Nhiều hoạt động “chờ” Nghị định 67/NĐ-CP

Chưa có đánh giá về bài viết

Ngày 25/8/2014, Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản chính thức có hiệu lực. Để Nghị định nhanh chóng đi vào cuộc sống, các tỉnh đã thực hiện nhiều hoạt động “đón đầu” rất thiết thực.

Tại Quảng Bình

Nhằm cụ thể hóa Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp, chính sách phát triển thủy sản, UBND tỉnh Quảng Bình đã cùng Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (SBIC) triển khai Chương trình hỗ trợ ngư dân đóng mới thí điểm tàu khai thác và dịch vụ khai thác hải sản vỏ thép. Theo đó, SBIC sẽ hỗ trợ ngư dân Tôn Thất Vỹ (huyện Bố Trạch) đóng 1 tàu dịch vụ thu mua kiêm khai thác thủy sản bằng nghề chụp mực, tàu dài 30,8 m, rộng 7,8 m; giá thành hơn 10,3 tỷ đồng; dự kiến tháng 9/2014 hạ thủy.

Để đón đầu và không bị động trong triển khai thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP, Sở NN&PTNT Quảng Bình đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn cấp huyện, xã đăng ký đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67, hướng dẫn các chủ cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu cá đăng ký kinh doanh, thuê nhân công đáp ứng yêu cầu về sản xuất kinh doanh có điều kiện theo nghị định 59/2005/NĐ-CP…

Mặt khác, để dần làm quen các bước triển khai Nghị định 67 và tạo điều kiện cho ngư dân tiếp cận vốn vay ngân hàng và tổ chức tín dụng, Chi cục đã chủ động phối hợp với các ngân hàng Agribank, Bảo Việt, BIDV tại Quảng Bình để ký kết thỏa thuận hợp tác cho ngư dân vay vốn phát triển khai thác thủy sản. Dự kiến, tháng 8 này, UBND tỉnh sẽ mở Hội nghị triển khai Nghị định 67 trên toàn tỉnh.

 

Ngư dân khai thác cá ngừ ở Trường Sa – Ảnh: Xuân Trường

Tại Phú Yên

Ngay sau khi Nghị định 67 được ban hành, tỉnh Phú Yên đã ngay lập tức bắt tay triển khai chính sách hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển. Trước tiên là việc triển khai mô hình thí điểm tổ chức sản xuất cá ngừ theo chuỗi giá trị.

Để chuẩn bị thực hiện đề án thí điểm, tỉnh Phú Yên đang vận động xây dựng mô hình liên kết từ khâu khai thác, bảo quản, thu mua, chế biến, xuất khẩu cá ngừ do Công ty CP Bá Hải liên kết với các chủ tàu khai thác cá ngừ trong tỉnh triển khai. Công ty có kế hoạch tổ chức liên kết với ngư dân thành lập 4 – 6 tổ, đội khai thác cá ngừ (40 – 50 tàu). Từ nay đến năm 2015, Công ty sẽ mua 3 tàu vỏ thép loại lớn (dài 36 m) để thu mua sản phẩm và làm dịch vụ hậu cần trực tiếp trên biển.

Ngư dân ở Phú Yên phấn khởi cho biết, Nghị định 67 của Chính phủ ra đời phù hợp với tình hình thực tế, đáp ứng nguyện vọng của ngư dân và hy vọng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả mỗi chuyến biển.

 

Tại Quảng Nam

Theo ông Nguyễn Văn Giỏi, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ Nguồn lợi thủy sản Quảng Nam, tỉnh đang chuẩn bị mọi điều kiện để ưu tiên đầu tư hai lĩnh vực là: Phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá và đóng mới tàu vỏ sắt.

Đây là hai vấn đề then chốt ảnh hưởng đến sự phát triển hiệu quả và bền vững nghề khai thác của Quảng Nam. Bởi hiện nay, việc tiêu thụ các sản phẩm của ngư dân trong tỉnh phụ thuộc vào các đầu nậu là những tiểu thương thu mua ngay tại các bãi biển. Và với nhiều lý do, ngư dân thường phải bán sản phẩm với giá do tư thương đề xuất nên rất bấp bênh.

Còn về tàu vỏ sắt, Quảng Nam cũng đang gặp nhiều khó khăn. Theo Chi cục Khai thác và Bảo vệ Nguồn lợi thủy sản, hiện nay địa phương vẫn chưa có cơ sở nào đảm nhận việc đóng tàu sắt. Hơn nữa, nguồn vốn đầu tư cho đóng mới tàu vỏ sắt sẽ lớn hơn rất nhiều so với tàu vỏ gỗ, chưa kể, việc sử dụng và điều khiển tàu vỏ gỗ vẫn là thói quen của ngư dân. Bởi thế, cần sớm có sự tập huấn, đào tạo cho ngư dân, nhất là với các thuyền trưởng, máy trưởng để sử dụng tàu vỏ sắt an toàn, hiệu quả, tránh bị động, lúng túng khi tiếp quản.

>> Sau khi Nghị định 67 được ban hành, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã đề xuất với Chính phủ gói tín dụng 3.000 tỷ đồng để hỗ trợ phát triển thủy sản. Tháng 6/2014, BIDV đã triển khai cho vay vốn lưu động với lãi suất 5%/năm hỗ trợ các chi phí khai thác, hậu cần, thu mua hải sản tại các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Khánh Hòa.

N. T

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!