Nông nghiệp công nghệ cao – Các vấn đề và giải pháp

Chưa có đánh giá về bài viết

Đó là chủ đề Hội thảo do Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Nguyễn Tất Thành, Tập đoàn GFS và Sàn Tri thức Novelind đồng tổ chức nhằm mục tiêu tạo ra sự kết nối các giải pháp và công nghệ giữa nhà khoa học và doanh nghiệp trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ thông tin và đào tạo.

Toàn cảnh buổi Hội thảo

Hội thảo diễn ra ngày 7/4/2018 tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam gồm 4 phiên chính, xoay quanh các chủ đề: Nông nghiệp công nghệ cao – các vấn đề về chính sách, đào tạo nhân lực và một góc nhìn từ phía doanh nghiệp tư nhân; Các chủ đề về giống, truy xuất nguồn gốc và phân phối nông sản; ICT và tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp công nghệ… Trong đó, đáng chú ý là chia sẻ của PGS.TS Bùi Xuân Hồi, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn GFS chia sẻ về nông nghiệp hữu cơ. PGS.TS Bùi Xuân Hồi nhấn mạnh: Phát triển nông nghiệp hữu cơ không còn là vấn đề mang tính phong trào mà thực sự đã được quan tâm ở tầm chiến lược quốc gia khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ NN&PTNT xây dựng đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2018 – 2021. Mặc dù vậy, để triển khai và thực hiện cho hiệu quả và lan tỏa quy mô lớn vẫn còn là bài toán cần lời giải.

TS. Dương Trọng Hải, Viện KH&CN Industry 4.0 trình bày tham luận 

Cùng đó, tham luận “Nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh bằng công nghệ Biofloc” của PGS.TS Trần Thị Nắng Thu, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng đã thu hút sự chú ý từ giới chuyên môn. Ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm thẻ chân trắng Litopenaeus vannamei hiện đang là một giải pháp được nhiều trang trại nuôi tôm ở Việt Nam ứng dụng. Với nhiều lợi ích khi nuôi tôm bằng công nghệ này: tăng năng suất so với công nghệ nuôi truyền thống, giảm chi phí thức ăn, hệ số thức ăn FCR thấp, hạn chế ô nhiễm môi trường, hạn chế dịch bệnh trên tôm, tôm thu hoạch được đánh giá cao về chất lượng cảm quan, dinh dưỡng và an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, công nghệ nuôi Biofloc cũng có những khó khăn như liên tục cần phải duy trì các điều kiện môi trường như nhiệt độ, sục khí, tỷ lệ cân đối carbon, nito… điều này đòi hỏi phải có một chương trình kiểm soát tốt, người nuôi có trình độ cao…

PGS. TS Bùi Xuân Hồi phát biểu tại Hội thảo 

Nhìn toàn cục, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có thể tác động lớn về kinh tế, xã hội, môi trường toàn cầu, khu vực, trong từng quốc gia, đến từng doanh nghiệp; sẽ mang lại nhiều cơ hội cho các nước đang phát triển. Tuy nhiên, việc áp dụng công nghệ 4.0 trong nông nghiệp sẽ là thách thức lớn nhưng mang nó tính tất yếu đối với Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển nông nghiệp nông thôn.

Nguyệt Nga

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!