Những “kỹ sư chân đất”

Chưa có đánh giá về bài viết

Những năm qua, diện mạo nông thôn huyện Đầm Dơi ngày càng khởi sắc, chất lượng cuộc sống của người dân được cải thiện. Kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của hội viên nông dân, trong đó phải kể đến những mô hình hiệu quả, những sáng kiến cải tiến thiết thực của các “kỹ sư chân đất”.

Anh Nguyễn Hoàng Phong đang hướng dẫn việc sử dụng hầm khí biogas.

Với diện tích 2.400 m2 chia làm 2 ao, ông Nguyễn Thanh Hùng, ấp Tân Hiệp, xã Tân Dân thực hiện mô hình nuôi tôm công nghiệp trải bạt mang lại hiệu quả cao. Chỉ tính riêng năm 2017, ông thu hoạch được gần 35 tấn tôm, sau khi trừ hết chi phí, còn lãi gần 3 tỷ đồng.

So với cách nuôi truyền thống thì cách nuôi này tuy chi phí ban đầu có lớn, nhưng chí phi nuôi giảm xuống 50%, nhất là thức ăn, thuốc thú y thuỷ sản, tỷ lệ tôm đạt cao. Toàn huyện hiện có trên 600 hộ nuôi với diện tích trên 628 ha, năng suất đạt từ 20-50 tấn/ha/vụ.

Hiện nay, diện tích nuôi tôm siêu thâm canh phát triển nhưng việc cho tôm ăn dùng sức lao động tốn nhiều chi phí lại hiệu quả không cao. Sử dụng máy thì do đặc điểm ao đầm đôi khi các sản phẩm máy trên thị trường không phù hợp. Từ đó, ông Nguyễn Hoàng Bé, ấp Bàu Sen, xã Tân Duyệt đã cải tiến máy tự động cho tôm ăn.

Tuỳ theo diện tích ao nuôi mà khách hàng yêu cầu, ông Bé điều chỉnh khoảng cách phun thức ăn phù hợp. Điểm đặc biệt là đầu thanh quăng 4 nhánh ông cải tiến làm bằng composite nên khi tắt máy thì thanh quăng sẽ ngưng không còn tình trạng thức ăn rớt tại máy. Các trụ đỡ được làm bằng inox không chỉ sử dụng được lâu bền, chống rỉ sét, mà quan trọng hơn là giảm nhẹ sức kéo nên mô-tơ được thiết kế nhỏ hơn, vừa tiết kiệm điện, vừa gọn nhẹ hơn so với các sản phẩm cùng loại.

Chỉ tính riêng năm 2017, ông Bé đã bán trên 130 sản phẩm. Hiện nay, sản phẩm không chỉ tiêu thụ thị trường trong tỉnh mà còn được khách hàng các tỉnh Bạc Liêu, Kiên Giang… tin dùng. Giá khoảng 2,6 triệu đồng/sản phẩm.

Ông Nguyễn Hoàng Bé chia sẻ: “Tôi sẽ cố gắng cải tiến để sản phẩm ngày càng hoàn thiện hơn, đáp ứng tốt nhu cầu người nuôi tôm”.

Diện tích nuôi tôm siêu thâm canh trên địa bàn huyện đang phát triển mạnh, kéo theo đó là nguy cơ về ô nhiễm môi trường. Ông Nguyễn Hoàng Phong, ấp Tân Lợi A, xã Tạ An Khương Nam đến tận tỉnh Đồng Nai học hỏi kinh nghiệm làm túi khí biogas. Sau khi hoàn thành các ao nuôi tôm, ông xây dựng hầm khí biogas từ chất thải tôm nuôi nhằm giải quyết tốt vấn đề môi trường. Ông Phong đã dùng 3 bình chứa bằng chất liệu composite với dung tích mỗi bình 10 m3 âm dưới lòng đất, kết nối với ống dẫn đến các ao nuôi tôm siêu thâm canh. Nhờ áp dụng mô hình này nguồn nước và không khí ở khu vực nuôi tôm của gia đình ông Phong luôn đảm bảo. Đồng thời, ông còn có một lượng khí gas lớn sử dụng cho việc nấu ăn trong gia đình và chia sẻ cho các nhà lân cận.

Anh Mai Thành Nguyện, ấp Xóm Dừa, xã Quách Phẩm thực hiện hiện việc nuôi sò huyết xen canh trong vuông tôm có rào lưới 3 năm qua và mang lại hiệu quả khá. Mỗi ô từ 400-1.000 m2 anh rào 2 lớp lưới. Lớp thứ nhất bằng lưới mành, cao hơn mặt đất khoảng 2 tấc, ngăn không cho sò huyết bò đi. Lớp thứ 2 bằng lưới thưa, cách lớp lưới thứ nhất khoảng 0,5 tấc, cao hơn mặt nước trong vuông khoảng 2 tấc. Lớp lưới này có tác dụng ngăn không cho cua vào ăn sò huyết. Qua 3 vụ nuôi, năng suất đạt từ 20 tấn/ha trở lên. Điểm nổi bật của mô hình này là dễ thực hiện, thả với mật độ cao, phù hợp với những hộ gia đình ít đất, kỹ thuật đơn giản. Mô hình nuôi sò huyết trong vuông tôm nay đã được nhân rộng ra các xã trong huyện Đầm Dơi.

Từ năm 2012 đến nay, Hội Nông dân huyện phối hợp với các ngành có liên quan đăng ký theo danh mục các đề tài, dự án khoa học, công nghệ và ứng dụng 23 dự án sản xuất thử nghiệm khoa học, công nghệ được trên đầu tư 2,56 tỷ đồng.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đầm Dơi Huỳnh Hải Âu cho biết: “Những sáng kiến, mô hình hiệu quả được nhiều hội viên nông dân nhân rộng, phát triển góp phần rất lớn trong việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần mà còn đóng góp nguồn lực rất lớn trong phát triển kinh tế – xã hội của huyện. Bên cạnh đó, cho thấy nông dân của huyện luôn phát huy tốt tính năng động, sáng tạo trong sản xuất để khai thác hết tiềm năng đất đai làm giàu chính đáng”.

Thành Quốc

Báo Cà Mau

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!