T2, 06/07/2020 01:58

Nhanh chóng gỡ khó cho “tàu 67”

Chưa có đánh giá về bài viết

Là một trong những chính sách thiết thực đối với ngành thủy sản, Nghị định 67 được ban hành và được các địa phương triển khai đồng bộ; tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều con tàu đóng theo Nghị định này lại đang thua lỗ khiến ngư dân lao đao.

Theo đánh giá của UBND tỉnh Quảng Nam, những kết quả đạt được từ thực hiện các Nghị định 67, 89, 17 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản trong những năm qua đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương, tạo điều kiện giúp ngư dân vượt qua khó khăn, yên tâm bám biển phát triển sản xuất, đồng thời thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. 

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chính sách, đặc biệt là chính sách tín dụng vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế. Điển như hình việc một số chủ tàu cá vay vốn đóng mới theo Nghị định 67 hoạt động khai thác thủy sản không đạt hiệu quả, nhất là tàu hành nghề lưới rê hỗn hợp, tàu gặp sự cố như cháy, chìm, bị kiện tụng…; chính sách chuyển đổi, chuyển nhượng, việc kế thừa nghĩa vụ tài chính tín dụng đối với chủ tàu mới có nhiều trở ngại. Bên cạnh đó, một số ngư dân có tư tưởng trông chờ, ỷ lại, coi đây là nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước nên thiếu trách nhiệm trong việc trả nợ ngân hàng, mặc dù đang khai thác hải sản đạt hiệu quả, gây khó khăn cho các ngân hàng thương mại trong việc thu hồi vốn. Qua báo cáo của các ngân hàng thương mại, đến nay, trong tổng số 65 chủ tàu vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu trên địa bàn tỉnh thì có đến 20 chủ tàu trả nợ vay và lãi suất không đúng hạn, bị liệt kê vào danh sách “nợ xấu”. Riêng huyện Núi Thành có 6 – 7 chủ tàu nợ quá hạn; ngoài ra, nhiều chủ tàu chưa đến hạn trả nợ nhưng hoạt động cầm chừng cũng tiềm ẩn nguy cơ mất khả năng thanh toán chi trả vốn vay ngân hàng.

Nhiều tàu cá phải nằm bờ do hoạt động không hiệu quả – Ảnh: ST

Còn tại Thanh Hóa, theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh, trong số 58 tàu đóng theo Nghị định 67 đã có tới 30 tàu hoạt động hòa vốn, chiếm 51,7% (trong đó có 16 tàu khai thác, 14 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá). Tàu khai thác này hoạt động cầm chừng, sản lượng đạt thấp, giá trị không cao do ngư trường chưa mở rộng, nguồn lợi thủy sản suy giảm. Tàu dịch vụ hậu cần nghề cá hoạt động cầm chừng do liên kết sản xuất trên biển không thường xuyên, nguồn cung sản phẩm thiếu ổn định dẫn đến hiệu quả chưa cao. Nguyên nhân khiến các tàu 67 thua lỗ được ngành nông nghiệp Thanh Hóa nhận định là do thời tiết diễn biến thất thường, ngư trường khai thác hẹp, chủ yếu ở vùng biển Vịnh Bắc Bộ; hải sản giá trị cao ngày càng khan hiếm, giá nhiên liệu tăng cao. Bên cạnh đó, thời gian đầu, một số chủ tàu cá vỏ thép khi đưa tàu vào khai thác gặp trục trặc ở một số bộ phận như máy phát điện, tăng gông, hầm bảo quản sản phẩm. Chủ tàu đã phối hợp với các cơ sở đóng tàu để khắc phục và mất nhiều thời gian nên hoạt động khai thác bị ảnh hưởng đáng kể.

Khi khai thác không hiệu quả, cộng với việc tàu cá hết hạn bảo hiểm mà không được mua được bảo hiểm mới cũng đang là gánh nặng của rất nhiều ngư dân. Thống kê của Sở NN&PTNT Bình Định, có 29 tàu đóng mới theo Nghị định 67 đã hết hạn nhưng chưa mua được bảo hiểm, không thể vươn khơi đánh bắt, nhiều tàu vỏ thép với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng đang vật vã nằm bờ. 

Ông Đinh Công Khánh (xã Cát Khánh, huyện Phù Cát) chủ tàu cá BĐ 99086 TS cho biết, tháng 7/2019, tàu BĐ 99086 TS hết bảo hiểm, nhưng khi đến Công ty bảo hiểm Pjico chi nhánh Bình Định để mua bảo hiểm cho con tàu lại bất thành. Cùng với tàu của ông Khánh, còn rất nhiều tàu cá khác như: BĐ 99169 TS (chủ tàu Nguyễn Ngọc Châu), BĐ 99160 TS (chủ tàu Thái Văn Duyệt), BĐ 99168 TS (chủ tàu Lê Ngô Hát)… cũng đang neo tại cảng Đề Gi do bị bảo hiểm từ chối. 

Trước tình hình này, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã yêu cầu Sở NNPTNT đánh giá toàn diện hiệu quả thực hiện Nghị định 67 trong thời gian vừa qua; đồng thời, tham mưu UBND tỉnh văn bản kiến nghị Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính để báo cáo, đề xuất Chính phủ điều chỉnh mức hỗ trợ đối với các tàu cá vay vốn, đóng mới theo Nghị định 67 với mức phí 90% kinh phí mua bảo hiểm. Ngoài ra, đề xuất để UBND tỉnh tiếp tục kiến nghị Tổng Công ty Bảo hiểm Pjico sớm có ý kiến về việc bán bảo hiểm cho tàu cá của ngư dân địa phương.

>> Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường: Trong tháng 12 này, Chính phủ sẽ chỉ đạo tổng kết tất cả 28 tỉnh, thành để đưa ra các quyết sách riêng. Chúng ta vẫn phải xây dựng, hoàn thiện những cơ chế, chính sách để khuyến khích ngư dân, còn phương thức gì không phù hợp, chính sách gì không phù hợp kiên quyết loại ra.

Thiên Bình

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!