T2, 06/07/2020 12:45

Nhanh chóng đưa tàu ra khơi

Chưa có đánh giá về bài viết

Những “con tàu 67” với đầu tư hàng chục tỷ đồng, nhưng lại nằm bờ hoặc ra khơi thì luôn trục trặc, hiệu quả thấp. Là những người luôn muốn phát triển kinh tế gắn bảo vệ chủ quyền nên hơn bao giờ hết mong muốn của các ngư dân bây giờ là sớm đưa ràu ra khơi khai thác để ổn định cuộc sống.

Tàu vỏ thép 67 hư hỏng chờ sửa chữa  Ảnh: Đ.T

Tàu vỏ thép 67 hư hỏng chờ sửa chữa Ảnh: Đ.T

Muốn được đi biển

Ngư dân Nguyễn Văn Lý ở xã Mỹ Đức (huyện Phù Mỹ, Bình Định), chủ tàu cá vỏ thép BĐ 99004 TS do Công ty Đại Nguyên Dương đóng đang gỉ sét toàn phần, bức xúc cho biết: “Tàu của tui nằm bờ đã 2 tháng nay, nói thiệt là tui hết sức chịu đựng rồi. Mấy chuyến biển đầu tiên bị lưới cuốn chân vịt không đánh bắt được, phải bỏ tổn quay lại bờ thiệt hại mất 500 triệu đồng. Hiện, cái sổ đỏ căn nhà đang ở tui cũng thế chấp ngân hàng vay 250 triệu để trả nợ. Mong muốn lớn nhất của tui bây giờ là con tàu nhanh chóng được sửa chữa để ra khơi làm ăn, chứ thời vụ đánh bắt đã sắp qua mất rồi”.

Cùng cảnh ngộ, ngư dân Nguyễn Văn Khỏe ở xã Mỹ Đức (huyện Phù Mỹ), thuyền trưởng tàu cá BĐ 99567 TS, bộc bạch: “Máy bảo ôn trên tàu của tôi lẽ ra phải được lắp máy của Italia hoặc Đức, nhưng đã  bị Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đánh tráo thành máy Trung Quốc. Tôi muốn phải thay lại đúng theo hợp đồng, nhưng đơn vị đóng tàu không chịu thay, còn làm dữ đe dọa công ty phá sản thì không ai sửa chữa tàu. Vì muốn tàu của mình nhanh được sửa chữa để ra khơi nên tôi đành chấp nhận không thay máy mới”.

Không để “con sâu làm rầu nồi canh”

Mới đây, ngày 11/7, Sở NN&PTNT Bình Định tổ chức cuộc họp công bố phương án sửa chữa, khắc phục tàu cá vỏ thép đóng theo Nghị định 67 trên địa bàn bị hư hỏng giữa những ngư dân chủ tàu và 2 đơn vị đóng tàu là Công ty TNHH Đại Nguyên Dương và Công ty TNHH MTV Nam Triệu.

Theo đó, về vỏ tàu, UBND tỉnh yêu cầu Công ty Đại Nguyên Dương phải thay lại thép Hàn Quốc cấp A và các chỉ số cơ lý, hóa lý đạt tiêu chuẩn đóng tàu vỏ thép, đối với các vỏ tàu đã thay thế thép Hàn Quốc bằng thép Trung Quốc. Tuy nhiên, trong phương án Công ty không thay thế toàn bộ thép Trung Quốc bằng thép Hàn Quốc, mà đưa tàu lên đà kiểm tra tổng thể mẫu thép vỏ tàu, nếu thép Trung Quốc đạt cấp A thì giữ lại, vị trí nào không đạt cấp A (thiếu Mn) thì mới thay thế bằng thép Hàn Quốc đạt cấp A.

Về máy tàu, yêu cầu Công ty Nam Triệu thay mới toàn bộ 10 máy hiệu MISUBISHI không đồng bộ và thay mới máy chính DOOSAN của ông Trần Đình Sơn. Tuy nhiên, trong phương án sửa chữa, khắc phục, Công ty Nam Triệu chỉ thực hiện thay mới 10 máy hiệu MISUBISHI và hộp số, hệ trục chân vịt cho phù hợp. Đối với máy chính DOOSAN của ông Trần Đình Sơn, Nam Triệu chỉ thực hiện bảo hành theo đúng hợp đồng, thay thế các linh kiện, phụ tùng mới của hãng máy, do vậy giữa chủ tàu và công ty chưa thống nhất.

Về tiền thiết kế, yêu cầu hai đơn vị đóng tàu hoàn trả tiền thiết kế mẫu tàu cho ngư dân. Tuy nhiên, theo giải trình của 2 Công ty, các chủ tàu không chọn mẫu thiết kế kỹ thuật tàu cá vỏ thép trong 21 mẫu được Bộ NN&PTNT công bố, mà lựa chọn thiết kế tàu của các đơn vị thiết kế xây dựng, trình duyệt riêng cho từng chủ tàu. Toàn bộ chi phí thiết kế đã đưa vào dự toán được chủ tàu đồng ý, thẩm định giá duyệt dự toán, ngân hàng chấp nhận làm căn cứ để ký hợp đồng thi công đóng tàu. Tiền thiết kế này đã được 2 đơn vị đóng tàu thanh toán cho đơn vị thiết kế theo giá trị trong hợp đồng. Trong quá trình làm việc, có thêm 2 chủ tàu đề nghị Công ty Nam Triệu khắc phục, sửa chữa, bảo hành các hư hỏng vỏ tàu và máy tàu. Do vậy, Nam Triệu phải sửa chữa, khắc phục 15 tàu, như vậy tổng số tàu vỏ thép hư hỏng ở Bình Định phải sửa chữa, khắc phục là 20 tàu.

Riêng về thép đóng tàu không đúng chủng loại theo hợp đồng, UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT có văn bản, xin ý kiến chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết.

>> Ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định: Sự cố các “tàu 67” vừa qua tại địa phương, ngành chức năng phải hướng dẫn cho ngư dân có hồ sơ đã được phê duyệt đủ điều kiện vay vốn đóng “tàu 67” những đơn vị đóng tàu uy tín, chất lượng, để tránh lặåp lại tình trạng tàu mới đưa vào sử dụng đã hư hỏng. Có như thế Bình Định mới mong hoàn thành tốt nhiệm vụ thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ.

Vũ Đình Thung

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!