Ninh Bình: Tăng cường quản lý ao nuôi thủy sản mùa nắng nóng

Chưa có đánh giá về bài viết

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, tình trạng nắng nóng kéo dài trong những ngày vừa qua xen lẫn những cơn mưa rào rải rác ảnh hưởng tới các yếu tố môi trường ao nuôi.

Ngành nông nghiệp khuyến cáo các hộ nuôi tôm thường xuyên kiểm tra tôm nuôi và môi trường nước để có biện pháp xử lý kịp thời

Từ đó, làm tôm nuôi bị sốc do môi trường nước thay đổi, sức khỏe yếu và chết là điều khó tránh khỏi.

Đến ngày 30/5, trên địa bàn huyện Kim Sơn có trên 75 ha tôm nuôi chết rải rác. Trong đó chủ yếu ở xã Kim Đông, xã Kim Trung và xã Kim Hải. Trước tình hình trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với UBND huyện Kim Sơn, các xã vùng ven biển thành lập các tổ công tác bám sát vùng nuôi, tiến hành lấy mẫu tôm và mẫu nước quan trắc và cảnh báo môi trường vùng nuôi trồng thủy sản.

Kết quả xét nghiệm cho thấy tôm bị bệnh đốm trắng và bệnh hoại tử gan tụy, Chi cục Thủy sản, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã đưa ra các giải pháp kỹ thuật, khuyến cáo các hộ nuôi có biện pháp xử lý ao nuôi phù hợp, đồng thời hỗ trợ hướng dẫn các hộ cách sử dụng hóa chất TC- 01 để khử trùng tiêu độc ao đầm nuôi. Do đó đã phát huy được tác dụng của hóa chất trong ao, đầm nuôi, hạn chế tối đa thiệt hại.     

Trước đó để phòng, chống dịch bệnh cho tôm nuôi, Chi cục Thủy sản, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, tuyên truyền các quy định trong lĩnh vực thủy sản và một số bệnh thường gặp, cách phòng trị cho các hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Kim Sơn. 

Một buổi tập huấn cho người dân huyện Kim Sơn về kỹ thuật nuôi thủy sản

Trong mùa nắng nóng, môi trường ao nuôi luôn biến động, nhất là yếu tố pH, nhiệt độ nước, độ kiềm, ô-xy hoà tan… cùng độ mặn tăng cao. Thời gian tới dự báo nắng nóng vẫn sẽ tiếp diễn, đối với các hộ nuôi tôm cần tăng cường quản lý ao, đầm, điều chỉnh và duy trì các yếu tố môi trường nằm trong khoảng thích hợp theo quy định và theo hướng dẫn của cán bộ chuyên môn.

Tăng cường quạt nước khi trời nắng nóng để tránh hiện tượng phân tầng nhiệt độ. Sau những trận mưa, người nuôi cần kiểm tra các yếu tố môi trường trong vùng nuôi để có những biện pháp khắc phục kịp thời. Khi có hiện tượng tôm chết bất thường phải báo cáo cho UBND xã, cán bộ chuyên môn của địa phương hoặc cơ quan thú y nơi gần nhất. 

Người nuôi cũng cần bổ sung khoáng vi lượng, các loại vitamin và khoáng chất vào thức ăn nhằm tăng cường sức đề kháng cho tôm nuôi. Đối với hộ có hiện tượng tôm chết cần đắp chặt cống cấp và thoát nước không để rò rỉ nước ra hệ thống kênh mương chung của khu vực nuôi trồng thuỷ sản. 

Việc chủ động phòng tránh những ảnh hưởng của thời tiết bất thường đối với các loài thủy sản là yêu cầu cấp thiết đối với các hộ nuôi, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, phát triển thủy sản bền vững.

Lã Vân

nbtv.vn

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!