Nông dân kiệt sức vì nuôi tôm công nghiệp

Chưa có đánh giá về bài viết

Theo chỉ tiêu kế hoạch đề ra, năm 2016, huyện Trần Văn Thời phấn đấu đạt 1.000 ha tôm nuôi công nghiệp. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, khi đã gần hết năm 2016 mà chỉ tiêu đề ra đối với diện tích tôm nuôi công nghiệp chỉ mới đạt 78,61%, với hơn 786 ha.

Không chỉ gặp khó đối với việc phấn đấu đạt mục tiêu 1.000 ha tôm nuôi công nghiệp (TNCN) mà hiện nay, trước những khó khăn đối với tình hình nuôi tôm công nghiệp đang đặt ra cho các cấp, các ngành nhiều thử thách. Làm sao để mô hình TNCN thực sự đạt hiệu quả cao, bền vững và giúp nông dân yên tâm làm giàu?

Vỡ mộng làm giàu

Dịch bệnh trên tôm thường xuyên xảy ra, giá cả không ổn định, thậm chí một thời gian dài rớt giá thê thảm, trong khi đó, giá cả thức ăn và các loại hoá chất dùng trong nuôi thuỷ sản ngày một tăng chính là những nguyên nhân làm cho nông dân chẳng còn mặn mà với con tôm công nghiệp. Ðiều đó được chứng minh qua thực trạng nuôi tôm công nghiệp hiện nay. Trong hơn 786 ha TNCN thì chỉ có 37,53% diện tích đang thả nuôi, với 295 ha. Số còn lại đang cải tạo, chuyển đổi hình thức nuôi hoặc bỏ đầm trống. Có 423 hộ đành chấp nhận cảnh treo đầm, với hơn 178 ha.

Nuôi tôm công nghiệp gặp khó, ông Trần Văn Mỏng (ấp Tân Phong, xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời) chuyển sang nuôi cua gần năm nay.

Nuôi tôm công nghiệp gặp khó, ông Trần Văn Mỏng (ấp Tân Phong, xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời) chuyển sang nuôi cua gần năm nay.

Thấy nhiều người phất lên nhanh chóng chỉ sau vài vụ nuôi tôm công nghiệp, mặc dù không nằm trong vùng quy hoạch, nguồn vốn lại không có, nhưng ông Bảy Mỏng (Trần Văn Mỏng, ấp Tân Phong, xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời) vẫn quyết định thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để vay 25 triệu đồng cải tạo 2 đầm, với diện tích 6.000 m2 vào năm 2013. 4 vụ nuôi công nghiệp không có cảm giác nào mà ông Bảy Mỏng chưa từng trải qua, bởi huề vốn có, trúng có, mà thất cũng có. 3 năm “mệt thân nhức óc” giàu đâu chẳng thấy, chỉ thấy cuộc sống gia đình càng túng quẫn.

Không còn khả năng cầm cự, hiện nay, 1 đầm ông Bảy Mỏng chuyển sang nuôi cua, 1 đầm ông nuôi tôm sú theo hình thức thả thưa, cho ăn dặm.

Khi hỏi bản thân có nắm vững kỹ thuật nuôi tôm công nghiệp (NTCN), ông Bảy Mỏng nhận định chỉ tương đối. Nguồn vốn không có, khoa học – kỹ thuật cũng mập mờ nhưng ông Bảy Mỏng kiên quyết sau khi thu hoạch đầm tôm, cua, ông sẽ quay lại nuôi tôm công nghiệp.

Ông Út Dũng (Nguyễn Văn Dũng, ấp Tân Phong, xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời) cũng rơi vào hoàn cảnh phải cầm cố giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vì con tôm công nghiệp. Ôm ấp giấc mơ làm giàu, ông Út Dũng gom góp số tiền tích luỹ hơn 60 triệu đồng của gia đình để nuôi 1 đầm tôm công nghiệp. Vụ đầu thất bại, ông Út Dũng quyết “bày keo khác” xem sao. Vậy là, lại lần thứ hai ông Út Dũng vay vốn ngân hàng. 3 vụ nuôi thì đã có 2 vụ thất. Vỡ mộng làm giàu từ con tôm công nghiệp, ông Út Dũng đành chuyển sang nuôi cá chình, cá bống tượng.

Tuy cũng còn vài héc-ta nuôi quảng canh nhưng năm nay hầu như thất trắng, cộng thêm số tiền lãi mỗi quý phải trả cho ngân hàng vài triệu đồng nên cuộc sống của gia đình ông Út Dũng gặp nhiều khó khăn. Bà Nguyễn Thị Nho, vợ ông Út Dũng, buồn bã: “Với tình hình nuôi tôm, cua như bây giờ, không biết đến khi nào mới chuộc lại được sổ đỏ nữa!”.

Vẫn là thiếu vốn

Có nhiều hộ còn khả năng cầm cự vẫn còn duy trì nuôi tôm công nghiệp với hy vọng cầu may. Thế nhưng, môi trường sản xuất bị ô nhiễm, dịch bệnh trên tôm nuôi cũng hàng loạt những yếu tố bất lợi khác gây ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, sản lượng, hiệu quả kinh tế.

Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Trần Văn Thời, đầu năm đến nay, toàn huyện chỉ có hơn 355 ha TNCN thu hoạch được đánh giá là đạt hiệu quả, với hơn 2.135 tấn. Riêng diện tích tôm nuôi bị bệnh, năng suất kém hơn 72 ha.

Là một trong những hộ có thâm niên NTCN nhưng ông Huỳnh Văn Hái (ấp Tân Phong, xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời) cũng không lường trước được những rủi ro của nuôi tôm công nghiệp. Tình hình sản xuất gặp nhiều khó khăn nên từ đầu năm 2016, ông chỉ thả nuôi 1 trong 2 đầm. Tuy nhiên, tình hình sản xuất không mấy khả quan. Vừa qua, đầm nuôi tôm sú công nghiệp, với 3.000 m2 của ông Hái, khi tôm vừa tròn 2 tháng tuổi bị bệnh gan tuỵ, thiệt hại gần 100%.

Theo anh Lê Văn Nhủ, cán bộ chăn nuôi thú y xã Lợi An, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn xã có hơn 13 ha TNCN bị thiệt hại của 55 hộ nuôi, mức độ thiệt hại từ 70% trở lên.

Trước thực trạng NTCN gặp nhiều khó khăn, thời gian qua, huyện tận dụng các nguồn vốn, phối hợp với các ngành đầu tư các dự án nhằm giúp nông dân tháo gỡ khó khăn như dự án nuôi tôm càng xanh trong đầm tôm công nghiệp; nuôi tôm thẻ chân trắng ương trong ao lót bạt; cánh đồng lớn nuôi tôm quảng canh cải tiến nước tĩnh…, với hy vọng giúp nông dân tìm hướng sản xuất mới phù hợp và đem lại hiệu quả kinh tế bền vững. Chẳng hạn như mô hình trình diễn nuôi tôm thẻ chân trắng ương trong ao lót bạt, nuôi trong ao đất vừa qua tại ấp Rạch Bần, xã Phong Lạc đang mở ra nhiều triển vọng cho nông dân. Thế nhưng, cái khó đặt ra cũng lại là vốn.

Ông Bảy Mỏng bộc bạch: “Cũng xem qua đài, tham quan nhiều hộ NTCN theo hình thức lót bạt đem lại hiệu quả cao. Nhưng riêng nguồn vốn đầu tư ao ương, vèo đã ngót nghét mấy chục triệu đồng, chưa kể đến muốn thực hiện được cần có nguồn vốn vài trăm triệu đồng. Con số này vượt quá khả năng của gia đình”.

Một trong những mong muốn chung của người dân hiện nay là được hỗ trợ vốn để tái sản xuất. Hơn lúc nào hết, nông dân đang rất cần sự hỗ trợ và những giải pháp kịp thời, hiệu quả của các cấp, các ngành./.

Ngọc Minh

Báo Cà Mau

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!