Nhiều chính sách phát triển con giống

Chưa có đánh giá về bài viết

Tôm là một trong những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn trong phát triển kinh tế của tỉnh Kiên Giang, địa phương đã có nhiều chính sách cho lĩnh vực này, nhất là về con giống.

Tăng cường quản lý

Toàn tỉnh có 25 cơ sở sản xuất giống tôm sú, 2 công ty sản xuất giống tôm thẻ chân trắng; 190 cơ sở ương, dưỡng giống tôm sú và 4 cơ sở ương, dưỡng giống tôm càng xanh. Sản xuất giống trong tỉnh ước đến tháng 8 đạt 1.236,6 triệu tôm giống (khoảng 16,7% nhu cầu), chủ yếu sản xuất từ Trung tâm Giống hải sản Phú Quốc (thuộc Công ty BIM – Hạ Long) và Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam – chi nhánh Kiên Giang.Tôm giống nhập tỉnh đã qua kiểm dịch ước 930,2 triệu con.

Căn cứ lịch thời vụ đã được ban hành đầu năm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã phối hợp tổ chức 2 đợt thanh tra, kiểm tra giống thủy sản trên địa bàn tỉnh. Kết quả kiểm tra trên 1 tỷ PL tôm giống nhập tỉnh; thu 33 mẫu tôm giống chưa qua kiểm dịch để xét nghiệm bệnh, có 23/33 mẫu nhiễm MBV, chiếm 69,7% (không phát hiện WSD và AHPND), buộc phải kiểm dịch 2.335 triệu PL. Xử phạt hành chính 66 trường hợp vi phạm với số tiền 150 triệu đồng. Cùng đó, thực hiện Quy chế phối hợp quản lý chất lượng tôm giống lưu hành với Chi cục Chăn nuôi và Thú y các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu và Ninh Thuận; đã kiểm dịch vận chuyển tôm giống vào Kiên Giang khoảng 2,9 tỷ PL.

Kiên giang phát triển giống tôm

Ngoài ra, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Kiên Giang đã kiểm dịch hơn 1,2 tỷ PL tôm giống sản xuất trong tỉnh lưu thông; đồng thời, có văn bản đề nghị cơ quan kiểm dịch các tỉnh cung cấp, trao đổi thông tin qua email các lô giống thủy sản vận chuyển vào Kiên Giang để phối hợp quản lý chặt chẽ giữa nơi đi – nơi đến theo điểm g, khoản 2, Điều 6 Thông tư số 26 của Bộ NN&PTNT quy định về kiểm dịch thủy sản, sản phẩm động vật thủy sản. 

 Gỡ khó

Theo Nghị định số 66/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định điều kiện đầu tư kinh doanh về bảo vệ và kiểm dịch thực vật; giống cây trồng; nuôi động vật rừng thông thường; chăn nuôi; thủy sản; thực phẩm (Nghị định 66); thì đối với cán bộ phụ trách kỹ thuật cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ phải có chuyên môn đại học nuôi trồng thủy sản trở lên, trong khi các cơ sở kinh doanh, ương dưỡng giống thì không yêu cầu bất cứ giấy tờ gì chứng minh về chuyên môn kỹ thuật. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng các cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ khó đạt yêu cầu về bằng cấp chuyên môn (vì hầu hết khá lớn tuổi, không có thời gian để theo học tiếp từ trung cấp lên đại học) trong khi kinh nghiệm thực tế có nhiều.

Ngược lại, đối với các cơ sở kinh doanh, ương dưỡng tôm giống, nếu người phụ trách kỹ thuật không có chuyên môn thì vấn đề về chăm sóc, nuôi dưỡng con giống; an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường rất đáng lo ngại. Vì vậy, đề nghị Bộ NN&PTNT trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 66 phù hợp với tình hình thực tế hơn, vừa giúp người dân có điều kiện chấp hành tốt các quy định pháp luật, vừa đảm bảo mục tiêu quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này tại địa phương.

Mặt khác, hiện nay việc quản lý chất lượng con giống tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, ương dưỡng con giống phục vụ nội tỉnh còn bất cập. Theo các văn bản hiện hành, đối với các cơ sở này, Chi cục Thủy sản chỉ kiểm tra, đánh giá, xếp loại theo Thông tư 45, còn việc xuất bán con giống không cần phải khai báo và được cấp chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y. Điều này dẫn đến rất khó kiểm soát về nguồn gốc và chất lượng con giống khi đến tay người dân thả nuôi. Vì vậy, sẽ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn dịch bệnh rất lớn trong trường hợp này xuất phát từ khâu quản lý chưa được chặt chẽ.

Ngoài ra, theo Thông tư số 26/2013/TT-BNNPTNT ngày 22/5/2013 về quản lý giống thủy sản có quy định chỉ được kiểm tra chất lượng giống thủy sản trong sản xuất kinh doanh khi có nghi vấn. Điều này cũng gây khó khăn cho công tác quản lý chất lượng con giống thủy sản tại địa phương. Bên cạnh đó, cần có các quy định chặt chẽ, cụ thể hơn đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh tôm giống nhỏ lẻ, nhất là đối với các cơ sở không đảm bảo an toàn sinh học nhưng mua Nauplius hoặc Post (nhỏ) tôm thẻ chân trắng về ương lên giống để xuất bán cho người dân.

 Tính đến cuối tháng 8/2016, tôm nuôi nước lợ của Kiên Giang đã thả nuôi được 105.357 ha, đạt 102,6% kế hoạch; sản lượng 35.092 tấn, đạt 61,6% kế hoạch. Nhu cầu tôm giống năm 2016 ước 7,5 tỷ PL (trong đó: tôm sú 4,82 tỷ PL, tôm thẻ chân trắng 2,5 tỷ PL và tôm càng xanh 0,18 tỷ).

Bảo Bình

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!