Nhập khẩu bột cá của Trung Quốc tăng vọt từ châu Phi, châu Á

Chưa có đánh giá về bài viết

Nhập khẩu bột cá của Trung Quốc từ châu Phi đã tăng nhanh hơn trong thập kỷ qua so với bất kỳ nguồn cung nào khác; trong khi nhập khẩu từ châu Á đã tăng gấp 6 lần so với cùng kỳ, làm tăng mối lo ngại nước này đang thúc đẩy quá mức.

Theo số liệu Hải quan Trung Quốc, năm 2019, Trung Quốc nhập khẩu 95.000 tấn bột cá từ châu Phi, tăng 16% về khối lượng so với năm 2018. Trong khi đó, năm 2009, Trung Quốc chỉ nhập 13.200 tấn từ châu Phi.

Nhập khẩu bột cá từ châu Á tăng 4% so với cùng kỳ lên mức 251.000 tấn vào năm 2019. Năm 2009, Trung Quốc nhập khẩu 38.000 tấn từ châu Á.

Sự gia tăng nhập khẩu bột cá trong giai đoạn 2010 – 2019 của Trung Quốc thể hiện mức tăng 618% trong nhập khẩu hàng năm từ châu Phi và mức tăng 552% trong nhập khẩu hàng năm từ châu Á.


Dyhia Belhabid của Ecotrust Canada, một chuyên gia nghề cá ở Tây Phi, cho rằng xu hướng gia tăng nhập khẩu bột cá của Trung Quốc thật đáng sợ. Việc gia tăng nhập khẩu bột cá từ châu Phi trong đó có một nửa từ Mauritania cho thấy sự coi thường các vấn đề an ninh lương thực, đặc biệt đối với một mặt hàng chủ lực trong khu vực. Các tổ chức phi chính phủ tuyên bố, Trung Quốc là nhà nhập khẩu bột cá lớn nhất thế giới, nhập khẩu 1,41 triệu tấn bột cá trong năm 2019, trị giá 1,97 tỷ USD, đang góp phần thúc đẩy tình trạng đánh bắt quá mức và mất an ninh lương thực ở các nước thứ 3.

Theo Sustainable Fisheries Partnership, một tổ chức phi chính phủ, hiện tại nghề cá ở châu Phi hay châu Á chưa được chứng nhận bền vững theo tiêu chuẩn của các tổ chức bền vững quốc tế IFFO RS và Hội đồng Quản lý hàng hải. Ngược lại, ở châu Âu, các công ty thức ăn thủy sản lớn yêu cầu bột cá họ sử dụng là sản phẩm được sản xuất từ nghề cá bền vững được chứng nhận.

Trung Quốc cần nhiều bột cá hơn để nuôi heo con và cá – đây là lĩnh vực tiêu thụ chính bột cá, một thành phần trong thức ăn chăn nuôi – khi nhu cầu đối với thịt và cá nuôi tăng trưởng song song.

Jean Francois-Mittaine, một nhà phân tích trong ngành thủy sản cho biết, các nhà nhập khẩu Trung Quốc hiện tại cũng đã chuyển hướng sang các nhà cung cấp mới do sự biến động nguồn cung ở Mỹ Latinh. Một năm tồi tệ cho nghề đánh bắt cá cơm ở Peru do nhiều yếu tố, trong đó có sự ảnh hưởng của Elnino… Do đó, các nhà nhập khẩu Trung Quốc đã thiết lập liên kết với nhà cung cấp ở các quốc gia khác, sau đó họ duy trì, liên kết với đối tác mới.

Trong khi, giá bột cá toàn cầu tăng dài hạn khuyến khích ngư dân bán một phần lớn sản lượng đánh bắt của họ cho các nhà máy bột cá địa phương.Do đó, trong năm 2009, Trung Quốc chỉ nhập khẩu 15% bột cá từ bên ngoài châu Mỹ Latinh, tuy nhiên, trong năm 2019, tỷ lệ này đã tăng lên 35%.


Maggie Xu, Giám đốc thị trường Trung Quốc tại IFFO cho biết, hiện Trung Quốc có “các yêu cầu nghiêm ngặt” đối với an toàn và truy xuất nguồn gốc của bột cá nhập khẩu. Theo Maggie Xu: “Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc cấp giấy phép nhập khẩu cho tất cả các nhà nhập khẩu sản phẩm bột cá và một trong những tài liệu bắt buộc là giấy chứng nhận bán hàng tự do chính thức tại nước xuất xứ. Giấy chứng nhận này yêu cầu bột cá nhập khẩu đáp ứng các tiêu chuẩn địa phương tại nước xuất xứ”.

Theo Hải quan Trung Quốc, mặc dù tăng trưởng sản xuất thức ăn chăn nuôi của Trung Quốc đã chậm lại, giảm 3% về khối lượng và 11% về giá trị so với năm 2018, song Trung Quốc dự kiến ​​sẽ tiếp tục nhập khẩu lượng lớn bột cá.

“Nhập khẩu bột cá là việc cần thiết của Trung Quốc để đáp ứng khoảng cách giữa cung và cầu trong ngành thức ăn. Ngành công nghiệp thức ăn chăn nuôi Trung Quốc phải xem xét các nhà cung cấp thay thế bột cá ở châu Phi và châu Á”, Maggie Xu nói thêm.

Tuấn Kiệt

Undercurrentnews

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!