T2, 06/07/2020 01:45

Những kiến nghị thiết thực của ngư dân

Chưa có đánh giá về bài viết

Khai thác ngày một khó khăn, thế nhưng, ngư dân hiện còn gặp phải nhiều vấn đề về hạn ngạch, bởi những bất cập trong quy định này đang khiến ngư dân khó chồng khó.


Ngư dân gặp phải nhiều vấn đề về hạn ngạch

Vùng nào cũng khó

Ghi nhận tại Bình Định, địa phương đang có 723 tàu cá có công suất trên 90 CV nhưng chiều dài dưới 15 m, số tàu này không còn được đánh bắt xa khơi, mà phải hoạt động vùng lộng. Điều này đã làm dấy lên bức xúc của các chủ tàu, còn ngành chức năng thì lúng túng trong giải quyết.

Ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định, cho biết, theo quy định mới, tàu khai thác vùng khơi do Bộ NN&PTNT cấp hạn ngạch, còn vùng ven bờ và vùng lộng do UBND tỉnh cấp. Theo đó, Bộ đã cấp hạn ngạch cho 3.118 tàu cá của ngư dân Bình Định đánh bắt vùng khơi; tàu đánh bắt ven bờ và vùng lộng thì UBND tỉnh đã cấp hạn ngạch cho 2.997 tàu. “Việc cấp giấy phép cho tàu khai thác thủy sản trước đây được tính theo công suất, tàu trên 90 CV là được đánh bắt vùng khơi. Bây giờ thì tính theo chiều dài thân tàu, nên đối với các trường hợp tàu cá có công suất lớn nhưng chiều dài thân tàu không đáp ứng theo luật định là từ 15 m trở lên thì sau khi hết hạn giấy phép khai thác phải chuyển vào hoạt động trong vùng lộng. Với quy định này, hiện Bình Định đang gặp vướng là có 723 tàu có công suất trên 90 CV nhưng chiều dài thân tàu lại dưới 15 m, do đó số tàu này không được Bộ cấp hạn ngạch khai thác vùng khơi”, ông Phúc cho hay.

Còn ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định, các tàu hoạt động ở vùng khơi với các nghề như câu, vây, đánh bắt cá ngừ đại dương, nếu chuyển vào vùng lộng sẽ không phù hợp và không hiệu quả. Đặc biệt là rất lãng phí, bởi những tàu cá trên đã được đầu tư trang thiết bị và ngư lưới cụ để đánh bắt khơi xa. “Ngoài ra, các tàu này muốn chuyển đổi nghề hoặc chuyển đổi vùng khai thác cũng sẽ gặp khó bởi không có hạn ngạch giấy phép khai thác. Ngoài việc ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các tàu cá gây bức xúc cho ngư dân, đáng quan ngại nhất là làm ảnh hưởng đến sinh kế của hàng nghìn gia đình”, ông Hổ nói.

Ngư dân Huỳnh Chánh Thi, chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu cá BĐ 96475TS (xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn), bộc bạch: “Tàu của tôi có công suất đến 420 CV, nhưng chỉ dài 13,9 m, từ trước đến nay làm nghề câu cá ngừ đại dương ở các ngư trường xa khơi. Nay theo quy định mới, do chiều dài thân tàu không đủ tiêu chuẩn, buộc phải chuyển vào hoạt động trong vùng lộng. Nếu chấp hành theo quy định thì tôi phải chuyển nghề khác, chứ nghề câu cá ngừ đại dương mà hoạt động ở vùng lộng thì chẳng đánh bắt được bao nhiêu, thường xuyên lỗ tổn là cái chắc. Còn nếu nâng cấp, cải hoán tàu cho đủ chiều dài thì không được cấp phép. Quy định này khiến những chủ tàu cùng cảnh ngộ với tôi kẹt cứng. Mong ngành chức năng xem xét lại mở cho chúng tôi con đường sống”.

Cần thiết điều chỉnh

Một băn khoăn khác, hiện nay tàu hoạt động trong vùng lộng đã “chật cứng”, liệu nguồn lợi thủy sản vùng lộng có đáp ứng được số lượng tàu khai thác ngày càng tăng thêm hay không? Sản lượng khai thác của mỗi chuyến biển có đủ đảm bảo cuộc sống cho các thuyền viên đi bạn hay không? Nếu không đáp ứng đủ, các thuyền viên bỏ tàu, đi bạn cho tàu đánh bắt khơi xa khác thì chủ tàu đành neo tàu chứ hiện nay lao động nghề biển đang khan hiếm, rất khó kiếm được bạn tàu. “Điều làm chúng tôi đặc biệt lo lắng là từ trước đến nay hoạt động ở vùng khơi tàu của chúng tôi được hưởng chính sách hỗ trợ nhiên liệu của Nhà nước, nay hoạt động trong vùng lộng sẽ mất đứt khoản này, gây khó khăn cho chúng tôi không ít”, ngư dân Lê Thanh Hải, chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu cá BĐ 93603TS (xã Cát Tiến, huyện Phù Cát, Bình Định), trước nay làm nghề mành chụp kiêm câu cá ngừ đại dương khơi xa nay phải chuyển hoạt động vùng lộng bởi chiều dài thân tàu chỉ hơn 14 m, tâm sự.

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Ngãi công bố hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản; theo đó, giao Sở NN&PTNT được chủ động điều chỉnh tăng, giảm hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản tại vùng lộng và vùng ven bờ đối với các nghề thân thiện với môi trường (câu, vây, rê, hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản); riêng hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản của nghề lưới kéo khai thác tại vùng lộng chỉ được phép điều chỉnh giảm, đồng thời tăng hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản tương ứng đối với các nghề thân thiện với môi trường trong tổng số hạn ngạch đã được công bố…

Tỉnh Phú Yên cũng vừa có văn bản đề nghị Bộ NN&PTNT điều chỉnh hạn ngạch giấy phép khai thác hải sản vùng khơi cho tàu cá có chiều dài lớn nhất là 14,9 m trên địa bàn Phú Yên… Bởi do phong tục tập quán lâu nay của ngư dân vùng biển nên nhiều tàu cũ và đóng mới chỉ có chiều dài lớn nhất là 14,9 m và lâu này các tàu cá này vẫn hoạt động ở vùng biển khơi. Theo hồ sơ quản lý tàu cá của tỉnh, đến nay ở Phú Yên có 451 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên được Bộ NN&PTNT cấp hạn ngạch giấy phép khai thác hải sản vùng khơi và dịch vụ hậu cần cho khai thác thủy sản tại vùng khơi (thời gian cấp hạn ngạch ổn định là 60 tháng). Hiện, trên địa bàn tỉnh có 41 tàu cá có chiều dài lớn nhất là 14,9 m, nhưng do nhỏ hơn quy định nên chưa được cấp hạn ngạch khai thác tại vùng khơi. Nhằm tạo điều kiện cho ngư dân vươn khơi bám biển, nhiều ngư dân đã kiến nghị Bộ NN&PTNT có hướng điều chỉnh số tàu cá có chiều dài lớn nhất là 14,9 m hoặc cho phép và hướng dẫn cải hoán lại các tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 15 m thành từ 15 m trở lên để được cấp phép khai thác hải sản tại vùng khơi.

>> Theo quy định cũ, cả nước có khoảng 35.054 tàu cá công suất từ 90 CV trở lên hoạt động ở vùng khơi. Tuy nhiên, khi Luật Thủy sản 2017 và Nghị định 26 có hiệu lực, chỉ có 31.541 tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên được hoạt động tại vùng khơi (29.408 tàu khai thác và 2.133 tàu hậu cần).

Vũ Đình Thung – Ngọc Chung

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!