Những cái nhất của Thủy sản Việt Nam

Chưa có đánh giá về bài viết

Luôn đồng hành cùng ngành thủy sản Việt Nam, lắng nghe mỗi hơi thở, bám sát từng hoạt động của ngành, phản ánh kịp thời những khó khăn vướng mắc, chia sẻ thành công khi được mùa trúng giá…; Cùng điểm lại những cái “Nhất” Thủy sản Việt Nam đã thực hiện trong năm qua.

1. “Khách mời” ấn tượng nhất – “Một người “xưa nay hiếm”” (Số 21, ngày 1/11/2012): Nhân vật được nhắc đến trong bài viết không phải ai xa lạ, mà chính là nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản Nguyễn Hồng Cẩn, một chiến sĩ cách mạng yêu nước, người lãnh đạo tâm huyết với nghề, được coi là một trong những người có công đầu triển khai phát triển ngành thủy sản Việt Nam theo chủ trương đổi mới của Đảng. Không những vậy, ông còn là một trong những người đầu tiên đưa tôm sú vào nuôi công nghiệp ở Việt Nam và với những chính sách đổi mới sau đó, con tôm sú đã trở thành sản phẩm xuất khẩu quan trọng của ngành thủy sản Việt Nam. Cả đời sáng tạo và vượt khó, đến giờ ông vẫn đau đáu với nghề, mơ tôm cá nước mình đi khắp thế giới.

2. Bìa báo độc đáo nhất: Bìa báo số 12 (Ngày 16/6/2012): Chóng mặt vì Ethoxyquin: Hình ảnh vốc thức ăn thủy sản “chao đảo” không chỉ đại diện cho chủ đề thức ăn thủy sản của Tạp chí số này, mà sự “biến hóa” của nó như một minh chứng cho vấn đề giá thức ăn thủy sản đã và đang khiến người nuôi trồng thủy sản “hoa mắt”. Giá liên tục tăng cao, cả trong hoàn cảnh nuôi trồng triền miên khó, trong khi chất lượng không tỷ lệ thuận với giá. Không những vậy, với việc cho rằng tồn dư chất Ethoxyquin trong tôm nhập khẩu từ Việt Nam cao, trong năm qua, Nhật Bản tăng tần suất kiểm tra 100% dư lượng chất này với mức tiêu chuẩn ngặt nghèo 0,01 ppm. Lại thêm một gánh nặng nữa đè lên vai người nuôi, bởi chất lượng thức ăn như thế nào, có ảnh hưởng đến tôm nuôi hay không… nằm ngoài tầm kiểm soát của họ.

3. Bài viết được quan tâm nhất: “Doanh nghiệp sản xuất cầm chừng, công nhân “khát” việc” (Số 24, ngày 16/12/2012): Bài viết về tình cảnh hàng ngàn công nhân ngành thủy sản thất nghiệp, hậu quả của việc hàng loạt doanh nghiệp thủy sản thu hẹp kinh doanh, hoạt động cầm chừng, thậm chí phá sản vì thiếu vốn, thiếu nguyên liệu. Đây là hệ lụy của một năm đầy khó khăn của ngành thủy sản Việt Nam, đồng thời là kết quả tất yếu của ngành sau một thời gian dài phát triển “nóng”. Những người công nhân bị giảm việc đồng nghĩa giảm thu nhập, mất việc là mất đi nguồn sống, họ không biết bấu víu vào đâu khi mà trở về quê, chuyện mưu sinh cũng không hề đơn giản. Hơn nữa, đằng sau vấn đề này còn rất nhiều chuyện phải bàn. Đó là việc những người công nhân bị doanh nghiệp cắt xén quyền lợi, thậm chí là không có chế độ không phải chuyện hiếm. Nặng nề hơn, bố mẹ mất việc đã, đang và sẽ kéo theo hàng loạt trẻ em rơi vào cảnh thất học.

4. Ký sự dài nhất: Săn cá ngừ mùa biển động (8 kỳ, từ số 18 (ngày 1/10/2012) đến số 1 (ngày 1/1/2013)): Bài viết phản ánh về cuộc sống của những ngư dân bám biển và hành trình “săn cá ngừ” trên biển khơi đầy gian khó. Con cá ngừ đại dương đã trở thành thương hiệu mạnh của trong xuất khẩu thủy sản Việt Nam từ nhiều năm nay, nhưng cuộc đời những người kiếm được nó vẫn lam lũ. Cá ngày một ít đi, giá cá tăng không đuổi kịp giá dầu. Vàng câu ngày một dài, giờ đã tới 40 km, gấp đôi so với cách đây 10 năm. Chuyến câu cũng gấp đôi xưa. Một chuyến câu cá ngừ hiện nay thường dài 1 tháng, tổng chi 120 triệu đồng: dùng hết 3.500 – 4.000 lít dầu, cần khoảng 2 tấn cá mực làm mồi câu. Bình quân mỗi chuyến câu thu được 1,3 tấn cá, bạn thuyền được chia 4 triệu đồng, có chừng 15% chuyến câu bị lỗ.

5. Sự kiện được phản ánh đậm nhất: Dịch bệnh bùng phát trên tôm: Đây không còn đơn thuần là vấn đề mà dường như trở thành “vấn nạn”, hơn 100.776 ha diện tích nuôi tôm của cả nước bị dịch bệnh trong năm 2012, tăng hơn 3,2% so với năm 2011 (trong đó, riêng tôm sú là hơn 91.714 ha), thiệt hại trên hầu khắp các hình thức nuôi từ quảng canh đến công nghiệp, với đủ các bệnh trên cả tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Tôm chết ở nhiều giai đoạn, nhưng nghiêm trọng nhất là giai đoạn đầu thả nuôi. Chưa năm nào người nuôi tôm điêu đứng như thời gian qua, ước tính thiệt hại cả nước lên tới nhiều tỷ đồng. Nhằm khắc phục tình trạng này và để phục hồi sản xuất, các cơ quan, ban ngành cùng các chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước vào cuộc, nhưng nguyên nhân gây bệnh đến nay vẫn chưa được xác định rõ ràng. Điều này không chỉ khiến người dân hoang mang, mà còn làm cho việc phục hồi sản xuất gặp nhiều khó khăn.

6. Phóng sự ảnh ấn tượng nhất: Trại cá bên Hòn Một (Số 5, ngày 1/3/2012): Bài viết về Hợp tác xã thủy sản Trung Hải với 8 thành viên thành lập cái nghề “hên xui” bậc nhất – nuôi cá lồng bè trên biển. Theo ông Trần Quang Đức, Phó chủ nhiệm HTX: Nghề này không quá khó nhưng rất… hên xui, muốn làm phải có máu… liều”. Cái khó của nghề nuôi biển có nhiều: khó vay vốn, khó về giống, khó về môi trường, nước ven biển ngày càng “đỏng đảnh”, năm nào cũng “đánh úp” người nuôi đôi trận. Tuy nhiên, qua 5 năm, khu bè cá trên vịnh Nha Trang ở khu vực Hòn Một, P.Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang, Khánh Hòa đã gấp đôi so với khi mới thành lập (120 ô lồng), mỗi năm đưa ra thị trường 70 tấn cá sống, doanh thu 8 tỷ đồng/năm.

TSVN

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!