Nông dân và ngân hàng gặp “họa” với doanh nghiệp chế biến cá tra

Chưa có đánh giá về bài viết

Những nông dân tham gia thí điểm nuôi cá tra theo chuỗi liên kết Tafishco (Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Thuận An) ở An Giang vừa gửi đơn kêu cứu Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Trong lúc, nhiều ngân hàng ở tỉnh này có nguy cơ mất nghìn tỷ với doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu.

Các hộ nuôi cá chuỗi liên kết Tafishco tập trung ký đơn kêu cứu Thủ tướng    Ảnh: SN

Các hộ nuôi cá chuỗi liên kết Tafishco tập trung ký đơn kêu cứu Thủ tướng  Ảnh: SN

Nông dân kêu cứu

Đơn kêu cứu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 18/11, của nông dân nuôi cá tra viết, họ đang “gặp phải tai họa bất khả kháng, đẩy chúng tôi tới bước đường cùng”. Theo đơn, gần đây, Agribank An Giang “yêu cầu cơ quan thi hành án địa phương kê biên tài sản của chúng tôi, điều này là hết sức sai trái, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế của gia đình, làm tinh thần, sức khỏe chúng tôi suy sụp”. Các hộ trình bày, khi tham gia thí điểm chuỗi Tafishco, họ tuân thủ các cam kết thỏa thuận. Nay chủ Tafishco “chiếm đoạt rồi bỏ trốn, không tất toán với ngân hàng, ngân hàng quay lại bắt chúng tôi chịu trách nhiệm thì thật quá bất công, chúng tôi không thể trả 1 món nợ đến 2 lần”.

Theo nhiều quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, thực hiện chủ trương của Chính phủ, tháng 8/2015, chục hộ có kinh nghiệm nuôi cá tra tham gia thí điểm chuỗi liên kết Tafishco. Sau một năm thực hiện, ngày 17/11/2016, vợ chồng chủ Tafishco bỏ trốn ra nước ngoài, ôm theo số tiền cá của nông dân mà không thanh toán cho ngân hàng.

Chuỗi liên kết dừng lại đột ngột trong khi việc thí điểm còn đến tháng 5/2018, gây ra nhiều đổ vỡ. Số cá đã giao cho Tafishco chế biến xuất khẩu vẫn chưa được Tafishco trả nợ tiền Agribank An Giang đầu tư mua thức ăn nuôi cá, nên ngân hàng đòi nợ nông dân. Trong lúc, nông dân còn chịu thua lỗ nặng nề với số cá đang nuôi mà Agribank An Giang không tiếp tục cho vay tiền mua thức ăn nên bị hao hụt nhiều.

Tháng 2/2017, UBND tỉnh An Giang lập tổ xử lý nợ, thống nhất phương án trình lên Ngân hàng Nhà nước là Agribank An Giang sẽ thu nợ tiền đầu tư thức ăn nuôi cá theo chuỗi, với Tafishco (theo số cá đã giao). Nhưng ngày 14/7, Ngân hàng Nhà nước có văn bản không chấp thuận phương án trên, mà buộc nông dân phải trả nợ. Theo đó, tính đến ngày 30/6, có 10 hộ tham gia chuỗi Tafishco nợ Agribank An Giang hơn 78 tỷ đồng và bị Tafishco nợ tiền cá gần 82 tỷ đồng. Trong 10 hộ, 4 hộ nợ ngân hàng ít hơn tiền cá đã giao và 6 hộ nợ ngân hàng nhiều hơn tiền cá đã giao. Những hộ này cùng Agribank An Giang thanh toán số tiền chênh lệch.

Sau khi thanh toán khoản chênh lệch, nợ Agribank An Giang còn lại của nông dân bằng tiền cá bị Tafishco nợ, mới bàn “xử lý nợ”. Theo hai hướng: “cơ cấu lại nợ” hoặc “khoanh nợ”, đều thời hạn 5 năm và tính cả gốc lẫn lãi. Các hộ dân phải nhận nợ, cam kết thời gian trả. Hoàn tất các thủ tục “xử lý nợ”, các hộ được Agribank An Giang cho vay mới để tiếp tục nuôi cá. Các hộ không đồng ý, vì một khoản tiền thức ăn nuôi cá mà phải trả hai lần, đã giao cá cho Tafishco theo cam kết chuỗi có Agribank An Giang tham gia, nay lại phải trả lần nữa cho Agribank An Giang.

Nguyện vọng của các hộ nuôi cá thí điểm chuỗi theo chủ trương của Chính phủ là vụ việc được “giải quyết công bằng, lẽ phải và đúng thực tế” để họ tái sản xuất, sinh sống.

Ngân hàng thụt két

Khi vợ chồng bà chủ Tafishco biến mất, ở thời điểm tháng 11/2016, thống kê sơ bộ, ngoài nợ nông dân bán cá, Tafishco còn nợ Agribank An Giang và vài ngân hàng khác cùng khách hàng bao bì hơn 600 tỷ đồng, kèm hơn 2,5 triệu USD. Theo một số thành viên tham gia tổ xử lý nợ của tỉnh An Giang, có dấu hiệu Agribank An Giang không giám sát, kiểm tra, để Tafishco chiếm đoạt tiền của nông dân và vay ngân hàng số tiền lớn trước khi bỏ trốn.

Chỉ 2 tháng trước khi ông bà chủ Tafishco bỏ trốn, trong một ngày (15/9/2016), Agribank An Giang ký hợp đồng tín dụng cho Tafishco vay 496 tỷ đồng và nay, ngân hàng đang kiện ra tòa để đòi. Đó là “Hợp đồng cấp tín dụng hạn mức” số 13 và 14. Hợp đồng số 13 cho vay 380 tỷ đồng để “sản xuất, kinh doanh, chế biến cá tra fillet, bột và mỡ cá tra”, hợp đồng số 14 cho vay 116 tỷ đồng để “nuôi cá tra theo mô hình chuỗi liên kết”, thời hạn hiệu lực đến ngày 15/8/2017.

Đặc biệt ở hai hợp đồng cho vay này, có chung nhiều hợp đồng thế chấp tài sản. Đó là, hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất của bên thứ ba số 117F/HĐTC, ngày 21/12/2011 và số 02A/HĐTC, ngày 9/1/2014; hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất của bên thứ ba số 02B/HĐTC, ngày 10/1/2014. Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất số 73A/HĐTC và 73B/HĐTC, ngày 24/7/2014. Hợp đồng thế chấp tài sản số 37A/HĐTC, ngày 6/5/2016 và 37B/HĐTC ngày 12/7/2016. Nghĩa vụ trả nợ của Tafishco ghi trong hai hợp đồng “được bảo đảm bằng các hợp đồng bảo đảm tiền vay” là các hợp đồng chung vừa nêu.

Sáu Nghệ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!