến sự chuyển đổi đối tượng nuôi làm cho nguồn nguyên liệu biến động. 

 

Chất lượng con giống

Ở các vùng nuôi tôm chủ lực ở ĐBSCL như Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, nguồn con giống chỉ cung cấp được khoảng 50% nhu cầu. Do đó, người nuôi phải thu mua tôm giống từ các nơi khác có chất lượng kém dẫn đến tôm nuôi chết nhiều (tỷ lệ sống khoảng 40%, so với các nước là 70%). TTCT bố mẹ vẫn còn lệ thuộc phần lớn vào nguồn nhập khẩu, tôm sú bố mẹ phụ thuộc vào khai thác tự nhiên. Đối với cá tra, tại ĐBSCL có hàng nghìn trại sản xuất giống nhưng chủ yếu là tự phát nên chất lượng con giống không ổn định. Để có nguyên liệu đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, cần phải nâng cao chất lượng và thiết lập lại thị trường con giống. Theo đó các nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân cùng tham gia để đầu tư, nghiên cứu tạo ra con giống có chất lượng cao và ổn định, khi thả nuôi sẽ có tỷ lệ sống cao tạo nguồn nguyên liệu ổn định. 

 

 Biến động thị trường

Thị trường nguyên liệu thủy sản có nhiều biến động, điển hình như nửa đầu năm 2018 giá TTCT nguyên liệu cỡ 80 – 100 con/kg tại một số tỉnh ĐBSCL có dấu hiệu sụt giảm do nguồn cung trên thế giới tăng và tồn kho tại thị trường nhập khẩu. Giá tôm toàn cầu giảm 10 – 30% đầu năm 2018 gây tâm lý lo ngại, ảnh hưởng đến sản xuất; cùng đó, giá thành sản xuất thủy sản của Việt Nam đang cao hơn từ 10 – 30% so các nước khác. Giá thành sản xuất cao do nguồn nguyên liệu trong nước giảm mạnh nên giá hải sản đã tăng 20 – 30%. Tôm là đối tượng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam nhưng mặt hàng này đang chịu sức ép cạnh tranh lớn từ các thị trường khác như Ấn Độ, Ecuador, Thái Lan, Trung Quốc. Tôm nguyên liệu Ấn Độ rẻ hơn Việt Nam từ 1 – 3 USD/kg. Giá con giống, thức ăn ở Việt Nam cũng cao hơn Ấn Độ từ 20 – 50%. Khi nguyên liệu thức ăn thủy sản đang ở mức thấp nhưng giá thức ăn cho tôm không giảm do đó giá tôm vẫn ở mức cao. Ấn Độ hiện nay tăng sản lượng nuôi và giảm giá 10 – 12%; ngoài ra, Trung Quốc là nước xuất khẩu tôm lớn, đồng tiền của Trung Quốc mất giá cũng kéo giá xuất khẩu xuống theo. Trong khi đó, các nhà nhập khẩu căn cứ vào giá nguyên liệu tôm từ nước xuất khẩu lớn nhất là Ấn Độ để đàm phán giá tôm chế biến…

Thị trường nguyên liệu có nhiều biến động và chất lượng sản phẩm ngày càng yêu cầu khắt khe hơn đang là những thách thức lớn hoạt động chế biến, xuất khẩu của thủy sản Việt Nam; đòi hỏi phải có những chiến lược mang tính khả thi hơn.

ThS Nguyễn Hà

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!