Nhớ về đồng chí Đồng Sỹ Nguyên

Chưa có đánh giá về bài viết

Sinh thời, ông được biết đến là vị tướng tư lệnh Trường Sơn huyền thoại. Ông ra đi cũng là sự ra đi của người Đại biểu cuối cùng Quốc hội khóa đầu tiên (được bầu ngày 06/01/1946) chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ảnh minh họa (ST)

Chỉ hai nét khái quát ấy mà hôm nay nhìn lại, ông thực sự là một nhà quân sự xuất sắc, một nhà chính trị gạo cội  xuyên suốt nửa già thế kỷ XX của quân đội và nhân dân ta, một tấm gương hoạt động xuất sắc với tấm huy hiệu 80 năm của Đảng.

Nghe về ông và đọc biết về ông cũng khá nhiều, nhưng phần nào tôi quý ông, một con người ở bậc cha chú thì lại qua những tiếp xúc trực tiếp và những công việc ông đã làm, trong đó có những việc mà ngành thủy sản đã có được những ảnh hưởng từ chính ông trong thời kỳ bật dậy và phát triển.

Giữa năm 2004, một lần đi công tác các tỉnh Bắc miền Trung trong đoàn Chính phủ do Thủ tướng Phan Văn Khải dẫn đầu, tôi được đi cùng ông. Trong chuyến đi ấy, cùng với những buổi làm việc với lãnh đạo các tỉnh về công việc như nhiều chuyến làm việc định kỳ thường có, Thủ tướng giành thời gian đáng kể kiểm tra công việc hoàn tất đường Hồ Chí Minh trước khi đưa vào sử dụng. Là một người thực tiễn, lại tích lũy nhiều kinh nghiệm về Trường Sơn, trong đó có những đoạn mà con đường huyết mạch này đi qua, nên vị tướng lúc đã cao tuổi Đồng Sĩ Nguyên được mời tham gia đoàn. Những ý kiến của ông rất được đồng chí Thủ tướng tôn trọng. Tôi nhìn ông hàng ngày trong chuyến đi đó mà khâm phục một con người quắc thước, trầm tính mà lặn lội nhanh nhẹn tìm tòi rất trách nhiệm.

Nhớ lại, những năm đầu thập niên trước, có lúc ông đến Bộ Thủy sản tìm gặp chúng tôi nói chuyện về công việc. Câu chuyện thường chân tình và thoải mái. Cũng có lúc, với tôi, là những lời khuyên chân thành của một người đi trước từng trải. Quảng Bình quê ông không chỉ có rừng núi hang động đặc thù Trường Sơn mà cũng nổi tiếng về ngư dân gan dạ bám biển, về các sản phẩm truyền thống thơm đượm được nhiều nơi biết tới.Tôi muốn nhắc đến chi tiết này vì nó đọng lại trong tiềm thức của tôi về ông như một người hiểu sâu và có công lớn cho ngành khi thủy sản được Đảng và Nhà nước chủ trương xây dựng thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Chương trình 327 thời kỳ đó do ông chỉ đạo và đứng đầu (Quyết định số 327-CT ngày 15/9/1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng với tên gọi Một số chủ trương chính sách sử dụng đất trống đồi núi trọc, rừng, bãi bồi ven biển và mặt nước) có mục tiêu khá phổ quát về kinh tế xã hội tại nhiều vùng dân cư trải rộng theo đất nước, lại trong phạm vi rộng các loại hình hoạt động  lúc đó. Trong các loại hình hoạt động này, tận dụng mặt nước để nuôi trồng thủy sản được quan tâm mạnh, góp phần làm ra sản phẩm nuôi hàng hóa một thời và đặc biệt giúp giảm nghèo cho nhiều vùng dân cư hẻo lánh. Cũng có thể nói: Đây là tiền thân và cũng là một tiền đề để xây dựng nên Chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản 6 năm sau đó (năm 1998) và các chương trình mục tiêu xã hội khác, mà thủy sản đã tham gia như chương trình 135 chẳng hạn.

Chúng ta vừa kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống ngành thủy sản, chắc cũng nên thêm trong truyền thống cái tên Ba hai bảy mà hơn một phần tư thế kỷ trước đây mọi người hồ hởi tham gia. Bây giờ, nhìn lại đó như điểm sáng một thời trong công việc của ngành. Có lẽ cần phải khắc sâu trong chúng ta ký ức về điểm sáng đó mà nhớ đến cái thời đầu Đổi mới, nhớ đến công lao của ông, của một Đồng Sĩ Nguyên đã được nhắc tới như một vị tướng Trường Sơn huyền thoại, một lãnh đạo uy tín của Đảng và Nhà nước.

Tạ Quang Ngọc – Nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy sản

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!