Những bứt phá ngoạn mục của cổ phiếu thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

Ngành thủy sản đã vượt qua nhiều thách thức trong năm 2018 để mang về những kết quả khả quan. Trong đó, vai trò lớn nhất phải kể đến là cổ phiếu ngành thủy sản, khi thu hút được dòng vốn đầu tư vào chế biến xuất khẩu.


Năm 2018 ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ của cổ phiếu các doanh nghiệp mũi nhọn xuất khẩu, chế biến

Bừng sáng

Trong những tháng gần cuối năm, cổ phiếu ngành thủy sản trở nên mặt hàng rất “hot” hấp dẫn các nhà đầu tư và tạo ra một điểm sáng trên thị trường chứng khoán. Cổ phiếu các đại gia thủy sản như Vĩnh Hoàn, Hùng Vương, Sao Ta đều đồng loạt tăng trưởng 50 – 60% chỉ trong vòng 3 tháng.

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán chững lại trong năm 2018 thì việc cổ phiếu thủy sản được giá là hiện tượng khá đặc biệt, nhưng nó cũng phản ánh tính quy luật, đó là tăng trưởng của ngành vững chắc, các thị trường thủy sản được mở rộng, đem đến cái nhìn lạc quan cho các nhà đầu tư. Không chỉ cổ phiếu ngành tôm như Minh Phú mà cổ phiếu ngành cá tra của IDI, Navico (ANV), Cửu Long An Giang (ACL) cũng đều tăng trưởng rất tích cực. Điều đặc biệt thu hút sự quan tâm của giới đầu tư là vượt lên mọi sự đồn đoán, cổ phiếu của Hùng Vương (HVG) đã tăng mạnh lên 2,5 lần và nhiều phiên kịch trần đã cho thấy niềm tin của giới đầu tư và ngành thủy sản Việt Nam cũng như nỗ lực đáng ghi nhận của Hùng Vương cũng như các doanh nghiệp trong ngành.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 13/12/2018 tại 33.100 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu ACL của Công ty CP XNK Thủy sản Cửu Long An Giang đã tăng giá gấp 4 lần kể từ đầu năm, thậm chí có thời điểm, mức tăng giá lên đến gần 5 lần. Đây là kết quả của việc ACL có một năm kinh doanh cá tra đặc biệt thành công với lợi nhuận 9 tháng đầu năm tăng gấp 7 lần so cùng kỳ năm 2017.

Năm 2018 cũng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ của cổ phiếu các doanh nghiệp mũi nhọn xuất khẩu, chế biến. 3 cổ phiếu đạt tỷ suất sinh lợi trên 100% cho nhà đầu tư trong năm 2018 là CMX của Công ty CP Camimex Group, ANV của Công ty CP Thủy sản Nam Việt và VHC của Công ty CP Vĩnh Hoàn. Cổ phiếu MPC của Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, ABT của Công ty CP XNK Thủy sản Bến Tre, FMC của Công ty CP Thực phẩm Sao Ta và AAM của Công ty CP Thủy sản Mê Kông đem lại tỷ suất sinh lời lớn cho nhà đầu tư.

Cần nguồn vốn đầu tư

Các chuyên gia nhận định, ngoài việc ngành thủy sản Việt Nam tăng trưởng về sản lượng và thị trường thì diễn biến tăng giá của đồng USD so với VND cũng giúp cho các nhà xuất khẩu Việt Nam khởi sắc. Ngành công nghiệp cá tra có thể đạt được bước tăng trưởng đột phá trong năm 2018, với giá trị xuất khẩu vượt quá 2 tỷ USD. Khả năng kim ngạch ngành thủy sản trong năm 2018 sẽ đạt trên 9 tỷ USD, có thể chưa đạt kỳ vọng, nhưng việc ngành thủy sản giữ mức phát triển vững chắc nhiều năm liền đã tạo ra niềm tin cho các nhà đầu tư. Sản phẩm tôm vào Mỹ sẽ được giảm mức thuế chống bán phá giá, thuế cá tra vào Mỹ cũng giảm mạnh. 

Trong 11 doanh nghiệp thủy sản chỉ có Công ty CP Thực Phẩm Sao Ta và Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia IDI báo lãi sau thuế quý III/2018 giảm nhẹ so cùng kỳ năm trước. Những doanh nghiệp còn lại đều có mức tăng trưởng dao động từ 30% đến 1.144%. Vĩnh Hoàn (VHC) dẫn đầu lợi nhuận sau thuế trong quý III/2018 với 690 tỷ đồng, tăng 260%. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận sau thuế thu về 1.036 tỷ đồng, cao hơn cùng kỳ 153% và vượt 67% kế hoạch năm. Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) với lãi sau thuế 271 tỷ đồng, tăng 30%.

Theo ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, chế biến xuất khẩu tôm của Việt Nam trong 2019 và những năm tới sẽ vẫn cho lợi nhuận rất lớn. Mức lợi nhuận trong 10 năm tới ước tính duy trì 20 – 30% nếu có được nguồn đầu tư ổn định. Vấn đề của Minh Phú là rất cần các nhà đầu tư lớn để tiếp tục chiếm lĩnh, mở rộng thị trường, duy trì lợi nhuận ở mức 30%/năm.

Lĩnh vực cá tra, một mặt hàng thủy sản xuất khẩu gặp nhiều khó khăn trong mấy năm vừa qua đã phục hồi ngoạn mục trong năm 2018, khẳng định lại vị thế của mình. Bởi, cá tra vẫn là một sản phẩm thủy sản có mức giá phù hợp và hương vị hấp dẫn với rất nhiều thị trường và rất được ưa chuộng. Trong khi xu hướng đánh bắt cá trong tự nhiên ngày càng suy giảm thì rõ ràng thị trường dành cho cá tra ngày càng mở rộng. Nhiều doanh nghiệp năm qua đã có sự phục hồi mạnh nhờ những tín hiệu tốt từ xuất khẩu cá tra; điển hình là Công ty CP Thủy sản Hùng Vương (HVG). Kết quả kinh doanh lạc quan trong quý III/2018, HVG có lợi nhuận sau thuế 373,1 tỷ đồng (trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 608,1 tỷ đồng).

Theo đánh giá, các doanh nghiệp của ngành thủy sản Việt Nam hiện nay đều rất cần các nguồn lực để phát triển lên tầm cao mới, khi quá trình hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được khẳng định. Chính sự thành công trong kinh doanh đã giúp ngành thủy sản huy động được nguồn đầu tư thông qua kênh cổ phiếu của mình. Song cũng chính việc chủ động đầu tư cho ngành thủy sản thông qua cổ phiếu của các doanh nghiệp lớn, làm ăn hiệu quả cũng giúp cho các nhà đầu tư có cơ hội chia sẻ lợi nhuận và thành công từ sự phát triển của ngành thủy sản Việt Nam trong năm 2018 và những năm tiếp theo. 

>> Hiệp định EVFTA giữa Việt Nam và 28 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), với cam kết rộng và cao nhất từ trước tới nay, đang thực hiện các quy trình cuối cùng trước khi ký chính thức được kỳ vọng sẽ thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường EU – một trong 2 thị trường lớn nhất của doanh nghiệp thủy sản; kéo theo đó, diễn biến thị trường cổ phiếu của nhóm hàng này cũng có nhiều biến động trong năm tới.

Nguyễn Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!