Những con số nhức nhối của ngành thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

9 tháng đầu năm nay, Việt Nam có 582 lô hàng thủy sản bị 38 nước trả về, trung bình mỗi doanh nghiệp 5 lô hàng bị trả về; có doanh nghiệp bị trả 70 lô hàng. Số hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm bị trả về tăng đến mức báo động.

Viễn cảnh xấu

Tại thị trường Mỹ, số lô hàng cá biển, tôm vi phạm chỉ tiêu kháng sinh là 35, tăng 6 lần so cả năm 2014. EU cảnh báo 27 lô hàng Việt Nam nhiễm kháng sinh; đã có văn bản nêu rõ 24 doanh nghiệp có thể phải áp dụng biện pháp kiểm tra nghiêm ngặt. Nhật Bản cảnh báo 27 lô hàng nhiễm kháng sinh, tăng 6 lô so cả năm 2014; số lô hàng bị cảnh báo chỉ tiêu kháng sinh cấm vượt ngưỡng cho phép tăng 2,5-3,7 lần so năm 2014. Nhật đã áp dụng chế độ kiểm tra chặt và có thể áp dụng biện pháp đình chỉ nhập khẩu nếu tình hình không cải thiện.

Australia cho biết sẽ ngừng nhập khẩu thủy sản Việt Nam nếu tỷ lệ vi phạm dư lượng kháng sinh tăng. 9 tháng đầu năm 2015, thị trường này đứng thứ 8 về nhập khẩu thủy sản Việt Nam và đã giảm so cùng kỳ năm trước là 24,5%.

Tổ chức Phát triển Công nghiệp (Liên hợp quốc) cho biết, tại 4 thị trường lớn EU, Mỹ, Nhật Bản, Australia, Việt Nam là một trong ba nước đứng đầu về số vụ bị từ chối nhập khẩu sản phẩm thủy sản giai đoạn 2006 – 2010. Tính trung bình trong giai đoạn này, mỗi năm Việt Nam thiệt hại hơn 14 triệu USD do hàng xuất khẩu thủy sản bị trả lại.

Như vậy, tính từ đầu năm 2014 đến tháng 9/2015, đã gần 32.000 tấn thủy sản Việt Nam bị trả về do không đảm bảo an toàn thực phẩm và trở thành nước có nhiều lô hàng xuất khẩu thủy sản bị cảnh báo và trả về do nhiễm kháng sinh, chứa mầm bệnh.

 Chưa có lời giải

Tại hội nghị “Kiểm soát an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu” tại TP Hồ Chí Minh cuối tháng 10 vừa qua, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản cho rằng hàng bị trả về chủ yếu do nguyên liệu không sạch.

Ông Hồ Quốc Lực, Tổng giám đốc Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng) than: “Chưa bao giờ môi trường ở ĐBSCL tệ như bây giờ. Hầu như sông ngòi nào cũng bị nhiễm chất thải. Đặc biệt con tôm, từ đầu năm đến nay nhiều loại dịch bệnh bùng phát; người nuôi buộc phải tăng lượng kháng sinh, thuốc thú y để giảm thiệt hại. Họ dùng thuốc kháng sinh ồ ạt, không kiểm soát, khiến hầu như doanh nghiệp nào mua cũng “dính” nguyên liệu bẩn”.

Phó Giám đốc Vùng 5, Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD) Nguyễn Khánh Vinh nhìn nhận, người nuôi còn sử dụng thuốc thú y không tuân thủ nguyên tắc bốn đúng (đúng thuốc, đúng liều, đúng lúc và đúng thời gian cách ly) nên tôm sau thu hoạch vẫn tồn dư thuốc thú y vượt mức cho phép; cùng đó, kiểm soát lưu thông thuốc thú y, chất xử lý, cải tạo môi trường trong nuôi trồng chưa liên tục, chặt chẽ, dẫn đến tình trạng mua bán, sử dụng chất cấm.Đồng quan điểm, ông Trần Văn Lĩnh, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, nói: “Kháng sinh bán tràn lan, cộng thêm tôm bệnh… nhưng không ai hỗ trợ nông dân. Dịch bệnh tôm xảy ra mấy năm nay nhưng vẫn chưa tìm được thuốc đặc hiệu phòng trị. Tỷ lệ nuôi tôm thành công ở Việt Nam chỉ 30-35%, trong khi Ấn Độ, Thái Lan trên 70%”.

 

Không thể chậm trễ

Theo ông Hồ Quốc Lực, hiện nay những doanh nghiệp kiểm soát được nguyên liệu thủy sản xuất khẩu là nhờ xây dựng vùng nuôi. Doanh nghiệp chủ động liên kết các hộ nuôi nhỏ lẻ thành tổ hợp tác, với vùng nuôi 50-70 ha, thực hiện tiêu chuẩn VietGAP. “Chúng tôi đã có 10 tổ hợp tác, qua đó kiểm soát được chất kháng sinh và còn tăng năng suất; dự kiến mở rộng diện tích vùng nguyên liệu theo phương thức này”, ông Lực nói.

Nhiều doanh nghiệp ở tỉnh Bạc Liêu nuôi tôm trong nhà kính, đạt năng suất 200 tấn/ha/năm, với ba vụ nuôi. Chia sẻ kinh nghiệm nuôi tôm sạch, ông Đặng Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Việt – Úc ở Bạc Liêu cho biết: “Không chỉ năng suất cao, con tôm còn phải đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe về vệ sinh an toàn, do quy trình nuôi không sử dụng kháng sinh, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào những thị trường khó tính nhất”.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám nhấn mạnh, để có thủy sản sạch, doanh nghiệp phải kiểm soát được nguồn nguyên liệu, liên kết xây dựng vùng nuôi. Bộ sẽ có chính sách khuyến khích phát triển phương thức sản xuất sạch của doanh nghiệp.Tuy nhiên, trước mắt, theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, phải xây dựng và triển khai một chương trình kiểm soát kháng sinh trong thủy sản. Thứ trưởng yêu cầu NAFIQAD, Cục Thú y nghiên cứu, đưa ra chế tài xử lý đơn vị cố ý vi phạm. “Đề nghị Cục Thú y, Tổng cục Thủy sản và các địa phương lập danh sách doanh nghiệp bị cảnh báo ở nước ngoài; từ đó phân loại và tăng tần suất kiểm tra đối với doanh nghiệp có nhiều lô hàng bị cảnh báo, trả về”, Thứ trưởng Tám chỉ đạo. Cùng đó, chính quyền địa phương cần khuyến khích người dân tố giác, cung cấp thông tin liên quan buôn lậu hóa chất kháng sinh, chất cấm.

 

>> Cục trưởng NAFIQAD Nguyễn Như Tiệp cho biết, hiện vẫn còn tình trạng doanh nghiệp lạm dụng kháng sinh để bảo quản; phần lớn những lô hàng bị cảnh báo dư chất kháng sinh do doanh nghiệp mua gom từ nhiều cơ sở nuôi nhỏ lẻ nên khó kiểm soát; nhiều doanh nghiệp có hệ thống tự kiểm soát nhưng hoạt động không hiệu quả, không ít chỉ mang tính hình thức.

 

Thanh Hải

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!