T2, 06/07/2020 01:05

Nhu cầu nhập khẩu bạch tuộc chế biến của Pháp tăng

Chưa có đánh giá về bài viết

Là thị trường NK mực, bạch tuộc lớn thứ 11 trên thế giới, Pháp hiện đang là thị trường NK mực, bạch tuộc đơn lẻ lớn thứ 6 của Việt Nam, chiếm 1,4% tổng giá trị XK mặt hàng này của Việt Nam đi các thị trường.

Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, năm 2017, XK mực, bạch tuộc sang Pháp tốt với mức tăng trưởng 3 con số 134% đạt 8,7 triệu USD. Hai tháng đầu năm nay, XK mực, bạch tuộc sang Pháp đạt 1,1 triệu USD, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2017.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại Thế giới (ITC), NK mực, bạch tuộc của Pháp trong năm 2017 có xu hướng giảm so với năm 2016. Năm 2017, NK mặt hàng này của Pháp đạt 15.920 tấn, trị giá 68,7 triệu USD, giảm 46% về khối lượng và 43% về giá trị so với năm 2016. Tháng 1/2018, NK mực, bạch tuộc đạt 5,5 triệu USD, tăng 74,9% so với tháng 1/2017.

Năm 2017, Pháp tăng NK các sản phẩm mực chế biến; bạch tuộc tươi, ướp lạnh và chế biến, còn các sản phẩm khác đều giảm. Mực chế biến mã HS16 chiếm tỷ trọng lớn nhất 54% tổng khối lượng NK trong năm 2017, tăng 25% so với năm 2016. Tiếp đó, các sản phẩm mực nang và mực ống (mã HS 030749) chiếm tỷ trọng 25%, giảm 63,9% so với năm 2016. Bạch tuộc chế biến (chiếm tỷ trọng 13%) và bạch tuộc sống/tươi/ướp lạnh (chiếm 4,3%) tăng lần lượt 80,6% và 68% so với năm 2016.

Tây Ban Nha, Italy, Đức, Hà Lan và Bồ Đào Nha là 5 nguồn cung mực, bạch tuộc lớn nhất cho thị trường này trong năm 2017. Năm 2017, NK mực, bạch tuộc của Pháp giảm là do nguồn cung từ Tây Ban Nha thấp. Với tỷ trọng chiếm 50% tổng khối lượng NK mực, bạch tuộc của Pháp trong năm 2017, sự sụt giảm 22% nguồn cung từ Tây Ban Nha đã làm giảm NK của Pháp. Mặc dù đã tăng cường NK từ các nước như Italy, Đức nhưng Pháp vẫn không đủ bù đắp lại lượng sụt giảm nguồn cung từ Tây Ban Nha.

Bên cạnh đó, sản lượng khai thác mực, bạch tuộc trên thế giới trong trong năm 2017 thấp do đó đã đẩy giá lên cao và làm hạn chế nguồn cung cho thị trường Pháp.

Theo ITC, giá trung bình NK mực, bạch tuộc vào Pháp trong năm 2017 tăng so với năm 2016, đạt 4,3 USD/kg. Trong 5 nguồn cung lớn nhất, Tây Ban Nha là nước có giá trung bình NK thấp nhất 3,6 USD/kg. Đức là nguồn cung có giá trung bình NK thấp thứ 2 đạt 6 USD/kg. Giá trung bình NK từ Italy sang Pháp đạt 11 USD/kg. Hà Lan và Bồ Đào Nha có giá lần lượt 7,8 USD/kg và 8,6 USD/kg. Giá trung bình NK các sản phẩm mực, bạch tuộc của Việt Nam vào thị trường này tăng so với năm 2016 đạt 7,5 USD/kg.

Pháp được đánh giá là một trong những thị trường ưa chuộng NK sản phẩm thủy sản cao cấp, mức tiêu thụ thủy sản bình quân đầu người cao, sản xuất và khai thác thủy sản trong nước không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ.

Vấn đề giá cả không phải là mối quan tâm lớn nhất của khách hàng Pháp, cung ứng ổn định các sản phẩm chế biến, giá trị gia tăng, chất lượng tốt mới là mối lưu tâm của thị trường này. Đáp ứng được thị hiếu và nhu cầu đó thì Pháp vẫn là thị trường tiềm năng trong thời gian tới cho các DN XK mực, bạch tuộc.

Kim Thu

Vasep

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!