T2, 06/07/2020 10:02

Nông thôn mới Hà Nội: Nét mới Thụy Hương

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Được chọn là một trong 11 xã điểm của cả nước xây dựng NTM, đến nay, xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội đã đạt 18/19 tiêu chí của Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn.

Khơi dậy tiềm năng

Nằm cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 20km về phía Tây Nam, xã Thụy Hương có 7 thôn với 1.839 hộ, 7.926 khẩu và 4.352 lao động, chiếm 55% tổng dân số. Tuy xuất phát điểm là một xã thuần nông, kinh tế còn nhiều khó khăn, đời sống người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, song sau hơn 2 năm triển khai xây dựng NTM, Thụy Hương đang đổi thay từng ngày.

Ông Nguyễn Đức Học, Chủ tịch UBND, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng NTM xã, cho biết, điều thành công nhất trong phong trào xây dựng NTM nơi đây chính là việc nâng cao được nhận thức, năng lực chỉ đạo điều hành của đội ngũ cán bộ từ thôn đến xã. Đặc biệt, công tác dân vận đạt hiệu quả cao tạo nên sự đồng tình, nhất trí cao giữa lãnh đạo và người dân. Các chương trình, dự án phát triển sản xuất hàng hóa như: lúa chất lượng cao, rau an toàn, trồng hoa, cây cảnh… đã giúp người dân tiếp cận dần với phương thức sản xuất mới, góp phần chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế.


Người dân Thụy Hương ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất

Thời gian qua, Thụy Hương triển khai gieo trồng hàng trăm ha lúa hàng hóa, cho hiệu quả cao gấp 1,5 lần so với lúa thông thường; triển khai dự án trồng hoa lên tới 9,5 ha; dự án trồng rau sạch là 79,5 ha, cho thu nhập gấp 2 lần cấy lúa và trồng màu. Ngoài ra, xã còn kết hợp nuôi thủy sản, diện tích 8,8 ha, gắn với du lịch sinh thái; xây dựng cụm làng nghề quy mô 9,7 ha, thường xuyên duy trì sản xuất kết hợp với đào tạo, dạy nghề cho người lao động ở trên 100 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp trong xã. Người dân Thụy Hương giờ đã biết đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa, tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

 

Huy động mọi nguồn lực

Qua 3 năm triển khai xây dựng NTM, Thụy Hương đã được đầu tư gần 66 tỷ đồng trên tổng số hơn 128 tỷ đồng được phê duyệt. Trong đó, riêng ngân sách thành phố là 41,6 tỷ đồng, ngân sách huyện 11,5 tỷ đồng, huy động dân đóng góp là 7,1 tỷ đồng, doanh nghiệp tham gia 3 tỷ đồng.


Hệ thống lưới điện quốc gia phủ khắp xã Thụy Hương

Cùng với đó, xã cũng tích cực vận động người dân tham gia đóng góp bằng nhiều hình thức như: đóng góp tiền của, công sức, hiến đất, công trình, vật tư để xây dựng các công trình phúc lợi công cộng; hỗ trợ nhau phát triển sản xuất nâng cao đời sống, tuy nhiên, do đời sống nhân dân còn khó khăn, nên mức đóng góp mới đạt 49,3% so với yêu cầu. Đối với nguồn vốn của doanh nghiệp, chủ yếu tập trung vào xây dựng chợ nông thôn, điện nông thôn, cụm điểm công nghiệp làng nghề, các dự án sản xuất…

 

Vùng quê đổi mới

Nhờ phát triển tốt những mô hình mới trong sản xuất nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng thương mại, dịch vụ, công nghiệp nên mức tăng trưởng kinh tế bình quân của Thụy Hương 3 năm trở lại đây đạt 23%/năm; thu nhập bình quân đầu người năm 2011 đạt 21 triệu đồng/năm, gấp 1,5 lần thu nhập bình quân khu vực nông thôn toàn thành phố. Xã không còn hộ đói, tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 14,9% xuống còn 4%.

Trong Hội nghị tổng kết chương trình xây dựng thí điểm mô hình NTM giai đoạn 2009 – 2011 của Hà Nội (ngày 19/12/2011), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã khẳng định, sau thời gian triển khai xây dựng thí điểm mô hình NTM, xã Thụy Hương đã đạt được nhiều chuyển biến tích cực. Hình hài, diện mạo ban đầu của NTM đã rõ, chủ thể tham gia quá trình xây dựng NTM cũng được khẳng định rõ ràng hơn, đó chính là người dân ở các xã.

Song, điều quan trọng hơn cả là từ thành công bước đầu của Thụy Hương – một trong 11 mô hình điểm toàn quốc này, Hà Nội cần nhân ra diện rộng trong thời gian tới, để cuộc sống của người dân nông thôn ngày càng tốt hơn, an ninh trật tự tiếp tục được củng cố, giữ vững. Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, kiêm Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 02-C.Tr/T.U Nguyễn Công Soái chia sẻ, trong xây dựng NTM cần đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền, nhất là sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị để nhân dân hiểu rõ được quyền và nghĩa vụ trong xây dựng NTM.

>> Theo Ban chỉ đạo xây dựng NTM xã, qua điều tra 557 hộ dân trong xã về tổ chức xây dựng NTM tại địa phương: có 94,6% người dân hài lòng; 98,3% đánh giá cao cách hướng dẫn trong phát triển sản xuất, đào tạo; 80,8% hài lòng về chất lượng và tiến độ thi công các công trình; 95% đánh giá cao vai trò hoạt động của Đảng và các tổ chức chính trị – xã hội trong xây dựng NTM ở xã.

Vân Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!