Nhiều bất cập trong sản xuất giống

Chưa có đánh giá về bài viết

Ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam những năm gần đây vẫn gặp nhiều khó khăn. Một trong những nguyên nhân được chỉ tên là do chất lượng con giống chưa đảm bảo.

chuyên trang có sự phối hợp của vụ nuôi trồng thủy sản - tổng cục thủy sản

Tôm nước lợ

Mỗi năm nước ta cần 100 tỷ tôm thẻ chân trắng PL12 và 30 tỷ tôm sú PL15. Để sản xuất đủ số lượng giống nói trên cần 180.000 tôm thẻ chân trắng bố mẹ và 30.000 tôm sú bố mẹ. Tuy nhiên, Việt Nam chưa chủ động được nguồn giống tôm bố mẹ. Với tôm sú chủ yếu được đánh bắt từ tự nhiên, nhập nội và sản xuất nhân tạo trong nước. TTCT nhập từ các nước như Mỹ, Singapore, Indonesia và Thái Lan. Theo Vụ Nuôi trồng Thủy sản, năm 2013, Việt Nam nhập 230.000 con TTCT bố mẹ, năm 2014 nhập 264.388 con, năm 2015 là 187.000 con và 5 tháng đầu năm 2016 trên 60.000 con.

Tôm bố mẹ nhập khẩu vào Việt Nam đều được chứng nhận đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định, tuy nhiên tình trạng tôm bố mẹ chất lượng chưa ổn định vẫn xảy ra khá phổ biến, nhất là với TTCT. Bởi rất khó kiểm soát được chất lượng tôm bố mẹ từ nước xuất khẩu. Để giải quyết căn cơ vấn đề cần giải quyết bài toán sản xuất được tôm bố mẹ trong nước, thông qua nghiên cứu gia hóa và chọn giống tôm bố mẹ. Làm được điều này sẽ giảm lệ thuộc vào nguồn tôm nhập khẩu, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh về chất lượng, giá cả, góp phần phát triển nghề nuôi TTCT bền vững ở Việt Nam.

 

Cá tra

Theo thống kê, cả nước có 230 cơ sở sản xuất giống cá tra, trên 4.000 hộ ương dưỡng cá giống với diện tích trên 2.250 ha, sản xuất hơn 2 tỷ cá tra giống, đáp ứng đủ nhu cầu thả nuôi của người dân. Để nâng cao chất lượng cá tra giống, năm 2011 – 2012, Tổng cục Thủy sản đã giao cho Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II triển khai dự án Chuyển giao công nghệ sản xuất giống cá tra chất lượng di truyền cao về tính trạng tăng trưởng cho các tỉnh ĐBSCL; cung cấp 100.000 cá hậu bị để thay đổi toàn bộ đàn cá bố mẹ của các trại sinh sản bằng cá chọn giống và chuyển giao công nghệ sản xuất giống chất lượng cao cho các cơ sở đó. Đến nay, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II đã cung cấp cho các tỉnh khu vực ĐBSCL 101.000 cá tra bố mẹ chọn giống, tham gia sinh sản, cho kết quả tốt. Tuy nhiên, số lượng này chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu sản xuất của người nuôi, phần lớn nguồn cá bố mẹ đưa vào sản xuất vẫn được tuyển chọn từ đàn cá nuôi thương phẩm. Mặt khác, điều kiện sản xuất giống cá tra còn hạn chế, mang tính mùa vụ, không đầu tư nhiều, dẫn đến chất lượng giống giảm…

nhiều bất cập trong sản xuất giống

Ương nuôi cá tra giống – Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Do vậy, để đảm bảo chất lượng giống cá tra cần nâng cao năng lực của các cơ sở sản xuất giống ở địa phương. Cùng đó, có kế hoạch dài hơi hơn trong việc sản xuất, chọn lọc nguồn cá tra bố mẹ, tránh hiện tượng cận huyết.

 

Ngao (nghêu)

Thực tế hiện nay, nguồn ngao bố mẹ ngoài tự nhiên bị giảm nghiêm trọng cả về số lượng và chất lượng; vì trong nước chỉ đáp ứng 50% còn lại từ tự nhiên và nhập khẩu (từ Trung Quốc). Chất lượng giống nhập kém, sinh trưởng chậm đã ảnh hưởng lớn đến hiệu quả đầu tư của hộ nuôi. Liên quan đến vụ ngao chết hàng loạt trong thời gian qua, ở Quảng Ninh, người nuôi phản ánh hiện tại toàn bộ các tỉnh phía Bắc chưa có cơ sở nào cung cấp nguồn giống tốt nên người dân thường mua con giống từ Trung Quốc, không được kiểm soát, kiểm dịch, đánh giá chất lượng.

Để khắc phục hiện tượng này, cần có quy hoạch tổng thể ở tầm vĩ mô; cùng đó, các cơ quan nghiên cứu, cơ sở sản xuất khẩn trương nghiên cứu, lai tạo để nâng cao chất lượng và số lượng đàn ngao bố mẹ.

 

Cá rô phi

Theo nhiều đánh giá gần đây, giống cá rô phi của Việt Nam khá tốt, cá nuôi đạt trọng lượng 700 – 800 g/con sau 5 – 6 tháng nuôi, tỷ lệ fillet cao. Tuy vậy, cơ sở sản xuất giống cá tập trung, quy mô lớn, chất lượng tốt phục vụ nuôi thương phẩm còn ít, năng lực sản xuất giống cá rô phi của Việt Nam hiện vẫn thấp hơn nhu cầu nuôi, đặc biệt là nhu cầu thời vụ, nhất là giai đoạn đầu vụ ở phía Bắc. Vì vậy, giống cá rô phi hiện nay vẫn chủ yếu được nhập theo đường tiểu ngạch, không rõ nguồn gốc xuất xứ nhưng lại khá hợp thời vụ nên được nhiều người nuôi lựa chọn. Ngoài ra, nhiều cơ sở phải nhập đàn cá bố mẹ từ Trung Quốc hoặc Đài Loan về để sản xuất giống. Một số tỉnh, thành phố phía Nam có khoảng 70% đàn cá rô phi bố mẹ do cơ sở tự chọn từ đàn cá nuôi thương phẩm nên qua nhiều năm có dấu hiệu thoái hóa, dẫn đến chất lượng con giống kém, tốc độ sinh trưởng chậm.    

>> Hiện, các đơn vị sản xuất giống của các tỉnh trọng điểm còn phụ thuộc vào việc cung cấp đàn tôm, cá bố mẹ từ các đơn vị nghiên cứu trong nước, chưa chủ động phối hợp để có được đàn cá bố mẹ chất lượng cao để chủ động đáp ứng nhu cầu sản xuất của địa phương.

Nguyễn Nhung

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!