Nhức nhối ô nhiễm do chế biến hải sản

Chưa có đánh giá về bài viết

Nhiều năm gần đây, người dân sinh sống trên địa bàn các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc (Nghệ An)… ngày ngày phải sống chung với ô nhiễm do các cơ sở sản xuất, chế biến hải sản gây ra.

Dù đã có những động thái tác động nhất định từ chính quyền địa phương cũng như các cơ quan chức năng liên quan nhưng thực trạng này vẫn chưa được cải thiện…

 

Đua nhau hủy hoại môi trường

Làng nghề chế biến hải sản Ngọc Văn được xây dựng ở xã Diễn Ngọc (Diễn Châu, Nghệ An) vào năm 2008.

Để đảm bảo an toàn vệ sinh và không tác động xấu đến môi trường trong quá trình hoạt động, UBND huyện Diễn Châu đã yêu cầu các cơ sở trong làng nghề phải thực hiện cam kết xử lý nước thải trước khi xả ra khu vực sông Đào thuộc Cảng cá Lạch Vạn. Nhưng thực tế lại hoàn toàn trái ngược. Gần 7 năm qua, chưa bao giờ tình trạng ô nhiễm được khắc phục, hệ quả là dân cư sống lân cận đang phải lãnh đủ.

Trên thực tế, biện pháp xử lý nước thải trước khi cho ra bể chứa vẫn được các đơn vị thực hiện nhưng với hình thức “làm cho có”.

Theo phản ánh của bà Đặng Thị Bảy (xóm Ngọc Văn, cách bể lọc nước khoảng 50 m) thì hầu hết các DN chế biển hải sản ở đây đều không tuân thủ theo đúng quy trình, chỉ xử lý qua loa đại khái, nên môi trường ngày một bị xâm hại nặng nề: “Quanh năm suốt tháng nhà tôi bị tra tấn bởi mùi hôi thối không thể nào chịu được. Không chỉ gia đình tôi mà nhiều hộ khác cũng cực kỳ bức xúc, đã nhiều lần viết đơn gửi lên các cấp có thẩm quyền nhưng mãi vẫn chưa thấy xử lý”.

Nhức nhối ô nhiễm do chế biến hải sản 

Bể chứa nước tập trung ở làng nghề Ngọc Văn chứa đầy rác thải

Ông Phạm Văn Mĩnh, xóm trưởng xóm Ngọc Văn cũng rất ái ngại trước thực trạng này bởi trời nắng cũng như trời mưa, quanh khu vực này luôn bốc mùi hôi thối đến nhức óc. Trước kia đám trẻ còn kéo ra sông Đào tắm nhưng giờ thì chẳng đứa nào dám ra sông.

Theo ghi nhận của PV, tại bể xử lý nước thải của làng nghề chế biến Ngọc Văn có mùi rất kinh khủng. Không khó để nhận ra phía dưới dòng nước đen kịt là đầy đủ các loại tạp chất, từ túi bóng, bao bì, đến xác động vật… đều có.

Đã thế bể chứa lại lộ thiên nên hôm nào trời nắng nóng là y như rằng người dân lại khổ sở bởi đủ thứ mùi hối thối bốc ra. Nối liền với bể chứa là hệ thống cống nước dẫn thẳng ra khu vực sông Đào. Hệ thống này hiện đã xuống cấp nghiêm trọng, có nhiều chỗ bị vỡ khiến nước bẩn ngấm dần vào giếng nước của bà con quanh vùng.

Nhiều nhà kinh hãi không dám dùng nước sinh hoạt, họ đành “cắn răng” chi thêm tiền để mua nước sạch của nhà máy nước Diễn Châu.

Riêng khu vực Cảng cá Lạch Quèn, vốn là nơi neo đậu cho hàng trăm phương tiện đánh bắt của dân địa phương, do thường xuyên bị nước bẩn, rác thải “tấn công” nên dần dà cũng trở thành địa điểm ô nhiễm có tiếng.

 

Thiếu giải pháp đồng bộ

Thực trạng nói trên kéo dài gần chục năm nay nhưng chính quyền sở tại gần như bó tay. Đích thân ông Nguyễn Ngọc Vận, Phó chủ tịch xã Ngọc Văn cũng tỏ ra bi quan: Địa phương không đủ thẩm quyền để đưa ra quyết định đình chỉ hoạt động mà chỉ có thể thực hiện việc tuyên truyền, kêu gọi các đơn vị sản xuất nâng cao ý thức, trách nhiệm, thế nhưng vì lợi ích trước mắt nên họ vẫn làm ngơ.

01-41-14_2

Nhiều nhà máy xả thẳng ra khu vực sông Đào khiến cho cảng cá Lạch Vạn ngày càng ô nhiễm

Để hiểu rõ thêm tình hình, chúng tôi tìm đến gặp bà Lê Thị Sáu, chuyên viên Phòng TN&MT huyện Diễn Châu thì nhận được câu trả lời: Chủ các cơ sở ở làng nghề Ngọc Văn thiếu nghiêm túc trong quá trình xử lý nước thải, điều đó đã tác động xấu đến môi trường xung quanh, đặc biệt là gây nên ô nhiễm đối với sông Đào.

Hàng năm, các cơ quan chức năng cũng tiến hành kiểm tra và đưa ra mức xử phạt vì không thực hiện quá trình quan trắc, giám sát môi trường theo quy định, nhưng đâu rồi lại vào đấy. Tuân thủ được một thời gian là các cơ sở lại tái phạm.

Theo lời một lãnh đạo của Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Nghệ An: Để giải quyết vấn đề này, tỉnh đã có quyết định cho phép lập dự án đầu tư xây hệ thống xử lý chất thải tại làng nghề chế biến thủy hải sản Ngọc Văn, do Sở TN&MT làm chủ đầu tư.

Dự án có tổng mức đầu tư lên đến 73 tỷ đồng, nguồn vốn chủ yếu là ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, đến nay nguồn vốn chưa… được giải ngân?

Không chỉ riêng xã Diễn Ngọc, tình hình ô nhiễm nước thải từ các cơ sở chế biến, sản xuất hải sản cũng đang diễn ra ở xã Quỳnh Thuận (Quỳnh Lưu), trong đó nhà máy chế biến bột cá Hải An là cơ sở gây ra nỗi bức xúc của dân quanh vùng nhiều nhất.

Mặt khác, trên địa bàn huyện Nghi Lộc cũng có 2 đơn vị là Công ty Chế biến thủy hải sản đông lạnh Hải An và Công ty Minh Thái Sơn nằm trong Khu công nghiệp Nam Cấm cũng là “điểm đen” mà dân địa phương đề nghị cần phải di dời khẩn cấp.

PV

Báo Nông nghiệp Việt Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!