Những mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả kinh tế cao tại huyện Tĩnh Gia

Chưa có đánh giá về bài viết

Nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị kinh tế cho nông dân, trong các năm 2015, 2016 và những tháng đầu năm 2017, huyện Tĩnh Gia đã phân bổ kinh phí hàng trăm triệu đồng để hỗ trợ xây dựng các mô hình phát triển sản xuất, mô hình liên kết sản xuất. Nhiều vùng đất khô cằn khó tưới đã cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha/năm nhờ phát triển thành công các mô hình trồng thanh long, dưa hấu, chăn nuôi…

Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng công nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao tại xã Trúc Lâm (Tĩnh Gia).

Ngay từ trước khi triển khai các mô hình sản xuất, UBND huyện đã giao phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn, trạm khuyến nông, hội làm vườn và trang trại huyện khảo sát điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, khả năng hợp tác của các hộ tham gia dự án để xây dựng phương án triển khai. Cùng với đó, các ngành liên quan của huyện cũng cử cán bộ chuyên trách trực tiếp theo dõi để cùng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, hướng dẫn các hộ dân thực hiện đúng quy trình kỹ thuật theo yêu cầu của dự án. Thống kê từ UBND huyện Tĩnh Gia, đến thời điểm hiện tại, nhiều mô hình trên địa bàn cho hiệu quả kinh tế cao, như: Trồng thanh long ruột đỏ tại 2 xã Nguyên Bình và Hải Nhân; trồng hoa tại 2 xã Hải Lĩnh và Ngọc Lĩnh; trồng gấc nguyên liệu tại 3 xã: Triêu Dương, Tân Trường và Phú Sơn… Nhiều mô hình do trạm khuyến nông huyện triển khai cũng mang lại hiệu quả kinh tế, điển hình như: Canh tác lúa cải tiến SRI tại các xã Tân Dân, Các Sơn, Hải An; nuôi gà thả vườn kết hợp đệm lót sinh học tại xã Phú Sơn; nuôi vịt trời thương phẩm tại xã Tân Dân; trồng rau an toàn tại xã Ngọc Lĩnh; liên kết trồng khoai tây tại các xã: Hải An, Hải Lĩnh, Hải Nhân, Hải Hòa…

Tại thôn Xuân Nguyên, xã Nguyên Bình, mô hình trồng dưa hấu và dưa vàng Kim hoàng hậu, với diện tích 2 ha đã tạo được bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp của địa phương. Địa điểm triển khai mô hình thuộc vùng đất bán sơn địa, khó khăn về nước tưới nên nhiều năm nay, nông dân địa phương chỉ canh tác được cây ngô chịu hạn nhưng năng suất không cao. Để có nguồn nước tưới, 4 hộ nông dân địa phương đã đầu tư giếng khoan, triển khai mô hình tưới bán tự động, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để chuyên canh dưa. Trong quá trình triển khai, Trạm Khuyến nông huyện Tĩnh Gia đã đứng ra ký hợp đồng với các hộ tham gia mô hình, thuê cán bộ kỹ thuật thường xuyên hướng dẫn các hộ canh tác theo đúng quy trình. Vụ dưa đầu tiên của năm 2017 đã được các hộ dân thu hoạch trong tháng 6 vừa qua, với năng suất trung bình 20,4 tấn quả/ha. Anh Lê Trọng Dũng, một trong những hộ tham gia mô hình chuyên canh dưa ở đây, cho biết: Trên  vùng đất khô cằn này, gia đình tôi đã trồng nhiều loại cây nhưng đều không mấy hiệu quả kinh tế. Từ năm 2016, được sự hỗ trợ từ UBND huyện và trung tâm khuyến nông huyện, các gia đình đã mạnh dạn chuyển sang trồng dưa áp dụng màng phủ nông nghiệp, tưới tự động. Sau 3 tháng tuân thủ đúng quy trình canh tác, hiệu quả của các ruộng dưa đem lại khiến bà con bất ngờ. Với giá bán trung bình từ 25.000 đồng đến 30.000 đồng/kg, mỗi sào dưa đem lại thu nhập gần 6 triệu đồng, tương đương gần 120 triệu đồng/ha/vụ. Quan trọng hơn, việc canh tác áp dụng nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật đã làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của người dân trong vùng. Được biết, mô hình trồng dưa này đã được nhiều đoàn cán bộ và nông dân các xã trong huyện đến tham quan để học tập kinh nghiệm.

Ông Hồ Đình Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia, cho biết, thị trường khá rộng mở cho các loại nông sản sạch trên địa bàn bởi có tuyến Quốc lộ 1A đi qua, có khu du lịch, Khu Kinh tế Nghi Sơn… Qua các mô hình sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả kinh tế,  năm 2018, huyện sẽ tiếp tục triển khai, nhân rộng các mô hình trên địa bàn.

Bài và ảnh: Lê Đồng

Báo Thanh Hóa

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!