Nông nghiệp sạch: Trách nhiệm và nghĩa vụ với xã hội

Chưa có đánh giá về bài viết

Tăng chất lượng song hành với tăng sản lượng đang là mục tiêu hướng tới của ngành nông nghiệp, nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường. Để giải quyết bài toán này, nông nghiệp Việt Nam đang hướng tới nhiệm vụ mới. Hãy cùng nghe chia sẻ của những người trong cuộc về mục tiêu này.

Cánh đồng dưa ở Cà Mau   Ảnh: Huỳnh Lâm

Cánh đồng dưa ở Cà Mau Ảnh: Huỳnh Lâm

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường

Nông nghiệp cần khoa học công nghệ cao

Sau 3 năm thực hiện Chương trình Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, ở các quy mô, cấp độ khác nhau, các ngành hàng khác nhau đã có chuyển biến tích cực, tiếp cận với mục tiêu cuối cùng là xây dựng gắn với thị trường tiêu thụ trong và người nước cũng như tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm thế nào để các nông sản chủ lực, sản phẩm đặc sản, sản phẩm hữu cơ, sản phẩm có chỉ dẫn địa lý… từ các vùng miền trong cả nước với chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm có chỗ đứng ổn định và sức cạnh tranh cao trên thị trường trong và ngoài nước là điều mà người nông dân và các cấp, các ngành, toàn xã hội rất mong đợi 

Mặt khác, muốn có sản phẩm nông nghiệp sạch cần có sự đầu tư khoa học công nghệ, sản xuất theo quy trình hiện đại, áp dụng kỹ thuật cao. Do đó, cần phải tháo gỡ những vướng mắc đang cản trở các doanh nghiệp như đất đai, thuế… Chính sách đất đai hiện nay cần phải được hoàn thiện thêm một bước nữa theo hướng nới rộng quy định về hạn điền. Tích tụ ruộng đất phải được xem là một hành động hợp quy và hợp pháp. Ngành nông nghiệp cũng đã xin ý kiến của Chính phủ và được đồng ý về chủ trương sẽ giảm khoảng 700.000 ha diện tích đất lúa so với hiện nay để chuyển đổi cây trồng vật nuôi cho phù hợp theo tiêu chí giá trị kinh tế cao hơn cây lúa.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám

Cần xây dựng sản phẩm chiếc lược quốc gia

Từ những bài học năm 2016, trong năm 2017, ngành thủy sản sẽ tiếp tục tập trung khai thác những lợi thế trong nuôi trồng và khai thác để phát triển mạnh hơn nữa. Cụ thể với tôm nước lợ, đây là lĩnh vực lợi thế còn dư địa khai thác; do đó, có thể nâng bình quân trên một đơn vị diện tích ít nhất là 300 – 500 kg/ha nếu có sự chỉ đạo quyết liệt từ trung ương tới địa phương cùng việc kiểm soát tốt dư lượng, hóa chất, kháng sinh vật tư đầu vào, nhất là chất lượng con giống, áp dụng các quy trình nuôi tiên tiến, hiệu quả; đề phòng hạn mặn, kiểm soát dịch bệnh, phát triển thị trường, mở rộng xúc tiến thương mại.

Với cá tra, về lâu dài cần khẩn trương xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm quốc gia, tạo ra dòng sản phẩm chất lượng cao, xây dựng thương hiệu nâng cao uy tín loài nuôi này. 2016 là năm cao điểm hành động về an toàn thực phẩm với 4 trọng tâm, đó là rà soát lại hoàn thiện thể chế, thanh tra kiểm tra, xử lý vi phạm về sử dụng vật tư đầu vào (chất cấm, dư lượng hóa chất, kháng sinh…); Năm 2017, chủ đề chính vẫn là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Với thách thức của nông nghiệp và thủy sản là biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, thị trường, những nhân tố này vẫn chưa chấm dứt và khó đoán hơn. Nên chỉ đạo điều hành bám sát thực tiễn và dự báo từ các nguy cơ này để ứng phó. Với kinh nghiệm của ngành thủy sản năm qua, chúng ta hoàn toàn có thể vượt qua được, biến nguy cơ thách thức thành thuận lợi.

GS.TS Đường Hồng Dật – Nguyên Viện trưởng Viện hợp tác KHKT châu Á – Thái Bình Dương

Vì môi trường lành mạnh và thế hệ tương lai 

Sản phẩm nông nghiệp với lượng tồn dư các chất hóa học là những sản phẩm không còn sạch sẽ đối với người sử dụng và có khả năng gây hại cho cơ thể con người. Để tránh những tác hại trước mắt và lâu dài do các sản phẩm có nhiều tồn dư các chất hóa học gây ra, người ta đề ra hướng mới để tiến hành sản xuất nông nghiệp: nông nghiệp sạch. Vì vậy, trong bất cứ tình huống nào, chúng ta cũng phải phấn đấu để làm nông nghiệp sạch vì sức khỏe của thế hệ hôm nay, vì một môi trường sống trong lành và vì các thế hệ tương lai. Cần sớm và kiên quyết loại bỏ các nguyên nhân chủ quan. Phấn đấu vươn lên không ngừng để khắc phục và vượt qua các nguyên nhân khách quan, khắc phục được các nguyên nhân làm cho nông sản không sạch là điều không dễ. Tuy vậy, với những tiến bộ khoa học và công nghệ đã có, với những hiểu biết đang được tích lũy ngày càng nhiều, trình độ nông dân đang ngày càng được nâng lên, chúng ta có thể thực hiện được một “nền nông nghiệp sạch”.

PGS. TS Lại Văn Hùng, Nguyên Trưởng Khoa Nuôi trồng, Trường Đại học Nha Trang

Tạo “cú hích” từ công nghệ hiện đại 

Để ngành nông nghiệp thực sự phát triển bền vững thì nông nghiệp “sạch” là hướng đi tất yếu của nước ta. Làm được điều này, cần tạo nên những “cú hích” từ khoa học công nghệ hiện đại giống như nhiều nước trên thế giới đã thực hiện. Chúng ta cần tập trung đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm thay vì phát triển ồ ạt, thiếu kiểm soát hay thiếu quy hoạch tốt, nhằm gia tăng giá trị của sản phẩm thay vì gia tăng số lượng. Áp dụng các tiêu chuẩn bền vững một cách có hệ thống để tạo lòng tin của người tiêu dùng và sản xuất có trách nhiệm với môi trường và xã hội. Đồng thời, cũng cần có chiến lược thị trường tốt để đảm bảo tính cạnh tranh cao đối với các sản phẩm nông nghiệp “Made in Vietnam”. Cùng đó, là việc thực hiện tốt các chính sách khích lệ và động viên của các cơ quan nhà nước cho người dân để họ có thể thực hành nuôi trồng bền vững. Chính phủ cũng cung cấp các khoản vay lãi suất thấp và miễn thuế cho những hộ nuôi quy mô nhỏ nhằm giúp họ có thêm chi phí ứng dụng công nghệ sản xuất, nâng cao năng suất. 

Ông Adisak Torsakul – phó Tổng Giám đốc điều hành phụ trách ngành thủy sản của C.P. Việt Nam

Sản phẩm sạch cần quy trình nuôi tốt 

Để sản có sản phẩm thủy sản sạch cần con giống sạch, quy trình nuôi sạch cùng thức ăn chất lượng tốt. Những năm qua, C.P. Việt Nam đã luôn đồng hành cùng người nuôi trồng thủy sản trong cả nước tạo nên những mùa vụ thành công. Trước thách thức của biến đổi khí hậu, dịch bệnh, môi trường, C.P. Việt Nam đã chủ động cải tiến, áp dụng công nghệ mới trong sản xuất thức ăn tôm và tôm giống, nghiên cứu thay đổi quy trình nuôi phù hợp nhằm đem tới sự thành công cho khách hàng. Về nguồn giống, Công ty cam kết cung cấp đầy đủ số lượng, đưa ra thị trường tôm PL12 với chất lượng đảm bảo 100% sạch; sản xuất từ nguồn tôm bố mẹ chất lượng, sạch bệnh cùng quy trình sản xuất và kiểm tra chất lượng giống được quản lý và kiểm soát chặt chẽ bằng hệ thống máy móc hiện đại nhất trên thế giới. Cùng với đó, Công ty triển khai thực hiện quy trình nuôi tôm 3 sạch. Đây là quy trình nuôi tôm đạt năng suất cao, giảm số lượng ao nuôi nhưng không giảm sản lượng tôm thu hoạch (nuôi ít, thu hoạch nhiều); quy trình gồm 3 yếu tố là tôm giống sạch, nước sạch và đáy ao sạch.

Ông Nguyễn Hoàng Anh – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Thủy sản Nam Miền Trung

Giải quyết bài toán thay đổi nhận thức 

Để hướng đến nền nông nghiệp sạch, tôi nghĩ điều quan trọng nhất là phải giải quyết bài toán thay đổi nhận thức từ người sản xuất đến người kinh doanh, tiêu dùng. Khi đó, họ sẽ làm đúng thông qua những việc làm có trách nhiệm, có kiểm soát. Để mỗi loại thực phẩm sử dụng của hơn 90 triệu người dân trên đất nước này được tin tưởng hơn, an tâm hơn bởi được sản xuất, kinh doanh bằng trách nhiệm. Đồng thời, thông qua việc ứng dụng công nghệ cao, cải thiện chất lượng, nâng cao sản lượng, giá thành phù hợp, đảm bảo lợi ích người sản xuất. Ngoài thị trường trong nước, sản phẩm nông nghiệp Việt Nam hướng đến thị trường quốc tế, được người tiêu dùng thế giới tín nhiệm và khẳng định sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam là sản phẩm an toàn có giá trị cao…

Ông Lê Anh Xuân – Giám đốc Công ty TNHH SX&TM Trúc Anh

Tạo thương hiệu cho sản phẩm

Để làm được điều này chuỗi sản xuất phải gắn với trách nhiệm. Niềm tin chỉ được xây dựng trên lòng tự trọng, chất lượng sản phẩm nhưng môi trường cho nó sống là sự trách nhiệm và minh bạch của người sản xuất, kinh doanh, chính quyền với một thiết chế quản trị tốt. Người sản xuất có trách nhiệm với sản phẩm của chính mình làm ra. Nhà kinh doanh phải có trách nhiệm với sản phẩm cung cấp, với người tiêu dùng. Người tiêu dùng không chỉ có trách nhiệm với bản thân mà còn gián tiếp có trách nhiệm với sản phẩm (tẩy chay những sản phẩm không an toàn, doanh nghiệp làm ăn không chân chính…). Đồng thời là trách nhiệm chung vì cộng đồng, an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường… Những cá nhân đừng vì lợi ích trước mắt mà thiếu trách nhiệm, doanh nghiệp đừng vì lợi ích riêng mà ảnh hưởng đến cả ngành sản xuất, sản phẩm quốc gia… Khi đó, sản phẩm làm ra an toàn được người tiêu dùng yên tâm khi sử dụng.

>>Tại Hội nghị Xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp Việt Nam diễn ra tháng 12/2016 vừa qua, Chủ tịch Câu lạc bộ công nghệ cao Việt Nam Trương Gia Bình bày tỏ mong muốn đưa cách làm mới trong nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, xây dựng chuỗi liên kết giá trị, doanh nghiệp hóa nông nghiệp, nông dân. Bởi, cách làm mới này sẽ góp phần thay đổi ngành nông nghiệp Việt Nam từ sản xuất truyền thống sang nông nghiệp công nghệ cao, hình thành chuỗi giá trị nông nghiệp hiệu quả cạnh tranh, cung cấp sản phẩm có chất lượng.

Nguyên Chi - Hà Châu (Thực hiện)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!