T2, 06/07/2020 02:06

Nỗi đau Hoàng Sa

Chưa có đánh giá về bài viết

Đã mấy ngày trôi qua, gia đình của thuyền trưởng Trần Hồng Thọ ở thôn Phú Quý, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi vẫn ra biển ngóng về phía Hoàng Sa, chờ bóng con tàu trở về. Con tàu QNg 90167 TS đã bị Trung Quốc đâm chìm vào rạng sáng ngày 2-4 và hiện nay còn 4 ngư dân đang được tàu cá đưa vào đất liền.

Cú đâm chí tử

Chiều ngày 5-4, sóng điện kết nối với các ngư dân trên tàu cá bị Trung Quốc đâm chìm ở quần đảo Hoàng Sa. Phóng viên đặt câu hỏi đầu tiên về việc người phát ngôn Bộ Ngoai giao Trung Quốc là bà Hoa Xuân Oánh cho rằng, tàu cá của ngư dân Việt Nam đã tự lao vào mũi tàu tuần tra của ngư dân Trung Quốc. Các ngư dân nín lặng một lát, sau đó thú thực, đó là một hành động hết sức dã man, vì tàu tuần tra Trung Quốc đâm 2 lần vào tàu cá của ngư dân. Cú đâm này được ngư dân diễn tả là ngay vị trí hông tàu, nơi các ngư dân đang nằm ngủ.


Tàu Trung Quốc đã rượt đuổi các tàu cá đến ứng cứu tàu bị chìm – Ảnh ngư dân cung cấp

Cú đâm lần thứ nhất đã khiến con tàu sắp chìm và trong mớ hỗn độn đó, tiếng kêu vang lên to nhất, đó là thuyền trưởng Thọ đu người vào thành ca bin và hét to “anh em tới cứu tôi, nó đâm chìm tàu rồi, tọa độ 16 độ 42 phút N – 112 độ 25 phút E”. Ngư dân Đặng Dũng, thuyền trưởng tàu QNg 90399 TS và ngư dân Đặng Tằm, thuyền trưởng tàu QNg 90045 TS miêu tả, tiếng kêu thảm thiết đó lặp lại 2 lần, sau đó tất cả mọi âm thanh chìm trong im lặng. Các ngư dân dò sóng thì âm thanh từ máy Icom của tàu anh Thọ đã tắt lịm. Lập tức trên sóng điện vang lên một mệnh lệnh do tập thể nhiều tàu hét lên “đi cứu người anh em ơi, nó đâm chìm tàu 67 rồi!”.

Những lời kể của các ngư dân trong cuộc đã bác bỏ hoàn toàn lời bịa đặt của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Khi câu chuyện trên kể lại thì người nhà của thuyền trưởng Trần Hồng Thọ không khỏi bàng hoàng. Chị Nguyễn Thị Chi, vợ anh Thọ cho biết, con tàu này mới được gia đình anh Thọ vay vốn tạo dựng, còn nợ chồng chất 500 triệu đồng, phiên biển nào trở về thì anh em bạn chài đi trên tàu cũng nhắc câu “nó rượt hoài, bám dai như đỉa”.


Tàu do ngư dân Đặng Tự làm thuyền trưởng đi ứng cứu đã bị phun vòi rồng thủng tàu – Văn Chương

Nhà thuyền trưởng Thọ ở thôn Phú Quý, xã Bình Châu. Trong cái nắng hanh hao, bóng dáng của hai người phụ nữ hiện ra trên ghành đá, giữa âm thanh rì rào của biển cả. Trên tay hai người phụ nữ cầm một lá cờ Tổ quốc và mắt luôn dõi về hướng những con tàu như những chấm nhỏ phía đường chân trời. Đó là mẹ con của chị Nguyễn Thị Chi, người nhà của thuyền trưởng Trần Hồng Thọ. Câu chuyện về cú đâm chí tử của tàu Trung Quốc vào chiếc tàu gỗ nhỏ bé cứ vang lên trong đầu chị như một nỗi đau khôn tả.

Chi cho biết, tính anh Thọ ít nói, không kể nhiều về nỗi gian khổ, nhưng mỗi chuyến ra khơi đều nhắc lại chuyện ra “Hoàng Sa đánh bắt là để gìn giữ chủ quyền và tới đời con mình vẫn phải ra ngoài đó, nếu không sẽ mất đảo”.

 

Ngóng chồng ở Hoàng Sa

Chị Phạm Thị Búp, vợ thuyền trưởng Đặng Dũng đi lại trong căn nhà nằm sát biển, vẻ mặt buồn bã. Những ngày qua, chị luôn mong ngóng tin chồng ở Hoàng Sa. Chị cho biết, mấy chục năm đi biển, cứ thấy ai bị nạn là anh ra tay cứu, nhưng lần này thì quá thiệt thòi, nhưng phải chấp nhận. Đó là tàu QNg 90399 TS cập bờ vào trưa ngày 3-4 thì lập tức được đưa đi cách ly, vì lính Trung Quốc bắt tàu này, sau đó sang tàu tra hỏi, dồn 4/8 ngư dân trên tàu bị đâm chìm sang và bắt chở vào đất liền. Vì ngư dân trên tàu đã tiếp xúc với lính Trung Quốc nên phải đưa đi cách ly. Nhiều ngày qua, chị mong anh trở về từ Hoàng Sa, còn giờ đây thì mong anh và ngư dân đi bạn hết thời gian cách ly trở về.

Thôn Phú Quý và Châu Thuận Biển là vùng quê có nhiều ngư dân Hoàng Sa thiện chiến, nhất là thôn Phú Quý. Sự “thiện chiến” đó được các ngư dân quy ra phép tính rất đơn giản “bị Trung Quốc rượt mấy chục lần rồi nhưng vẫn quay trở lại bám đảo? bị bắt bao nhiêu lần? vô đảo Hoàng Sa trú bão chưa? Vô sát Phú Lâm mấy lần rồi…?”. Chỉ nghe qua cũng đủ thấy rằng, đó toàn là những tiêu chí đầy gai góc. Thử thách lớn nhất đối với các chàng trai làng chài là treo cờ Tổ quốc tiến vào sát các đảo nổi ở quần đảo Hoàng Sa; vào gần đảo Phú Lâm, nơi có nhiều cá, tôm nhất.


Chị Nguyễn Thị Chi và mẹ ra biển chờ tàu trở về

Quay trở lại ngôi nhà của vợ thuyền trưởng Thọ vào chiều ngày 5-4, cả gia đình chị Chi vẫn chìm trong nỗi lo lắng chờ con tàu chở anh Thọ về đất liền. Mọi người cũng quay ra đặt câu hỏi, “tàu bị đâm chìm, còn nợ 500 triệu đồng, giờ lấy gì trả cho người ta?”. Trong căn nhà có chiếc tủ chứa đầy vỏ ốc mà an Thọ mang về từ Hoàng Sa sau mỗi chuyến biển, giờ chìm trong im lặng, cảm giác như âm thanh xào xạc của sóng đang dội về, pha với tiếng cuồng nộ của những con người chới với trên con tàu bị đâm húc giữa đêm đen Hoàng Sa.

Mùa biển năm 2019, chiếc tàu QNg 90617 TS ra khơi đánh bắt, trên tàu ngoài ngư dân Quảng Ngãi còn có các ngư dân ở các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa ra đi bạn. Tàu nhổ neo đi cắt qua đảo Lý Sơn rồi hướng về đảo Quang Ảnh nằm ở mạn đông nam quần đảo Hoàng Sa, tọa độ 16 độ 26 phút vĩ độ Bắc – 111 độ 30 phút kinh độ Đông. Từ khu vực này, chiếc tàu tiếp tục đi vào cụm Lưỡi Liềm theo hướng vòng ra phía Tây và vào cụm đảo qua khu vực hòn đảo Hữu Nhật. Các ngư dân đi đánh cá và tự vạch lộ trình theo cách tự nhiên, nhưng tuyến đường đi đó thường trùng khít với hải trình của tàu HQ 16 Lý Thường Kiệt từng tiến vào trong cuộc Hải chiến Hoàng Sa năm 1974.

Lần đó, sau nhiều đêm đánh cá tại khu vực này, tàu QNg 90617 TS bị tàu tuần tra Trung Quốc bám theo, sau đó rượt đuổi và đâm hư hỏng. Chị Chi cho biết, không thể nhớ hết đã bao nhiêu lần tàu cá bị rượt đuổi. Nhưng có lần bị nặng nhất là vào năm 2018, tàu cá đã bị tàu tuần tra Trung Quốc bám riết, ép mũi bắt dừng tàu. Lính Trung Quốc ào qua tàu và bắt ngư dân xúc cá đổ xuống biển, sau đó dùng dao phay chặt phá dây hơi, tháo gỡ thiết bị rồi ra hiệu tàu phải quay về Việt Nam.

Cầm lá cờ Tổ quốc, chị Chi cho biết, phiên nào đi biển chị cũng chuẩn bị cho anh một lá cờ mới để treo trên tàu, tiến ra Hoàng Sa. Chị tâm sự “chồng em luôn nói là ra đó giữ đảo, đánh cá nhưng cái chính vẫn là giữ đảo, mình lùi thì Trung Quốc nó ép chế lấy hết, nếu anh ra đó có rủi ro gì thì cũng vì ra đi giữ đảo cho Việt Nam”.

Rủi ro mà thuyền trưởng Thọ nhắc đến như là một định mệnh khó tránh khỏi của những kình ngư ngày đêm bám biển Hoàng Sa.

 

>> Ông Phùng Bá Vương, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Châu, cho biết, ngư trường chính của ngư dân địa phương từ bao đời nay là quần đảo Hoàng Sa, dù gặp khó khăn như thế nào thì bà con cũng kiên trì bám biển, vừa đánh bắt, vừa khẳng định chủ quyền.  

Lê Văn Chương

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!