Nỗ lực tạo vị thế của cá tra Việt Nam

Chưa có đánh giá về bài viết

Nhiều chuyên gia cho rằng, chưa thể đánh giá toàn bộ tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đến xuất khẩu thủy sản Việt Nam, nhất là mặt hàng cá tra. Tuy nhiên, nhìn trên từng bình diện, cá tra Việt Nam cần phải nỗ lực để có được “chỗ đứng” vững chắc ở các thị trường, nhất là Mỹ.


Cá tra Việt Nam cần phải nỗ lực để có được chỗ đứng ở các thị trường

Áp lực lớn

Theo ông Ogmundur Knússon, chuyên gia từ Đại học Akureyri, liên tục nhiều năm cá tuyết (đối thủ lớn của cá tra) được xuất khẩu mạnh trên thị trường. Sản phẩm này chủ yếu xuất khẩu không qua chế biến với khoảng 60% (năm 2016). Tuy vậy, cá fillet cũng ngày càng chiếm lĩnh thị trường. Năm ngoái xuất khẩu cá tuyết fillet đông lạnh của Iceland vào Anh tăng 30% so với năm 2016.  Điều đặc biệt là giá cá tuyết ổn định ở mức cao trong gần một thập kỷ qua, khác hẳn với sự trồi sụt giá của cá tra Việt Nam.

 Thảo luận và nghiên cứu của các nhà khoa học cùng các chuyên gia tại Hội thảo Phát triển thị trường cá tra trong bối cảnh chiến tranh thương mại tổ chức tại TP Hồ Chí Minh vừa qua cho thấy, sự cạnh tranh đang diễn ra gay gắt tại châu Âu khiến cho sản phẩm cá tra Việt Nam ở châu Âu đang dần mất vị trí, trong khi cá tra Việt Nam vẫn có chỗ đứng tại Mỹ. Một trong những nguyên nhân là giá thành cá tra Việt Nam đang khá cao do chi phí đầu vào cao.

Với cá hồi, cá chẽm và cá tráp tại châu Âu, TS Nguyễn Ngọc Duy (Đại học Nha Trang) cho rằng, các ngành cá này có hiệu quả sử dụng đồng vốn cao hơn các doanh nghiệp nuôi cá tra tại Việt Nam. Điều đáng lo ngại là các doanh nghiệp Việt Nam lại phụ thuộc rất nhiều vào vốn vay ngắn hạn. Đơn cử, nghiên cứu 20 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra của Việt Nam thì doanh thu trung bình 36,8 triệu euro, nhưng nợ ngắn hạn trung bình là 24,1 triệu euro. Việc sử dụng ít hiệu quả vốn vay ngắn hạn tạo ra áp lực lớn cho ngành cá tra Việt Nam. TS Nguyễn Ngọc Duy chỉ ra rằng, năng suất cá tra tại Việt Nam tăng hơn 14% mỗi năm, nhưng cơ bản là nhờ sự cải tiến về công nghệ chứ không hẳn là do hiệu quả sử dụng đồng vốn. Việc cải tiến công nghệ cũng đòi hỏi chi phí lớn và tăng năng suất rõ ràng chưa đi đôi với tăng lợi nhuận và giảm giá thành.

Cần đa dạng sản phẩm

TS Gudmundur Stefansson từ Ireland cho rằng, kinh nghiệm thành công của Na Uy, đó là làm hài lòng khách hàng. Nhưng như thế nào mới là hài lòng? Các tiêu chí ưu tiên hàng đầu là tính đa dạng của sản phẩm, kể cả những yêu cầu đặc biệt. Hiểu và tiếp cận khách hàng tốt.

“Mặc dù thị trường mang tính cạnh tranh, song sự khôn ngoan và thành công của doanh nghiệp không hẳn lúc nào cũng nằm ở đó. Đôi khi, nỗ lực tìm cách giảm sự cạnh tranh cũng đem đến thành công. Chẳng hạn tìm kiếm các cơ hội, các thị trường mà đối thủ bỏ qua, nhằm giảm bớt áp lực” TS Gudmundur Stefansson nhấn mạnh.

Phân tích thị trường cho thấy mỗi thị trường, mỗi phân khúc lại có đặc điểm khác hẳn nhau. Chẳng hạn tại thị trường Italia thì các tiêu chí bổ dưỡng, ý thức môi trường là quan trọng nhất, trong khi thị trường Tây Ban Nha lại quan tâm đến thương hiệu và chất lượng cao, Pháp quan tâm đến an toàn sức khỏe, còn Đức lại chú tâm đến nghệ thuật ẩm thực… Chính sự đa dạng sản phẩm sẽ giúp cho các doanh nghiệp có thể tiếp cận các thị trường khác nhau.

Nghiên cứu cho rằng, nỗ lực giảm giá thành sản phẩm cũng chưa hẳn đã quyết định đến thành công mà sự đa dạng của sản phẩm và đáp ứng tốt nhu cầu từng thị trường có vai trò quyết định với sản phẩm trong phân khúc của mình.

Nỗ lực tạo giá trị

Theo quan điểm về “chiến tranh thương mại” chuyên gia thủy sản tại Na Uy Paul Steinar Valle đặt vấn đề mang tính giả thuyết rằng: “Cá tra đang bị “đẩy ra” khỏi EU và Mỹ?”.

Đây là một giả thiết khi mà về thị trường, cá tra đang chịu sự cạnh tranh với cá tuyết, cá minh thái, còn trên lĩnh vực truyền thông, cá tra bị bội nhọ. Thậm chí WTO đã thành lập một Ban hội thẩm về tranh chấp cá tra để giải quyết vấn đề khác biệt về quan điểm giữa Việt Nam và Mỹ. Việt Nam đang phát triển cá tra ở các thị trường mới như Trung Quốc và Mỹ Latinh, vậy phải chăng có một cuộc “chiến tranh lạnh” đối với cá tra Việt Nam tại một số thị trường?

TS Nguyễn Tiến Thông (Đại học Nha Trang) cho rằng, việc áp thuế lên các sản phẩm Trung Quốc cho thấy chiến tranh thương mại đang diễn ra, các mặt hàng thủy sản có thể chịu mức thuế cao hơn nhiều, trong đó có cá tra. Song thực tế, sản phẩm thủy sản xuất khẩu Việt Nam vẫn tăng trưởng tốt nhờ uy tín. Xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào EU năm 2017 tăng 21,5% so với năm 2016.

Mặc dù, xuất khẩu vào Mỹ giảm 2% song tổng thể thì xuất khẩu Việt Nam năm 2017 vẫn tăng gần 18%. Điều đó cho thấy, nhu cầu thực sự của thị trường và quy luật cung cầu đối với các sản phẩm thủy sản, trong đó có cá tra… mới là yếu tố quyết định. Việc xây dựng thương hiệu, giá trị cho sản phẩm cá tra Việt Nam sẽ là yếu tố then chốt trong tiếp cận thị trường, dù cuộc chiến thương mại trên toàn cầu sẽ còn khá cam go.

>> Thông tin từ Bộ NN&PTNT cho thấy, ở thời điểm hiện tại, các nhà nhập khẩu Trung Quốc đã tạm ngừng thu mua cá tra Việt Nam. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp cũng giảm khâu thu mua cá tra nguyên liệu. Tuy nhiên, dự báo giá cá tra từ nay đến cuối năm sẽ vẫn ở mức có lãi cho người nuôi.

Nguyễn Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!