Những bước tiến của nuôi trồng thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

Trong điều kiện nguồn hải sản tự nhiên không thể gia tăng thì hoạt động nuôi trồng thủy sản (NTTS) chính là nguồn cung cho tương lai. NTTS Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển. Tuy nhiên, để hiệu quả và bền vững, ngành cần phải vượt qua nhiều thách thức phía trước.


Thời gian qua, nhiều mô hình nuôi tôm công nghệ cao đã đạt kết quả tốt Ảnh: Thanh Cường

Những kết quả tích cực

Hơn 10 năm qua, ngành NTTS của Việt Nam đã phát triển mạnh và hiện nay Việt Nam là một trong những quốc gia sản xuất thủy sản lớn trên thế giới. Ngành NTTS trở thành một phần quan trọng trong nền kinh tế và sự phát triển gần đây đã giúp cải thiện sinh kế cho người nông dân trên cả nước.

Năm 2018, về cơ bản ngành đã hoàn thành kế hoạch đề ra. Tổng sản lượng ước đạt trên 7,5 triệu tấn, trong đó, sản lượng NTTS ước đạt hơn 4,15 triệu tấn, tăng khoảng 8,3%. Sản lượng của 2 mặt hàng xuất khẩu chính là tôm, cá tra đều duy trì tốc độ tăng trưởng khá, đặc biệt là mặt hàng cá tra đã cơ bản ổn định chuỗi sản xuất hiệu quả.

Cũng trong năm 2018, lĩnh vực NTTS đã có những thành công nhất định khi kiểm soát tốt chất lượng tôm giống thông qua việc tổ chức thí điểm ký Quy chế phối hợp quản lý giống tôm nước lợ giữa các địa phương sản xuất tôm giống và nuôi tôm trọng điểm. Diện tích NTTS ứng dụng công nghệ cao, nhất là nuôi tôm thẻ chân trắng tăng đáng kể. Đã có 11 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 2 doanh nghiệp Công ty Trúc Anh (Bạc Liêu) và Công ty Đắc Lộc (Phú Yên) được công nhận tiến bộ khoa học kỹ thuật với quy trình nuôi tôm thâm canh 2 giai đoạn. Các tiến bộ khoa học kỹ thuật khác cũng được ứng dụng như hệ thống sông trong ao (river in pond) trong nuôi cá rô phi của Công ty Xuyên Việt (Hải Dương). Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý, giám sát NTTS cũng tăng lên đáng kể. Ngoài ra, việc quản lý môi trường trong NTTS được thực hiện nghiêm ngặt hơn. Đồng thời, công tác quản lý vật tư đầu vào đã được tăng cường từ Trung ương đến địa phương…

Mục tiêu xa hơn

Để duy trì đà tăng trưởng, phát huy lợi thế của ngành đạt những kết quả trên là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ, đồng chí Bộ trưởng, các bộ/ngành liên quan, cùng sự vào cuộc mạnh mẽ của các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và người dân. Sự vào cuộc của cả hệ thống đã giúp cho ngành duy trì tốc độ tăng trưởng. Qua đó cho thấy, việc thực hiện kế hoạch tái cơ cấu của ngành, chương trình phát triển thủy sản bền vững… đã đi đúng hướng.

Năm 2019, Tổng cục Thủy sản sẽ tập trung triển khai đưa Luật Thủy sản 2017 vào cuộc sống, tiếp tục chỉ đạo sản xuất thủy sản bám sát định hướng phát triển tại Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020; Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủy sản đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, định hướng tái cơ cấu lĩnh vực thủy sản được phê duyệt tại Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 16/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017 – 2020; Chương trình mục tiêu phát triển thủy sản bền vững đến năm 2020; Các chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết về phát triển kinh tế – xã hội năm 2019.

Theo đó, ngành thủy sản đặt ra mục tiêu tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản (giá so sánh) 4,25% so 2018. Trong đó, tốc độ tăng giá trị sản xuất nuôi trồng 5,19%; tốc độ tăng giá trị sản xuất khai thác 2,72%.

Thuận lợi và thách thức

Kinh tế thế giới trên đà tăng trưởng trở lại, nhu cầu tiêu dùng dự báo tăng cao, trong đó có sản phẩm thủy sản; các hiệp định FTAs, CPTTP và EVFTA có liệu lực; mức thuế chống bán phá giá cá tra, tôm Việt Nam vào thị trường Mỹ giảm so với kết quả sơ bộ; Mỹ dự kiến đưa ra quyết định công nhận tương đương cho cá tra Việt Nam; năng lực chế biến và sản xuất các sản phẩm thủy sản giá trị gia tăng của Việt Nam ngày càng cao hơn; tái cơ cấu, sản xuất theo chuỗi, đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao; kinh nghiệm sản xuất, điều kiện môi trường thuận lợi… là những điều kiện thuận lợi để nuôi trồng và xuất khẩu thủy sản tỏa sáng trong thời gian tới.

Song để đạt mục tiêu đã đề ra và tăng trưởng bền vững, ngành cũng sẽ phải vượt qua rất nhiều khó khăn như: Tác động của biến đổi khí hậu diễn biến khó lường; quy mô sản xuất nhỏ lẻ vẫn còn chiếm tỷ lệ cao; hạ tầng nhiều vùng nuôi chưa được đầu tư theo yêu cầu; liên kết sản xuất và ứng dụng khoa học công nghệ còn chậm; nguồn bố mẹ thủy sản có chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất; công tác quản lý vật tư đầu vào chưa được thực hiện đồng bộ ở một số địa phương; và rào cản ở một số thị trường…

Cùng đó, kiểm soát tốt môi trường và quy trình NTTS, cụ thể là chất lượng nguồn nước, con giống, dư lượng kháng sinh, dịch bệnh nhằm đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, hệ thống thủy lợi, điện phục vụ cho phát triển thủy sản. Tăng cường công tác cảnh báo môi trường, phòng ngừa dịch bệnh để hạn chế rủi ro cho người nuôi và môi trường. Áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến để giảm giá thành sản xuất, giảm rủi ro, đảm bảo chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc. Đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao, công nghệ 4.0 vào quá trình sản xuất theo chuỗi giá trị.

Đồng thời cũng cần hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách nhằm thu hút nhiều hơn các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị trong ngành thủy sản. Hiện nay một số doanh nghiệp lớn vừa nuôi, vừa sản xuất giống, vừa có nhà máy chế biến… Tuy nhiên, tỷ lệ các doanh nghiệp đó vẫn thấp so với tổng thể ngành thủy sản, vì thế để đảm bảo đồng đều về mặt chất lượng sản phẩm, đảm bảo đủ về mặt số lượng để phục vụ cho chế biến xuất khẩu thì việc liên kết giữa các khu vực sản xuất lại với nhau là điều cần thiết. Có được liên kết giữa các khu vực thì việc đưa ứng dụng khoa học công nghệ vào mới thực sự hiệu quả cao về kinh tế. Từ đó, tổ chức truy xuất nguồn gốc tốt hơn, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay việc áp dụng các tiêu chuẩn cho xuất khẩu đang ngày càng gia tăng. Thực hiện các công đoạn này cũng đòi hỏi công khai minh bạch và quan trọng là cân đối lại các giá trị trong các thành phần chuỗi và đảm bảo hiệu quả để người dân yên tâm đầu tư sản xuất theo các tiêu chuẩn mà người tiêu dùng mong muốn. Ngoài ra, các cơ quan của chúng ta ở nước ngoài cần tìm hiểu, điều tra và hướng được ngành thủy sản tiếp cận thị trường nhanh nhất, tốt nhất và hiệu quả nhất.

 Xu hướng tiêu dùng thủy sản của thế giới đang thay đổi, ngày càng yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng và truy xuất nguồn gốc. Điều đó đòi hỏi ngành nuôi trồng và chế biến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam phải không ngừng nâng cao chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tuân thủ các quy tắc của thị trường nhập khẩu.

TS Trần Đình Luân - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!